Nghiêm cấm quay phim, chụp ảnh khi công binh bắc cầu phao Phong Châu

Cập nhật: 26/09/2024

VOV.VN - Để đảm bảo các yếu tố an toàn, an ninh khi các lực lượng chức năng tổ chức bắc cầu phao qua sông, nghiêm cấm quay phim, ghi hình và tụ tập đông người làm ảnh hưởng việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng công binh.

Cầu phao sẽ hoạt động từ 6h đến 20h hàng ngày

Để tổ chức bắc cầu phao PMP60T bảo đảm chặt chẽ, đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và trang bị, Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự, Công an tỉnh, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ phối hợp, giúp đỡ đơn vị bảo đảm an ninh, an toàn trong thực hiện nhiệm vụ bắc cầu phao PMP60T khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu.

Khi Lữ đoàn 249 tổ chức bắc cầu nổi PMP60T tại khu 5, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Quá trình bắc cầu, Lữ đoàn phải cơ động, triển khai số lượng lớn trang bị kỹ thuật trên địa bàn hai xã Hương Nộn, huyện Tam Nông và xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao. Do đó, Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh đề nghị:

Đối với trên bộ, Công an huyện Tam Nông, Lâm Thao cử lực lượng tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông và giám sát tải trọng các phương tiện qua cầu (chỉ cho các phương tiện có trọng tải ≤10 tấn qua cầu) tại các trạm barie từ trục đường QL32 và ĐT320 rẽ vào bến vượt cầu.

Trong phạm vi từ trạm barie trở vào bến và khu vực trên cầu phao do lực lượng của Lữ đoàn chỉ huy, điều hành giao thông và bảo đảm kỹ thuật, an toàn. Phạm vi từ trạm barie trở ra trục đường QL32 và ĐT320 do lực lượng Công an và Thanh tra Giao thông chỉ huy điều hành, điều tiết giao thông.

Khi tổ chức bắc cầu, đề nghị thông báo nghiêm cấm quay phim, ghi hình và tụ tập ngăn cản bộ đội thực hiện nhiệm vụ.

Đề nghị địa phương thành lập các tổ dân phòng tại các vị trí đầu làng, ngõ xóm không để người và phương tiện hoạt động trên đường, khu vực bến thuộc phạm vi bắc cầu của đơn vị, đặc biệt tại một số điểm trọng tâm: Bờ hữu ngạn sông Thao (sông Hồng) thuộc xã Hương Nộn, huyện Tam Nông; bờ tả ngạn thuộc xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao.

Đối với khu vực trên sông: Công an tỉnh Phú Thọ tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy nội địa, tổ chức cảnh giới, phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn trong quá trình bắc cầu và hoạt động của cầu tại phía thượng lưu (ngang với địa bàn Khu 3 xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông) và phía hạ lưu (ngang với địa bàn Khu 9, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông).

Hiện nay, Lực lượng chức năng tiếp tục gia cố đường dẫn, cải tạo và xây dựng bến vượt, đánh giá mực nước, dòng chảy, khi điều kiện thuận lợi, đảm bảo an toàn sẽ tiến hành lắp đặt cầu phao. Cầu phao sẽ bảo đảm giao thông từ 06h00 đến 20h00 hàng ngày, bắt đầu sau khi thông cầu.

Linh hoạt số lần đóng, mở cho phương tiện lưu thông

Trước đó, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I (Bộ GTVT) vừa đề xuất phương án vận hành cầu phao Phong Châu sau khi hoàn thành lắp đặt, đảm bảo an toàn.

Theo đó, chi cục đề xuất phương án đóng, mở cầu phao Phong Châu 1 lần/ngày, thời gian từ 9 giờ đến 10 giờ hằng ngày; linh hoạt số lần đóng, mở tùy theo phương tiện có nhu cầu lưu thông qua khu vực.

Phương án này được đưa ra dựa trên lưu lượng phương tiện thủy lưu thông tại khu vực luồng qua khu vực lắp đặt cầu phao Phong Châu không lớn.

Thống kê tại trạm Quản lý đường thủy nội địa Cổ Tiết trong năm 2023, cho thấy mỗi tháng tại luồng giao thông đường thủy này có khoảng 120 lượt phương tiện lưu thông, chủ yếu chở vật liệu xây dựng và đánh bắt thủy, hải sản, trọng tải phương tiện đến 300 tấn.

Sau khi thống nhất với đơn vị vận hành cầu phao, chi cục sẽ ra thông báo hạn chế giao thông; thông báo thời gian đóng, mở cầu phao gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng, các sở GTVT, chính quyền địa phương…; thông tin đến các thuyền trưởng điều khiển phương tiện biết để chủ động thời gian lưu thông qua khu vực đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Trước đó, ngay khi cầu Phong Châu bị sập ngày 9/9, đơn vị này đã thông báo cấm luồng đường thủy tại khu vực. Chi cục cũng yêu cầu các đơn vị khu vực lắp đặt báo hiệu thông báo cấm đi qua; báo hiệu chú ý nguy hiểm tại thượng lưu, hạ lưu cầu Phong Châu.

Đồng thời, thiết lập một trạm điều tiết khống chế, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông tại phía thượng lưu, có nhân viên hướng dẫn, ngăn ngừa các phương tiện đường thủy vẫn đi vào khu vực cấm luồng.

Theo ghi nhận tại khu vực cầu Phong Châu nhưng ngày qua, lực lượng quân đội vẫn đang tiến hành gia cố hai bên bờ sông Hồng (huyện Tam Nông và Lâm Thao). Một số đốt phao trước đó đã được thả để phục vụ công tác thăm dò, khảo sát mực nước, dòng chảy, khi đảm bảo an toàn và hoàn thành lối lên xuống hai bên sẽ tiến hành lắp cầu phao phục vụ người dân.

Cầu Phong Châu nối hai huyện Tam Nông và Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ. Một bộ phận lớn công nhân từ huyện Tam Nông qua cầu Phong Châu để làm việc tại các khu công nghiệp ở bên kia sông. Kể từ khi cầu Phong Châu bị sập đến nay, nhiều người phải vượt hàng chục, hàng trăm km mỗi ngày để đi làm.

Quán trà đá ở chân cầu Phong Châu thành nơi tá túc tìm người thân

VOV.VN - Hơn chục ngày sau sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) khiến nhiều người mất tích, bên cạnh sự tích cực vào cuộc của lực lượng chức năng, có một gia đình bán trà đá gần cầu Phong Châu đã cho hàng chục thân nhân các nạn nhân mất tích tá túc, ăn nghỉ miễn phí để chờ đợi tin tức về người thân của mình…

Từ khóa: phú thọ, Cầu Phong Châu, sập cầu Phong Châu, Phú Thọ, Bắc cầu phao, Đảm bảo ATGT, Cảnh sát giao thông, bộ đội, Công an,công binh, sông Hồng,Lâm Thao.

Thể loại: Xã hội

Tác giả: phi long/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập