Nghịch lý “kỳ quặc” khi triển khai thủy lợi Ia Mơr “khổng lồ”
Cập nhật: 09/10/2019
VOV.VN -"Không hiểu lúc triển khai, đánh giá tác động thế nào mà công trình thủy lợi làm xong rồi nhưng không có gì để tưới, không biết làm thủy lợi kiểu gì..."
Như VOV.VN đã phản ánh về công trình thủy lợi khổng lồ Ia Mơ với những mong muốn ban đầu tốt đẹp nhưng không được như kỳ vọng. Được biết, trước khi quyết định phê quyệt đầu tư xây dựng nhóm công trình thủy lợi Ia Mơr, công tác nghiên cứu, khảo sát đã được các Bộ - Ngành thực hiện một cách kỹ lưỡng.
Vì sao đến nay, khi công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia Ia Mơr xây dựng xong lại không có vùng tưới, gây lãng phí lớn? Trách nhiệm xem xét như thế nào? |
Quy hoạch tưới nước vào... rừng?
Hiện nay, hồ chứa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp đã được bàn giao nhưng hiệu quả sử dụng trên thực tế chưa cao. Hợp phần chính của nhóm công trình thủy lợi này là hồ Ia Mơr hoàn thành, 2 kênh dẫn Chính Đông và Chính Tây đang hoàn thiện.
Theo quy hoạch công trình này sẽ phục vụ nước tưới cho khoảng 12.500 ha đất nông nghiệp ở huyện Chư Prông tỉnh Gia Lai và huyện Ea Súp tỉnh Đắc Lắc. Thế nhưng trên thực địa, những nơi được quy hoạch là vùng tưới này hiện lại là rừng khộp, rừng nghèo kiệt.
Mặc dù là rừng nghèo kiệt với cây rừng thưa thớt nhưng theo quy định diện tích này vẫn là rừng tự nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích sử dụng đất nông nghiệp không hề đơn giản.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: “Vướng mắc chính hiện nay để đưa vào sử dụng công trình này là chuyển mục đích sử dụng rừng. Khu tưới của Ia Mơr là 12.500ha, trên địa bàn Ea Súop (Đăk Lăk) là 4.000ha thì đã có chủ trương và đã chuyển mục đích rồi. Thế nhưng trên địa bàn tỉnh Gia Lai khoảng 8.500ha thì gần 8.000ha là rừng tự nhiên, là một diện tích rất lớn. Hiện nay về mặt pháp lý là chưa được phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Mức quy mô này là phải Quốc hội phê duyệt. Vướng là như vậy!”.
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra thực tế công trình thủy lợi Ia Mơr và khu vực tưới xung quanh. |
Tại thời điểm Bộ NN&PTNT ban hành quyết định phê duyệt xây dựng dự án hồ chứa nước Ia Mơr năm 2005, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng nghèo kiệt sang các mục đích khác theo các quy định của pháp luật khi đó không mấy khó khăn.
Tuy nhiên, năm 2013, Luật Lâm Nghiệp được Quốc hội ban hành và có hiệu lực, theo các quy định chặt chẽ của Luật này, nhất là nội dung bắt buộc trồng rừng thay thế khi chuyển đổi đất lâm nghiệp qua mục đích phi lâm nghiệp đã làm cho việc chuyển đổi 8.000 ha rừng tự nhiên thuộc huyện Chư Prông sang đất sản xuất nông nghiệp gặp rào cản.
Thêm vào đó, trước thực trạng phá rừng tràn lan trên bình diện Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung và nhất là hậu quả của chủ trương chuyển đổi 100 nghìn ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, 22/7/2016 Văn Phòng Chính phủ ban hành văn bản số 191 thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững ở Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu 2016 -2020 và ngày 27/01/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng Ban ban hành Chỉ thị số 13 CT/TW trong đó nhấn mạnh công tác tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, dừng việc chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang các mục đích khác.
"Làm thủy lợi để tưới mà không biết tưới cái gì thì kỳ lạ thật..."
Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho rằng: Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư và kết luận của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc là rất kịp thời. Từ đó, công tác bảo vệ và phát triển rừng đã có những chuyển biến tích cực. Nhưng cũng vì vậy mà 8.000 ha rừng ở huyện Chư Prông vốn được quy hoạch là vùng tưới của hồ thủy lợi Ia Mơr không thể chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp.
Làng thanh niên lập nghiệp đang "khát nước" chờ nước tưới từ công trình thủy lợi Ia Mơr. |
“Thủy lợi Ia Mơr 3.000 tỷ đã đầu tư xong, hồ nước đã lai láng rồi, kênh mương chính đã gần xong rồi, nhưng bây giờ không có đất tưới vì vướng Kết luận 191 của Thủ tướng và Chỉ thị 13 của Bộ Chính trị không cho chuyển đổi. Mà vùng đây là 3 xã tuyến biên giới và dân tộc thiểu số 100% cùng với Ea Suóp- Đăk Lăk cũng là biên giới và dân tộc thiểu số, dân vùng này rất nghèo, trông chờ thủy lợi này đã xong mà không tưới được thì làm sao dân vùng này thoát nghèo”, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang nói.
Trong chuyến công tác làm việc với UBND tỉnh Gia Lai ngày 16/9 vừa qua, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn đã nghe báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai về thực trạng công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia nhưng không có vùng tưới, nguyên nhân của thực trạng này cũng như phần giải trình của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt dự án thủy lợi 3.000 tỷ đồng từ ngân sách mà lại không có vùng tưới. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây thực sự là câu chuyện kỳ lạ!?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi:Làm thủy lợi để tưới mà không biết tưới cái gì thì kỳ lạ thật...? |
“Tôi cũng không hiểu ngày xưa các đồng chí làm, đánh giá tác động thế nào mà làm xong công trình rồi mà không có gì để tưới thì không biết làm thủy lợi kiểu gì. Làm thủy lợi để tưới mà không biết tưới cái gì thì kỳ lạ thật...”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu.
Chỉ ít ngày nữa, 2 kênh dẫn chính đông và chính tây của hồ thủy lợi Ia Mơr được hoàn thiện. Từ 2 kênh dẫn này sẽ hình thành lên những đường dẫn nước hình xương cá đưa nước tưới đến các diện tích sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch.
Tuy nhiên, không biết đến bao giờ những kênh mương máng này mới có thể dẫn nước? Và nếu không thể chuyển đổi được 8.000 ha rừng khộp ở Chư Prông sang sản xuất nông nghiệp thì việc xây dựng công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia với vốn từ ngân sách nhà nước gần 3.000 tỷ đồng sẽ làm gì?
VOV.VN đề cập: Giải pháp nào cho công trình thủy lợi Ia Mơr?.
Tìm giải pháp cho công trình thuỷ lợi nghìn tỷ không có đất tưới
Khởi tố 2 đối tượng gây thất thoát tại công trình thủy lợi Đắk Ngo
Tìm giải pháp cứu nguy cho công trình thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng
Từ khóa: thủy lợi, công trình ngàn tỷ, tưới tiêu, Gia Lai, hồ chứa nước
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN