Nghị quyết “vàng” giúp đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững
Cập nhật: 10/03/2021
Lễ hội Ánh sáng phương Đông: Tinh hoa Việt tỏa sáng trong kỷ nguyên mới
KienlongBank mang Tết đong đầy, lan tỏa yêu thương chào năm mới
VOV.VN - Những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; sự chủ động thích nghi của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Nông dân Sơn Thu ở ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, nếu làm lúa thì không đủ nước để tưới, còn bỏ đất trống thì không có thu nhập, trong khi cây dưa hấu thời gian sinh trưởng ngắn ngày, lại không phải sử dụng nhiều nước nên rất thuận lợi trồng vào mùa khô hạn, với diện hơn 2.000m2 đất trồng dưa hấu trên đất ruộng lúa, anh Thu ước tính sẽ thu về từ 3-4 tấn trái dưa hấu trên 1.000m2, với giá bán như hiện nay thì anh sẽ thu về gần 10 triệu đồng tiền lợi nhuận sau khi đã trừ chi phí.
Hay như nông dân Nguyễn Văn Thắng, ở Cần Thơ chia sẻ, vài năm trở lại đây canh tác lúa gặp nhiều khó khăn khi giá vật tư tăng cao, ngoài ra việc thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt cũng là vấn đề mà người dân phải nghĩ tới khi canh tác lúa. Để chủ động hơn về nguồn nước, anh Thắng đã chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái, đến nay hơn 8.000 m2 trồng cam của gia đình cho lợi nhuận gấp nhiều lần trồng lúa.
“Một nông dân không thể trồng một vụ lúa không mà chúng ta có thể lên một mô hình vườn để thu nhập thêm, hiện bây giờ vấn đề vườn cây ăn trái canh tác nền hữu cơ thì năng suất rất cao, thu nhập cũng cao” anh Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm.
Từ khi triển khai Nghị quyết 120, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết đã tạo chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, tư duy phát triển ĐBSCLtheo hướng “thuận thiên”. Từ chỗ phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên ưu đãi như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lợi thủy sản… đã chuyển đổi sang phát triển dựa vào năng suất lao động, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tại tỉnh Cà Mau, vào khoảng năm 2013 – 2015, cứ đến vụ mùa thu hoạch, người dân ở vùng nguyên liệu mía huyện Thới Bình cứ thấp thỏm lo thua lỗ. Có thời điểm thương lái còn không muốn thu mua mía nguyên liệu, một số hộ dân đã đốt bỏ ruộng mía, đưa nước mặn vào làm mô hình lúa - tôm.
Tỉnh Cà Mau từng quy hoạch khoảng 7.000 ha đất trồng mía, tập trung chủ yếu tại huyện Thới Bình. Nhưng hiện nay, tại vùng “rốn mía” của huyện thuộc các xã Trái Lực, Trí Phải, Biển Bạch... đi đâu cũng nghe người dân nhắc chuyện “làm sao trồng lúa hiệu quả để còn nuôi con tôm thành công”.
Thực tế, diện tích mía gần như đã bị xóa sổ, thay vào đó là những vuông tôm, vườn màu và ven theo các tuyến đường giao thông những ngôi nhà tường khang trang mọc lên ngày càng nhiều.
Cú hích để đổi thay như đã nêu đến từ Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Tỉnh Cà Mau nắm rõ tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết này là “thuận thiên”. Vì vậy, tại vùng nguyên liệu mía vốn đã bị đan xen bởi mô hình lúa - tôm và nằm cạnh vùng mặn, tỉnh đã quyết định cho thực hiện chuyển đổi.
Huyện Thới Bình không còn cơ cấu cây mía là 1 trong 2 cây trồng chủ lực nữa và khuyến khích người dân phát triển mô hình lúa-tôm để bền vững hơn.
Trước đây, mô hình lúa - tôm giúp người dân có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha/năm thì hiện ước đạt 60 - 70 triệu đồng/ha/năm. Đối với những hộ dân làm ăn bài bản như trong HTX Dịch vụ - Sản xuất lúa-tôm Trí Lực (xã Trí Lực) thì lợi nhuận còn cao hơn nhiều. Đặc biệt, bà con canh tác không chỉ lấy lợi nhuận là tuyệt đối nữa mà còn hướng đến bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
“Làm lúa hữu cơ thì phải theo quy trình cũng gặp những bỡ ngỡ nhưng sau đó bà con nắm và hiểu được vấn đề, canh tác lúa hữu cơ lợi nhuận cao hơn và có môi trường sạch. Tóm lại, làm lúa hữu cơ thì không lạn dụng các chất hóa học, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch đưa ra thị trường cho bà con an tâm” - ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Trí Lực chia sẻ.
Nghị quyết 120 là ngọn cờ đi đầu, là Nghị quyết "vàng", là nguồn cảm hứng để người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền phát huy tính sáng tạo, chủ động để thích ứng một cách có hiệu quả nhất.
Từ kết quả thực hiện Nghị quyết, tại ĐBSCL đã có thêm nhiều mô hình, sáng kiến hay, nổi bật là: mô hình nuôi tôm nước lợ, mô hình kinh tế hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị của tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, mô hình du lịch sinh thái của tỉnh An Giang, mô hình lúa chịu mặn thích ứng biến đổi khí hậu của tỉnh Bến Tre, mô hình trồng lúa mùa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh tại tỉnh Kiên Giang…
Có thể nói, những mô hình thích ứng, thuận thiên này đã từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân vùng ĐBSCL đã có những thay đổi đáng kể. Tại vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang, người dân mạnh dạn chuyển hơn 23.000 ha lúa từ 3 vụ sang 2 vụ trong năm để né hạn mặn. Riêng huyện cù lao Tân Phú Đông, nông dân đã chuyển toàn bộ diện tích lúa sang trồng cây mảng cầu Xiêm, trồng dừa, cây sả thương phẩm thích ứng với khô hạn.
Tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trước đây người dân sống bằng nghề làm muối và trồng 2 vụ lúa. Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, chính quyền địa phương vận động người dân giảm dần diện tích muối và lúa chuyển sang nuôi 3.000 ha thủy sản; trong đó có 600 ha tôm thẻ chân trắng thâm canh và hướng đến nuôi tôm công nghệ cao.
Ông Võ Bằng Trúc, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước cho biết, mô hình nuôi thủy sản cho lãi trên 500 triệu đồng/ha, gấp 5-7 lần so với các mô hình sản xuất truyền thống: “Những năm gần đây, chủ trương của mình thì vận động người dân chuyển đổi hình thức sang chăn nuôi. Cụ thể chuyển làm lúa, làm muối sang nuôi thủy sản là chính. Đến giờ hiệu quả nuôi thủy sản so với đất trồng lúa và làm muối thì thủy sản cao hơn”.
Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, đã có những mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu của nông dân vùng ĐBSCL đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống dần ổn định, tình trạng di dân sẽ giảm nếu như có những mô hình kinh tế mới mang lại đời sống, thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, có một thực tế cần nhìn nhận rõ là ĐBSCL có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước; không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn trong thu hút đầu tư của vùng, kết nối nội vùng, liên vùng, đặc biệt là việc kết nối với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ còn kém phát triển, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, tạo rào cản trong việc kêu gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng đã và đang đè nặng lên vùng đất Chín rồng này./.
Từ khóa: Nghị quyết vàng, Nghị quyết 120, đồng bằng sông Cửu Long, ĐBSCL, phát triển bền vững, biến đội khí hậu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN