Ngoại giao cây tre Việt Nam: Chắc ở gốc, vững ở thân, uyển chuyển như lá cành

Cập nhật: 14 giờ trước

VOV.VN - Dùng hình ảnh cây tre Việt Nam để làm biểu tượng, bản sắc ngoại giao Việt Nam là bởi cây tre có gốc vững, thân chắc và cành uyển chuyển. Gốc vững chính là thực lực của ta. Thân vững chính là lợi ích quốc gia dân tộc. Cành lá uyển chuyển là cách thức mà chúng ta ứng xử trong ngoại giao.

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được ra mắt tháng 11/2023. Đây là cuốn sách đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ đề đối ngoại.

Cuốn sách gồm hơn 800 trang, chia làm 3 phần, được tuyển chọn từ 86 bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác đối ngoại. Trải qua các giai đoạn, trên các cương vị: Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước, các bài viết, bài phát biểu của ông thể hiện quan điểm, chủ trương đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Nói về ngoại giao Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết: Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam.

Cây tre - Hiện thân của dân tộc Việt Nam

Trao đổi với phóng viên VOV, Đại sứ, PGS-TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh, đặc điểm nổi trội của cây tre là dẻo dai, giàu sức sống, dễ thích nghi với môi trường. Mỗi bụi tre đều toát lên hình ảnh phát triển, tre già măng mọc. Gốc tre vững chắc, cành uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường trước bão tố, trước thời tiết khắc nghiệt. Hình ảnh cây tre chính là hiện thân của dân tộc Việt Nam.

PV: Đại sứ có thể phân tích rõ thêm vì sao chúng ta lấy hình ảnh cây tre để làm biểu tượng, bản sắc ngoại giao Việt Nam?

PGS-TS Dương Văn Quảng: Chúng ta dùng hình ảnh cây tre Việt Nam để làm biểu tượng, bản sắc ngoại giao Việt Nam là bởi cây tre có gốc vững, thân chắc và cành uyển chuyển. Theo tôi hiểu, gốc vững chính là thực lực của ta. Hồ Chủ tịch đã nói ngoại giao như cái chuông, chuông có to thì tiếng mới lớn. Nghĩa là lực của ta có lớn thì ngoại giao của chúng ta mới phát huy được sức mạnh. Cho nên là gốc vững cũng chính là lực mình phải vững.

Thứ hai là thân vững. Thân vững chính là lợi ích quốc gia dân tộc. Thứ ba là cành lá uyển chuyển. Đây là cách thức mà chúng ta ứng xử trong ngoại giao. Mà đã là ngoại giao người ta thường nói đó là nghệ thuật, là sự mềm dẻo. Nhưng mềm dẻo dựa trên nền tảng, dựa trên mục đích nhất định. Cho nên Bác Hồ đã tổng kết rằng, đấy là “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

PV: Ngoại giao cây tre Việt Nam với gốc vững, thân chắc, cành lá uyển chuyển, cùng đường lối ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà trong cuốn sách về đối ngoại Tổng Bí thư có nhấn mạnh và đúc kết là phải “Dùng đối ngoại để phòng ngừa, ngăn chặn chiến tranh hoặc để sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất”. Thưa Đại sứ, thực tế trong lịch sử, ngoại giao của chúng ta đã làm được điều này chưa?

PGS-TS Dương Văn Quảng: Trong quan hệ quốc tế, kể từ khi ngoại giao hiện đại ra đời, chức năng của ngoại giao là ngăn ngừa và kết thúc chiến tranh. Nên người ta hay nói ngoại giao đi đầu, đóng vai trò tiên phong.

Trở lại lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến nay, chúng tôi thấy có 4 giai đoạn nhất định. Giai đoạn thứ nhất là từ năm 1945 - 1946, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, đó là những năm tháng không thể nào quên như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét. Vận mệnh đất nước lúc đó như ngàn cân treo sợi tóc, bất cứ lúc nào cũng có thể rơi. Vì vậy, ngoại giao lúc đó có vai trò vô cùng quan trọng. Đấy là nhân nhượng có nguyên tắc. Còn theo Tổng Bí thư Lê Duẩn đúc kết, đó là một sự nhân nhượng có nguyên tắc tuyệt vời trong ngoại giao.

Giai đoạn thứ hai từ 1946 - 1954. Trong lúc quan hệ quốc tế rất phức tạp, thậm chí thế giới trên bờ vực của một cuộc chiến tranh, trong bối cảnh đó, Hội nghị Geneve đã diễn ra. Ở Hội nghị này, chúng ta ngoài việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đã đưa ra được một giải pháp chính trị. Hội nghị Geneve do 4 nước lớn triệu tập. Chúng ta ở vào thế phải chấp nhận hội nghị này. Chúng ta đàm phán trong tư thế cả 4 nước lớn này đều sử dụng phương pháp ngoại giao của họ, đảm bảo lợi ích của họ. Vì thế, ngoại giao Việt Nam trong Hội nghị Geneve chính là biết kết thúc chiến tranh một cách thuận lợi nhất cho mình, trong bối cảnh các nước lớn chủ động triệu tập hội nghị và tham gia trực tiếp vào cuộc đàm phán.

Đến Hội nghị Paris (1973), chúng ta rút kinh nghiệm và chủ động tìm đúng thời điểm để tiến hành đàm phán với Mỹ. Các cuộc đàm phán ở Paris, mục tiêu chúng ta đưa ra không phải là đánh đuổi hẳn đế quốc Mỹ, mà đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải rút quân, còn quân đội của chúng ta vẫn ở tại chỗ. Cho nên ngoại giao ở Hội nghị này trở thành một mặt trận chiến lược, ngoại giao phối hợp với mặt trận chính trị, mặt trận quân sự để kết thúc chiến tranh, trong một thế có lợi nhất. Từ đây, một bàn đạp được tạo ra để 2 năm sau, chúng ta có Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Ngoại giao cây tre: vững chắc, uyển chuyển

PV: Khi chúng ta triển khai đường lối đối ngoại, ngoại giao “cây tre” có thể được hiểu là phải luôn luôn ứng biến linh hoạt phù hợp với tình hình. Vậy trong sự ứng biến, linh hoạt đó, đâu được coi là mẫu số chung để chúng ta kiên quyết giữ vững, bất di bất dịch không được thay đổi?

PGS-TS Dương Văn Quảng: Bất di bất dịch không được thay đổi trong ngoại giao là nguyên tắc không ai có thể mơ hồ được nhưng xác định nó lại vô cùng khó. Vì ngoại giao là cái nhu, ngoại giao là nghệ thuật, lúc nào thì ngả bài, lúc nào thì làm căng và lúc nào thì phải dịu? Tất cả những cái đó là nghệ thuật. Cho nên, mỗi một con người, mỗi thời điểm sẽ có những cách đàm phán và cách xác định khác nhau.

Mẫu số chung thì nước nào cũng vậy. Ai đi làm ngoại giao cũng vậy, mẫu số chung ấy là lợi ích. Nhưng lợi ích của quốc gia thì từng thời điểm chúng ta lại phải có một  mẫu số chung phù hợp. Cho nên đúc kết lại, mẫu số chung chính là lợi ích quốc gia dân tộc nhưng phải xác định thế nào cho đúng là lợi ích quốc gia dân tộc. Và khi  đàm phán, người đi đàm phán cần vận dụng sao cho đúng.

PV: Lợi ích quốc gia - dân tộc đương nhiên chúng ta phải giữ cho được và phải cố gắng bảo đảm cao nhất. Nhưng trong ngoại giao, chúng ta không chỉ quan tâm đến lợi ích của chúng ta mà cần phải quan tâm đến lợi ích của đối tác, lợi ích chung của thế giới. Như vậy ngoại giao mới bền vững và hiệu quả, thưa ông?

PGS-TS Dương Văn Quảng: Nước nào cũng phải bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc mình. Tổ chức nào cũng bảo vệ lợi ích của người ta. Và lợi ích cũng thay đổi, như tôi nói là không bất di bất dịch ở từng thời kỳ.

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, chúng tôi thấy, lợi ích quốc gia dân tộc hiện nay có 3 bộ phận. Thứ nhất, là lợi ích của chính nước mình. Nước nào cũng có lợi ích quốc gia dân tộc của họ. Thứ hai là quốc gia dân tộc của các nước khác. Và khi xác định lợi ích quốc gia dân tộc như vậy, người ta cũng xác định nguyên tắc hành động là không vượt qua, không hy sinh. Nhưng thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay còn có một phần rất quan trọng, đó là lợi ích chung của nhân loại. Lúc nào cũng có.

Tuy nhiên hiện nay, lợi ích chung của nhân loại được đặt ra một cách cấp bách. Ví như vấn đề biến đổi khí hậu, duy trì hòa bình, vấn đề ngăn ngừa chiến tranh, dịch bệnh, vấn đề tội phạm xuyên quốc gia… Những vấn đề đó đòi hỏi tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải góp sức vào để giải quyết, đó là lợi ích chung của nhân loại.

Trong thời kỳ hiện nay, chúng ta phải hiểu được 3 lợi ích này, đồng thời phải xác định được đâu là lợi ích của ta, đâu là lợi ích của thế giới, đâu là lợi ích chung. Chúng ta ích kỷ, không muốn đóng góp vào thế giới này thì làm sao tồn tại được. Và cũng không nước nào cho phép nước khác xâm phạm lợi ích quốc gia của họ.

Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 192 trong tổng số hơn 200 quốc gia trên thế giới. Thông qua con đường ngoại giao, chúng ta đã xây dựng được lòng tin chiến lược, thu hẹp khoảng cách, hóa giải mâu thuẫn, giảm thiểu bất đồng trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc. Cũng thông qua con đường đối ngoại, chúng ta đã thiết lập được một vành đai bao quanh đất nước, bảo vệ Tổ quốc trước những sóng gió phức tạp của thời cuộc. Một phên giậu bảo vệ Tổ quốc được hình thành ngay từ bên ngoài lãnh thổ.

Ngoại giao phải đi tiên phong trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

PV: Để ngoại giao có thể làm được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và có thể ngăn ngừa được mọi nguy cơ chiến tranh, một trong những yếu tố rất quan trọng là chúng ta phải gắn kết được lợi ích của chúng ta với cộng đồng quốc tế. Vậy, chúng ta phải làm thế nào, thưa Đại sứ?

PGS-TS Dương Văn Quảng: Đầu tiên phải nghiên cứu quan hệ quốc tế để thấy được xu thế của thế giới. Ví dụ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, lợi ích quốc gia dân tộc của mình là ở đâu? Việt Nam thuộc nhóm nước dễ bị tổn thương nhất khi nước biển dâng lên, một mình chúng ta không làm được nên phải tham gia vào. Vì thế, vai trò của một nước, vị thế của một nước hay còn gọi là định vị quốc gia của mình trên bản đồ thế giới chính là sự đóng góp của mình vào lợi ích chung. Cho nên nếu quên điều này chúng ta sẽ lạc lõng, ích kỷ trong quan hệ quốc tế.

PV: Để có thể bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngoại giao cũng phải tiến hành chủ động từ sớm, từ trước, chứ không phải đợi đến khi xảy ra chiến tranh mới tiến hành các biện pháp ngoại giao phải không thưa ông?

PGS-TS Dương Văn Quảng: Tôi có thể nói rằng, lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng, chủ quyền lãnh thổ là tối thượng thiêng liêng. Trước đây, vua Lê Thánh Tông đã nói rằng, những ai để mất một tấc đất sẽ bị tru di tam tộc. Nói như thế để thấy rằng, chủ quyền và lãnh thổ là thiêng liêng như thế nào?

Hiện nay chúng ta hiểu rất rõ điều đó. Nhưng bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lãnh thổ giai đoạn này khác với giai đoạn trước đây. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ, vai trò ngoại giao phải đi tiên phong trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Nghĩa là đừng để cho chiến tranh, mọi sự căng thẳng đến “ngõ” nhà mình mới bắt đầu hành động. Mà phải hành động từ sớm đi, chuẩn bị trước đi, để ngăn ngừa chiến tranh. Cho nên, lằn ranh đỏ đó, nước nào cũng xác định, không bao giờ để nguy cơ hoặc “đám mây” chiến tranh tiến gần. Vì vậy, vai trò của đối ngoại, vai trò tiên phong của đối ngoại càng rõ nét. Vai trò bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa càng rõ nét.

Điểm nữa là trong quan hệ quốc tế, chúng ta thấy luôn luôn có cọ xát, có tranh chấp nhưng phải giải quyết những vấn đề đó bằng biện pháp hòa bình. Đó là nguyên tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế.

PV: Có ý kiến, quan điểm nói rằng, theo trường phái ngoại giao cây tre, Việt Nam sẽ luôn đứng ở giữa, trung lập trong mọi vấn đề quốc tế, như vậy sẽ bị cô lập trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta cần hiểu vấn đề này như thế nào cho đúng, thưa ông?

PGS-TS Dương Văn Quảng: Thứ nhất, bản chất của ngoại giao cây tre không phải là trung lập, mà là năng động. Năng động ấy là dựa trên lợi ích quốc gia dân tộc; Năng động dựa trên lẽ phải và năng động dựa trên luật pháp quốc tế. Cho nên làm thế nào để tạo dựng được, để nhận thức được vấn đề như vậy, mới là quan trọng.

Xu thế của thời đại bây giờ, người ta đang muốn mỗi một quốc gia phải đóng góp cho thế giới, cho nhân loại như thế nào? Trước đây trong quan hệ quốc tế, chúng ta là nước nghèo nên cần sự giúp đỡ. Nhưng bây giờ đã đến lúc chúng ta phải đi giúp đỡ người khác. Ở góc độ ngoại giao năng động phải hiểu như vậy mới đúng nghĩa của nó. Làm sao hài hòa lợi ích, làm sao đóng góp được cho thế giới thì không bao giờ chúng ta bị cô lập.

Cho nên kết luận ngoại giao thời kỳ đổi mới là một nền ngoại giao rất năng động, hiểu đúng mình, hiểu đúng thiên hạ và hiểu đúng cả thời cuộc và đúng cả xu thế.

PV: Xin cảm ơn ông.

Từ khóa: ngoại giao, Việt Nam,cây tre,ngoại giao cây tre

Thể loại: Nội chính

Tác giả: trường giang/phát thanh quân đội

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập