Ngôi chùa lưu giữ gần 40 pho tượng và hơn 200 bản khắc kinh mộc cổ
Cập nhật: 03/01/2024
Làng Bắc Sơn, xã Vân Diên, thị trấn Nam Đàn (Nghệ An) dày trầm tích, nổi bật nhất là hệ thống đền-chùa Đức Sơn được xây dựng từ thời Trần, sở hữu nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật cao, độc đáo với gần 40 pho tượng pháp và hơn 200 bản kinh mộc cổ làm từ gỗ thị.
Từ Quốc lộ 46 đoạn qua thị trấn Nam Đàn, vượt qua cầu Sa Nam, đến thôn Bắc Sơn thuộc xã Vân Diên, huyện Nam Đàn bình yên có tuổi đời ngót nghìn năm tuổi. Đây mảnh đất cổ thuộc thành Vạn An xưa kia và Vân Diên ngày nay được biết đến từng là nơi lập nghiệp đế của người anh hùng nông dân Mai Thúc Loan - vua Mai Hắc Đế. Nổi bật nhất tại vùng đất này là hệ thống đền – chùa Đức Sơn được xây dựng từ thời Trần, được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất xứ Nghệ.
Ông Lê Quang Hường, Tổ trưởng Tổ quản lý cụm di tích Bắc Sơn cho biết: Tại nơi đây có chùa, có 2 ngôi đền, đình làng, giếng làng. Tất cả đều là di tích lịch sử. Ngôi chùa nằm giữa trung tâm thôn có tên là Đức Sơn. Chùa còn có tên nôm là “Chùa Nầm” bởi thời Lý - Trần vùng đất này được gọi là “Kẻ Nầm”. Là công trình kiến trúc cổ, chùa Đức Sơn có vị trí cảnh quan đẹp quay về hướng Đông Bắc. Ngay trước cổng chùa có khắc đôi câu đối: “Cờ đạo pháp cao bay gặp hội lương chính/ Cửa từ bi rộng mở đón khách siêu phương”, hiểu nôm na là cửa từ bi cõi Phật luôn mở chào đón những tấm lòng hướng về chốn thanh tịnh...
Theo khảo sát của Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Nghệ An, chùa Đức Sơn thuộc loại hình di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật. Xưa kia cả vùng làng xóm thuộc đất nhà chùa với những công trình kiến trúc như: Tam quan, bảo tháp (mộ sư), nhà lục đạo, nhà tổ, chùa hạ, chùa thượng, giếng chùa... tạo thành một khu di tích độc lập, trầm mặc và uy nghiêm. Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử với sự tàn phá của thời gian, đất chùa bị thu hẹp, cổng Tam quan nguy nga xưa cũng không còn, các bảo tháp cũng hư hỏng.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là dù có nhiều thay đổi, biến động, chùa phải phục dựng sửa chữa nhiều lần, nhưng vẫn giữ được những nét cổ xưa riêng có. Hiện tại đây còn giữ được các công trình kiến trúc như: cổng chùa, sân, bàn thờ thập loại chúng sinh, lầu hộ pháp, nhà lục đạo, nhà tổ, chùa hạ, chùa thượng. Đặc biệt là hệ thống tượng pháp - linh hồn của ngôi chùa vẫn giữ vẹn nguyên.
Bên cạnh đó, tại chùa Đức Sơn còn có những hiện vật rất có giá trị nghệ thuật như: chuông cổ, bộ mộc 210 bản khắc kinh Phật. Tại nơi đây còn lưu giữ hệ thống 38 pho tượng cổ có tuổi đời trên dưới 200 năm với những nét khắc gỗ rất tinh xảo thể hiện được đặc sắc quan niệm, tư duy nghệ thuật của người dân trong một giai đoạn lịch sử. Trong đó có những bộ tượng pháp mang giá trị lịch sử, nghệ thuật cao như: Bộ tượng Tam Thế, Di Đà tam tôn, Ngọc Hoàng, Quan âm tổng tử, Hoa nghiêm tam pháp, Thích ca sơ sinh, Đức Ông - A Nan Đà, Kim Đồng - Ngọc Nữ... và có cả tượng sư trụ trì tại chùa.
Nằm trong cùng một khuôn viên với chùa Đức Sơn là đền Đức Sơn. Đây là điểm đặc biệt bởi có sự hòa quyện giữa Phật giáo và Đạo giáo. Chùa Đức Sơn và ngôi đền cùng tên dựa vai vào nhau như thể khó có thể tách rời. Vào các ngày sóc vọng người dân bản địa vẫn thường đi lễ cả 2 nơi. Đền Đức Sơn trước đây còn được gọi là Võ miếu, đền thờ Thánh Mẫu.
Tại đền Đức Sơn vẫn còn lưu giữ được 110 bản kinh thánh khắc gỗ và rất nhiều cuốn sách cổ. Nơi đây còn lưu giữ 4 sắc phong mà các vị vua thời Nguyễn phong thần cho đền Đức Sơn. Ông Lê Quang Hường cho biết, lễ hội đền được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 hằng năm để tri ân Thánh Mẫu, người đã chở che dân chúng tránh những tai ách, khó khăn.
Từ khóa: chùa Đức Sơn, nam đàn,nghệ an,chùa thời trần,Làng Bắc Sơn, xã Vân Diên
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: theo phạm ngân/báo văn hóa
Nguồn tin: VOVVN