Ngư dân Trà Vinh gặp khó trong hoạt động khai thác hải sản
Cập nhật: 1 ngày trước
Hà Nội xây cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ với Đông Anh hơn 20.000 tỷ đồng
Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
VOV.VN - Từ nhiều tháng qua, ngư dân Trà Vinh gặp nhiều khó khăn vì sản lượng khai thác hải sản giảm mạnh, chi phí hoạt động tăng cao. Mỗi chuyến ra khơi phần lớn bị lỗ, nhất là đối với loại tàu khai thác vùng khơi.
Ngư dân Trần Công Đức (ở thị trấn Định An, huyện Trà Cú) – người có thâm niên hơn 40 năm đánh bắt hải sản cho biết, hiện nay do nguồn lợi thủy sản giảm mạnh chỉ bằng 50 - 60% so với trước đây, nên hầu hết những chủ tàu chấp hành nghiêm pháp luật đang rất khó khăn. Gia đình ông có 3 cặp tàu, trước đây mỗi chuyến ra khơi, mỗi cặp tàu sau khi chia thu nhập cho bạn tàu, thuyền trưởng… chủ tàu cũng còn lại hơn trăm triệu đồng. Nhưng gần một năm nay năm nay, mỗi chuyến biển chỉ kiếm được vài chục triệu đồng, có chuyến còn không huề vốn.
“Ông bà tôi cũng làm nghề này thấy dễ ăn quá, yêu cầu giỏi ghề là có ăn. Hiện kỹ thuật đầy đủ nhưng cái khó là do sản lượng hải sản giảm rất nhiều, mà muốn đổi ngư trường thì phải tốn mấy tỷ đồng, tình hình nói chung rất khó khăn. Hồi đó tôi mua 1 cặp ghe 3-4 tỷ đồng, bây giờ tôi muốn bán nhưng không có người mua. Nếu ai trả 1,5 tỷ/cặp tôi bỏ nghề lên bờ liền” - ngư dân Trần Công Đức chia sẻ.
Sản lượng khai thác sụt giảm, kéo theo thu nhập của chủ và bạn tàu giảm xuống. Nếu như trước đây mỗi chuyến ra khơi bạn tàu được chia phần cả chục triệu đồng, thì nay giảm còn 3-4 triệu đồng, khiến nhiều người bỏ nghề đi biển chuyển sang nghề khác. Để duy trì đội tàu, nhà chủ buộc phải ứng tiền trước cho bạn tàu (kể cả lúc tàu tạm dừng hoạt động), do đó đã xảy ra nhiều trường hợp “ứng xong biến luôn” để lại gánh nặng đè lên vai chủ tàu.
Ông Trần Công Đức người sở hữu 3 cặp tàu cào đôi với 30 bạn tàu chia sẻ thêm: “Tôi đã bị bạn tàu vực tiền gần 700 triệu. Ví dụ mai ra khơi, thì mai đến ứng tiền, có tiền rồi có khi đi luôn. Bạn tàu của tôi Bến Tre có, Sóc Trăng có, Long An có… khi tôi đến trình chính quyền, thì được bảo là nghèo đi làm ăn, rồi mỗi tháng nó trả mình 300.000, 500.000 đồng mà thiều tời 20.000 - 30.000 triệu đồng, không đủ tiền xe nữa”.
Khác với vùng khởi, những tàu đánh bắt vùng lộng tình hình có vẻ khả quan hơn, vì mỗi chuyến ra khởi vẫn thu được lợi nhuận, dù không cao như trước đây. Theo ngư dân, vì khu vực phía Nam là vùng biển nông nên vùng lộng rất rộng, hơn nữa đây là vùng biển có nhiều phù sa nên phong phú về chủng loại hải sản. Trong khi đó vùng khơi có độ sâu 25m thường cách bờ tới 18-20 hải lý (gần 40km) dẫn đến chi phí cho hoạt động đánh bắt lẫn dịch vụ hậu cần đội lên.
Ông Trần Thanh Thưởng (ở thị trấn Định An, huyện Trà Cú) chủ tàu cá có chiều dài dưới 15m (thường gọi là tàu mui vàng) khai thác vùng lộng cho biết, ở vùng này tôm cá rất phong phú, sản lượng giảm không đáng kể nhưng giảm về kích cỡ, chủ lực là tôm bạc, tôm gậy, ốc vú nàng, cá lù đù. Hiện mỗi chuyến ra khởi từ 5-10 ngày bạn tàu cũng thu nhập được 2-3 triệu đồng, vẫn còn tốt hơn đi làm việc trên bờ. Tuy nhiên việc giữ chân được bạn tàu cũng gặp không ít khó khăn.
“Về sản lượng thì không giảm, nhưng giá không tăng nếu như lúc giá dầu lúc 12.000 - 13.000 đồng/lít thì tôm cá cũng năm mấy sáu chục ngàn. Nhưng hiện giá dầu đã hơn 19.000 đồng/lít thì giá tôm cá vẫn nằm ở giá đó. Ghe tôi nếu ra vùng khởi thì bị phạt ngay vì hoạt động sai tuyến, còn ở vùng ven cũng sai tuyến. Đánh bắt phải ghi nhật ký để về trình Ban Quản lý Cảng cá” - ông Thưởng nói.
Hiện tỉnh Trà Vinh có hơn 1.100 tàu cá đủ điều kiện cấp giấy phép khai thác thủy sản. Trong đó, có 271 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, 849 tàu dưới 15m; toàn bộ tàu cá đánh bắt xa bờ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được ngành chức năng theo dõi, giám sát 24/24.
Theo nhiều chủ tàu, thời gian gần đây ngư dân Trà Vinh không chỉ gặp khó khăn bởi sản lượng sụt giảm mà việc bảo hành của các công ty cung cấp thiết bị giám sát hành trình (VMS) chưa được quan tâm, sửa chữa kịp thời, làm nhiều chuyến biển của ngư dân không thể chủ động ra khơi. Chưa hết, một số nhà mạng khi kích hoạt lại dịch vụ đã thu phí quá cao càng gây khó cho chủ tàu.
Từ khóa: trà vinh, ngư dân, trà vinh, khai thác hải sản, đánh bắt thủy sản, khai thác hải sản giảm mạnh
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: trà vinh/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN