Ngô Nhân Triệt và những di văn giá trị đến ngày nay
Cập nhật: 04/09/2021
HIEUTHUHAI, Long Vũ, Hoàng Hà lọt Top 3 đề cử VTV Awards 2024
Nhà hát Múa rối Thăng Long đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
[VOV2] - Ngô Nhân Triệt là vị Tiến sĩ thứ 4 của dòng họ Ngô lệnh tộc làng Vọng Nguyệt nổi tiếng với 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa "ngũ đại liên trúng"( từ năm 1487 đến năm 1640). Ông là người để lại những di văn giá trị tồn tại tới ngày nay.
Theo sách Đăng khoa lục, Ngô Nhân Triệt tự là Mai Hiên, hiệu là Đức Thành, cho đến nay vẫn chưa rõ năm sinh năm mất. Tuy nhiên, theo gia phả, Ngô Nhân Triệt là con trai trưởng của Hoàng giáp Ngô Nhân Trừng, một vị trọng thần triều nhà Mạc và là đời thứ 6 của họ Ngô ở làng Vọng Nguyệt.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Luận, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa- Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám cho biết dòng họ Ngô ở Vọng Nguyệt là một dòng họ rất đặc biệt: “Trong lịch sử giáo dục khoa cử Nho học, họ Ngô làng Vọng Nguyệt được tôn vinh là một trong “tứ lệnh tộc” và được ghi nhận “ngũ đại liên trúng” (tức 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa), người khai khoa là Tiến sĩ Ngô Ngọc, tiếp sau là Ngô Hải, Ngô Trừng, Ngô Nhân Triệt và đời thứ 5 là Ngô Nhân Tuấn. Đây là một dòng họ xưa nay ít có".
Làng Vọng Nguyệt là nơi phát tích dòng họ Ngô, quê hương của Ngô Nhân Triệt, còn có tên là làng Ngột Nhì, thuộc tổng Nội Trà, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Nay là làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Theo Tiến sĩ Lê Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Vọng Nguyệt là một vùng đất địa linh nhân kiệt.
"Vọng Nguyệt là một làng cổ. Đây là vùng đất có truyền thống vẻ vang, là địa phương đứng đầu về số lượng các nhà khoa bảng. Thời phong kiến làng Vọng Nguyệt có 8 người đỗ đại khoa, trong đó dòng họ Ngô có 5 đời liên tục đỗ Tiến sĩ. Sử gia Phan Huy Chú ghi rằng “Làng Vọng Nguyệt có họ Ngô 5 đời đỗ liên tiếp, thực là xưa nay hiếm”.
Tương truyền, ngay từ nhỏ, Ngô Nhân Triệt đã có tư chất thông minh, nổi tiếng hay chữ trong vùng. Hơn nữa lại được sinh ra trong một gia tộc khoa bảng, nên ở vào độ tuổi thanh niên, Ngô Nhân Triệt đã được trang bị khá toàn diện tri thức cả văn lẫn võ.
Tuy nhiên, câu chuyện đỗ đạt của ông cũng khá gian nan. Ông là người rất thông minh, học giỏi nhưng các khoa thi Ất Mùi năm 1595, khoa Mậu Tuất (1598), khoa Nhâm Dần (1602) và khoa thi Giáp Thìn (1604) Ngô Nhân Triệt đều không được dự thi Đình. Lý do là vì bố của ông là Ngô Nhân Trừng làm quan dưới triều Mạc, nhà Lê xếp những quan chức của nhà Mạc vào hàng “phản bội”. Đây là một vấn đề chính trị rất phức tạp thời bấy giờ, vì thế, nhiều con em quan lại triều Mạc trước đây đều chịu chung số phận như vậy.
Đến năm 1606, nhà cầm quyền Lê - Trịnh buộc phải thay đổi cách nhìn nhận, không ghép các quan lại nhà Mạc vào tội phản bội nhà Lê, nếu như họ tiến thân bằng con đường cử nghiệp. Do đó, đến khoa thi năm Đinh Mùi ( tức năm 1607) Ngô Nhân Triệt mới được dự thi và tại khoa thi này ông đỗ Hội nguyên Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân niên hiệu Hoàng Định đời 8, đời Lê Kính Tông và đỗ thứ hai trong số 5 Tiến sĩ. Điều này cũng được thể hiện trong bia Tiến sĩ tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám.
“Qua nghiên cứu 82 văn bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám ta thấy rằng, hiện có 5 vị tiến sĩ họ Ngô làng Vọng Nguyệt được khắc tên tại đây. Trong đó có ghi Ngô Nhân Triệt đỗ Tiến sĩ Đồng xuất thân tại khoa thi năm Đinh Mùi 1607. Khoa thi này có 3000 ứng thí, lấy 5 người, Ngô Nhân Triệt đỗ thứ hai”. TS Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết.
Sau khi đỗ Tiến sĩ, Ngô Nhân Triệt được cử làm quan dưới triều Lê - Trịnh. Năm 1608 ông được bổ chức Giám sát Ngự sử đạo Lạng Sơn. Tuy nguồn sử liệu không ghi chép nhiều về các chức quan của Ngô Nhân Triệt, nhưng qua bài “Trướng văn mừng họ Ngô” của Thái bảo Thường quận công Nguyễn Danh Thế viết năm 1641 cho biết, trong hơn 30 năm làm quan, Ngô Nhân Triệt được giao nhiều trọng trách khác nhau, khi thì cầm quân dẹp giặc ngoài biên trấn, khi thì bảo vệ thánh cung, khi lại theo hầu phủ Chúa.
Cũng theo bài Trướng văn này, Ngô Nhân Triệt tuy không là đại thần trong triều nhưng được đánh giá là “gánh vác trách nhiệm lớn lao được dự vào hàng trọng thần nhà nước”. Tiến sĩ Nguyễn Tá Nhí, Viên nghiên cứu Hán Nôm phân tích: “Đây là bài trướng văn mừng họ Ngô hiển đạt đại khoa. Toàn văn dài 1800 chữ theo thể biền ngẫu, là của một cây đại bút thông kim bác cổ, văn viết rắn rỏi, ý tứ sâu sắc ca ngợi cha con Ngô Nhân Triệt, Ngô Nhân Tuấn. Chứng tỏ sự nể vì đối với Ngô Nhân Triệt”.
Được quan Thái Bảo Thường quận công ca ngợi chứng tỏ tài đức vẹn toàn của quan Tự khanh Ngô Nhân Triệt. Đặc biệt hơn, theo sách “Minh thử” và “Minh thực lục”, vào năm 1620-1621, Ngô Nhân Triệt được cử trong đoàn sứ bộ của Đại Việt sang tuế cống triều đình phương Bắc.
Sau khi đi sứ, vào khoảng năm 1630, Ngô Nhân Triệt sang làm ở phủ Chúa Trịnh. Năm 1633, ông được Chúa Trịnh giao cho tổng kiểm tra và chiếu bổ các hạng quân các phủ, vệ. Khi về hưu, Ngô Nhân Triệt được phong Hữu Thị Lang Bộ Lễ, tước Bá.
Có thể nói, trong cuộc đời tham chính hơn 30 năm thăng trải nhiều chức trách, Ngô Nhân Triệt đã góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ông cũng là người kế tục truyền thống khoa bảng của Ngô tộc, dạy con cái hiển đạt. Con trai cả của Ngô Nhân Triệt là Ngô Nhân Tuấn cũng đỗ đại khoa khiến nhiều người nể phục và ngợi ca.
Trải qua cuộc tham chính hơn 30 năm, Ngô Nhân Triệt luôn thể hiện là một vị quan thanh liêm, chính trực, ông để lại cho hậu thế những bài học quý. Hiện nay tại đền Vọng Nguyệt ở xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh còn lưu giữ tấm bia đá có khắc bài văn bia “Cổ tích thần bi” là di văn của Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt soạn năm 1642. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu sử học, bài văn bia chứa đựng những thông tin giúp chúng ta xác định được lai lịch của 2 vị thần được thờ tại đền Vọng Nguyệt là công chúa Lý Nguyệt Sinh triều Lý và Phò mã Đô uý Thượng hầu.
Trước đó, vào năm Dương Hoà thứ 5, tức năm 1639, Ngô Nhân Triệt cũng đã soạn 2 bài văn bia “Trùng tu Đại Bi tự” và “Công đức bi ký” ghi lại sự kiện lớn là trùng tu chùa Đại Bi, tức chùa Kim Liên ở làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội ngày nay. PGS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện nghiên cứu Hán Nôm cho biết thêm những thông tin về tấm văn bia này: “2 bài văn bia “Trùng tu Đại Bi tự và Công đức bi ký được dựng ở chùa Kim Liên. Niên đại được thể hiện rõ trên bia là năm Dương Hoà thứ 5, tức năm 1639. 2 bài văn bia được khắc ở 2 mặt của tấm bia. Nội dung ghi lại sự kiện chùa được trùng tu. Đây là ngôi chùa nằm gần phủ Chúa, là ngôi chùa lớn thường được các vua chúa tới lễ. Bài văn bia tả lại cảnh nơi đây trên bến dưới thuyền, cảnh quan tươi đẹp. Bài văn bia có bài minh 20 câu ca ngợi cảnh chùa. Đây là sự kiện quan trọng được ghi lại trong sử sách. Ttong số những người góp công đức vào việc sửa chùa có quận chúa Trịnh Thị Ngọc Liễu và con trai là Nguyễn Thế Trình, quan Tham đốc tước đô Thọ hầu Nguyễn Thế Hựu… nên người chọn để soạn bia cũng là người phải có uy tín, nể trọng. Việc Ngô Nhân Triệt được chọn mời làm người soạn văn bia này thể hiện ông là ngời rất uyên bác, được vì nể”.
Có thể nói, tấm văn bia “Trùng tu Đại Bi tự” chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật dưới đời vua Lê Thần Tông. Đối với Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt bài văn bia này là di văn quý hiếm còn sót lại của một nhà khoa bảng tiêu biểu trong dòng họ Ngô lệnh tộc ở Vọng Nguyệt.
Với công trạng của mình, quan Tự khanh Ngô Nhân Triệt được thờ tự tại Đền thờ Họ Ngô ở làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang cùng với các vị đại khoa trong dòng họ. Hàng năm, cứ vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch, tại đền thờ họ Ngô ở Vọng Nguyệt diễn ra lễ giỗ tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân. Con cháu toàn gia tộc tập trung tại nhà thờ tiến hành cúng lễ tổ tiên, thể hện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Sau đó bàn định những công việc chung của gia tộc.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Luyện, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bắc Ninh, nhà thờ họ Ngô ở Vọng Nguyệt chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, lịch sử: “Nhà thờ họ Ngô ở Vọng Nguyệt có kiến trúc hình chữ Nhị gồm nhà Tiền tế và nhà hậu đường. Tại nhà thờ còn lưu giữ được nhiều sắc phong cùng các tư liệu lịch sử như 4 cuốn gia phả bằng chữ Hán sao chép từ năm 1788, 1881, 1912 và 1941 cùng tấm bia đá khắc “Ngũ thế liên trúng Tiến sĩ” ghi về các khoa thi của dòng họ có ngời đỗ tiến sĩ được thờ ở từ đường. Nhà thờ họ Ngô ở Vọng Nguyệt không phải là công trình nghệ thuật đặc sắc nhưng có giá trị lịch sử tiêu biểu, giá trị văn hiến lâu đờ, kết tinh truyền thống đoàn kết các dòng họ, đặc biệt là họ Chu và họ Ngô. Di tích này xứng đáng là di tích lịch sử quốc gia”.
Mời nghe âm thanh tại đây:
Từ khóa: Ngô Nhân Triệt, Ngô lệnh tộc, ngũ đại liên trúng, 5 đời liên tiếp đỗ đại khoa, cổ tích thần bi, trùng tu đại bi tự, làng Vọng Nguyệt, làng khoa bảng
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2