Nghị quyết “thuận thiên” – Hướng đến một ĐBSCL trù phú, bền vững

Cập nhật: 12/03/2021

VOV.VN - Cần phải nhìn nhận lại quy hoạch từng vùng sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ bền vững mà còn mang tính “đột phá”.

Ở hai bài viết trước, nhóm phóng viên trường trú của VOV tại ĐBSCL đã phân tích những cơ hội, thách thức trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 120; những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ để ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững. Trong những căn nguyên được đặt ra, đã phần nào nhìn nhận được rõ vấn đề đang gặp phải, từ hạ tầng giao thông kém đồng bộ, kinh tế phát triển chưa xứng tầm, thu hút đầu tư đang phụ thuộc vào hệ thống logistics, chưa có sự kết nối, thống nhất giữa các địa phương trong vùng để phát triển một cách căn cơ, bài bản. Ngoài ra, trước những tác động của biến đổi khí hậu đang đè nặng vào kinh tế nông nghiệp, các địa phương đã có những giải pháp để “thích ứng” trước những dự báo bất thường đang và sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới.

Phần cuối của loạt bài “ĐBSCL đi tìm lời giải thuận thiên”, chúng tôi ghi nhận những đề xuất về giải pháp, sáng kiến, thực tiễn thực hiện từ các địa phương trong vùng để đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 120. Từ đó, để ĐBSCL thích ứng ngày càng tốt hơn với biến đổi khí hậu; phát triển bền vững.

Trong hơn 3 năm qua, thực tế từ ĐBSCL cho thấy, trục nông nghiệp đã có sự xoay chuyển, từ ưu tiên số 1 là lúa gạo đã chuyển sang ưu tiên thủy sản, trái cây. Nước mặn cũng trở thành nguồn tài nguyên phục vụ cho sự phát triển. Diện tích chuyển đổi luân canh tôm lúa bền vững tại ĐBSCL đã đạt khoảng 200.000 ha, tăng gần 3 lần so với năm 2000. Từ khi có Nghị quyết 120, Hội đồng điều phối vùng được thành lập. Lần đầu tiên ĐBSCL có bản quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, điểm nhấn là “thuận thiên” để phát triển. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài, các đối tác quốc tế đã đầu tư triển khai nhiều dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo, logistics…Những dự án này đã làm thay đổi bộ mặt của vùng. Bức tranh đầu tư cho ĐBSCL đã có nhiều mảng màu sáng.

Nghị quyết 120 chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của ĐBSCL, cùng với đó là sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tỷ lệ vốn đầu tư cho ĐBSCL trong tổng vốn đầu tư cả nước đã tăng từ 12% trong giai đoạn trước lên gần 17% trong 5 năm vừa qua. 3 năm qua, khu vực này đã đón nhận nhiều dự án hạ tầng lớn, có tính lan tỏa, kết nối nội vùng và liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu như Cái Lớn - Cái Bé, cống Ninh Quới, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các công trình ngọt hóa Bến Tre, đường Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ…

Về phía người dân, từ chuyển biến về nhận thức đã dẫn đến các thay đổi về tư duy và hành động, bám sát các chủ trương, chính sách, tích cực tham gia vào chuyển đổi quy mô lớn, phát triển chuỗi giá trị. Trong vụ lúa Đông Xuân thu hoạch từ trước Tết nguyên đán Tân Sửu cho đến nay, lúa trúng mùa, được giá trong bối cảnh các địa phương ĐBSCL vẫn chịu ảnh hưởng của các đợt xâm nhập mặn.

“Vui mừng vì được giá hơn các năm. Mọi năm có hơn 4.000 đồng/kg, năm nay được năm ngàn mấy rồi lên hơn 6.000 đồng/kg, giờ hiện tại bán 6.300 đồng/kg, một công được 1 tấn thì mình được 6 triệu mấy, trừ chi phí khoảng 2 – 3 triệu. Mình mừng lắm, mọi năm đâu được giá này”, nông dân Trương Văn Hùng, ngụ xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ chia sẻ.

Với vai trò kiến tạo, Chính phủ đã dẫn dắt, bao gồm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; tăng đầu tư nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng với vai trò là “đòn bẩy” nhằm thu hút thêm sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng và các tiểu vùng, tăng cường kết nối kinh tế-hạ tầng nội vùng và giữa ĐBSCL với TPHCM và Đông Nam Bộ.

Ở khía cạnh nghiên cứu khoa học tại vùng ĐBSCL, chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện có đóng góp, Chính phủ cần có một chương trình chuyển hóa nền nông nghiệp, giúp người dân về mặt tổ chức, kỹ thuật, tài chính, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị và tìm kiếm thị trường tốt hơn. Chương trình này rất cần thiết vì dù người dân sáng tạo, giàu ý tưởng nhưng thiếu nguồn lực, đặc biệt là các nông hộ nhỏ lẻ.

Ông Thiện phân tích, Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải cho chiến lược lâu dài vùng ĐBSCL, nông nghiệp vùng ĐBSCL cần nhìn nhận lại vấn đề, không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng, sống “thuận thiên”: “Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải cho chiến lược lâu dài cho ĐBSCL, cần kèm theo dự phòng tình huống cực đoan, trong đó chú ý đặc biệt đến nhu cầu nước sinh hoạt vùng ven biển. Chìa khóa trung tâm của vấn đề ĐBSCL là chuyển hóa nền nông nghiệp ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120 từ thuần túy sản xuất chạy theo số lượng sang tập trung vào chất lượng”.

Cần có hồ chứa để điều tiết nước ngọt cho toàn vùng

Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương trong vùng đã đề cập và có nhiều đề xuất về an ninh nguồn nước. Bởi khu vực này từng được đánh giá là khu vực giàu có về tài nguyên nước. Tuy nhiên, từ vùng nông nghiệp trù phú bậc nhất cả nước, ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực và khó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững do suy giảm nguồn nước.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, an ninh nguồn nước đặt ra nhiều thách thức cho phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng: “Hiện nay, trong quá trình biến đổi khí hậu, chuyện thiếu nguồn nước ngọt đối với ĐBSCL từ đây sắp tới đây sẽ là thách thức rất là lớn đối với ĐBSCL. Tôi đề nghị quy hoạch những hồ chứa nước ngọt lớn ở ĐBSCL này, một là đặt ở An Giang, hai là ở Đồng Tháp, trữ nước ngọt trong mùa hạn hán, cung ứng tưới tiêu về sản xuất nông nghiệp cho hai tỉnh này và đồng thời chúng ta điều hòa nguồn nước cho các tỉnh ở vùng hạ lưu này”.

Biến đổi khí hậu là thách thức, nhưng vùng ĐBSCL là một vùng đất thuận lợi cho cả sinh sống và sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, điểm nghẽn của vùng là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ nên khó khăn khi thu hút các dự án lớn vào ĐBSCL. Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng, thách thức nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít, quan trọng là nhận thức được thách thức để quản lý rủi ro hiệu quả, nắm bắt cơ hội để tận dụng triệt để.

“Phải khẳng định rằng biến đổi khí hậu là thách thức, nhưng vùng ĐBSCL là một vùng đất thuận lợi cho cả sinh sống và sản xuất kinh doanh, làm sao mà chúng ta lại không thu hút được các dự án lớn, chúng ta thiếu chỉ thiếu hạ tầng”, ông Lê Quang Mạnh đặt vấn đề.

Biến thách thức thành cơ hội để phát triển

Trong dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Cần Thơ vào tháng 11/2020, vấn đề đặt ra để phát triển bền vững vùng ĐBSCL phải dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội – môi trường, trong đó, lấy yếu tố “con người” làm trung tâm; lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến và muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng. Đồng thời, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội, cần coi biến đổi khí hậu, nước biển dâng là điều kiện không thể tránh khỏi, điều quan trọng là con người vận dụng, điều chỉnh và kiểm soát để phát triển.

Theo Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ĐBSCL không thể phát triển nhanh, bền vững nếu chỉ đi một mình. Vì vậy, cần xác định những định hướng, ưu tiên phát triển rõ ràng của toàn vùng và từng tiểu vùng.

“Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, đa mục tiêu, đa chức năng cùng các tuyến giao thông cao tốc, giao thông thủy huyết mạch; hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp; các hành lang kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng chỉ đạo: “ĐBSCL phải tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, sống chung với mặn, khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cam kết kiến tạo cơ chế thuận lợi để ĐBSCL phát triển”.

Trước những thách thức đặt ra, cần phải nhìn nhận lại quy hoạch từng vùng sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ bền vững mà còn mang tính “đột phá”. Để thực hiện được mục tiêu này, thì vấn đề liên kết giữa các địa phương trong quản lý tài nguyên hiện có cần phải bền vững, khoa học, mang tính tổng thể, chiến lược để ĐBSCL phát triển một cách bền vững, theo đúng tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ./.

Bài viết cùng loại bài: 

Bài 1: Nghị quyết “vàng” giúp đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Bài 2: ĐBSCL đi tìm lời giải "thuận thiên": Câu chuyện từ các địa phương

Từ khóa: ĐBSCL, thuận thiên, phát triển bền vứng, biến đổi khí hậu, ngập mặn

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập