Nghị quyết 23 tạo ra cho Tây Nguyên cơ hội phát triển lớn
Cập nhật: 24/01/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Năm 2023 sẽ là một trong những năm đáng nhớ nhất trong hành trình phát triển của các tỉnh Tây Nguyên, khi các tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết: xây dựng Tây Nguyên từ vùng kém phát triển nhất, thành vùng kinh tế khá của cả nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân, cộng đồng doanh nghiệp ở Tây Nguyên đang tích cực tìm hiểu và triển khai.
Chương trình hành động của Chính phủ với các dự án trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng, sự chờ đón của các doanh nghiệp… cho thấy Nghị quyết 23 đang tạo ra cho Tây Nguyên cơ hội phát triển lớn, đồng thời cũng rất cần cam kết trách nhiệm từ các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương để cơ hội đó trở thành hiện thực.
Càng đến gần Tết nguyên đán Quý Mão 2023, các sở ngành ở Đắk Lắk càng đẩy nhanh chuẩn bị cho Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Với Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, trọng tâm của công tác chuẩn bị là Cuộc thi pha cà phê đặc sản Việt Nam, sẽ được tổ chức lần đầu tiên.
Theo ông Lê Đức Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, ông hoàn toàn tự tin cuộc thi sắp tới sẽ được tổ chức thành công vì hiệp hội đã có kinh nghiệm và uy tín qua các cuộc thi tương tự trong suốt 5 năm qua. Ông Huy khẳng định, các cuộc thi về cà phê đặc sản đã và sắp được tổ chức sẽ cổ vũ việc đầu tư cho chất lượng đỉnh cao. Đó cũng là cách rèn luyện đội ngũ, đón đầu các cơ hội mới khi Tây Nguyên triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị.
"Bên cạnh người nông dân, cần những người thợ lành nghề, chuyên nghiệp, để nâng tầm cà phê nhân thành cà phê rang tại Việt Nam. Sắp tới sẽ còn có những chính sách đặc thù khi đầu tư tại Buôn Ma Thuột. Với những sân chơi này, triển vọng chúng ta sẽ có các nhà rang xay chuyên nghiệp. Các bạn sẽ mạnh dạn đầu tư vào rang xay, chế biến sâu tại Việt Nam và tại Đắk Lắk và Buôn Ma Thuột", ông Huy tự tin chia sẻ.
Là tổng giám đốc, bí thư chi bộ một doanh nghiệp đang thành công với chuỗi sản xuất chế biến sâu cùng chuỗi phân phối sản phẩm cà phê-trái cây, ông Nguyễn Xuân Lợi - Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển An Thái, tỉnh Đắk Lắk càng quan tâm đến Nghị quyết 23.
Ông Lợi cho rằng, mục tiêu phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn cho Tây Nguyên mà Nghị quyết 23 đã nêu, là rất phù hợp, bởi thành công của chính An Thái cũng là nhờ phát triển theo hướng này. Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng cần sự đồng lòng của cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp, để lấp đầy những khoảng trống trong tổng thể kinh tế xanh-tuần hoàn ở khu vực.
“Đây là cơ hội tốt. Doanh nghiệp cần nghiên cứu xem nghị quyết có gì thiết thực, có gì trong giai đoạn ngắn hạn, trong dài hạn và doanh nghiệp của mình có điều kiện nào có thể vận dụng được ngay thì bản thân doanh nghiệp phải nắm bắt được những thuận lợi, khó khăn và cơ hội thách thức. Phải cần đến vai trò quản lý nhà nước tạo ra một cơ chế phù hợp, thông thoáng để giúp các doanh nghiệp hạn chế vướng mắc”, ông Lợi nêu quan điểm.
Năm 2023, năm đầu các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, được đặt trên nền tảng kinh tế xã hội khá thuận lợi, với tốc độ tăng trưởng của các tỉnh đạt từ 7,6 đến hơn 12%, cao hơn rất nhiều so với mức 7 đến 7,5% mà Nghị quyết 23 đề ra cho giai đoạn đến năm 2030. Tuy nhiên, các tỉnh Tây Nguyên cũng bộc lộ nhiều điểm yếu cố hữu có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện nghị quyết.
Ngay với tỉnh Lâm Đồng, địa phương đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 12% trong năm 2022, thì những điểm yếu vẫn rất rõ ràng, nhất là trong chỉ đạo điều hành và cải cách hành chính. Theo ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, những điểm yếu này đã tồn tại trong nhiều năm, nếu không sớm khắc phục, Lâm Đồng khó thực hiện thông suốt các nhiệm vụ lớn đã nêu trong Nghị quyết 23.
"Còn rất nhiều khó khăn, thách thức cũng như những tồn tại, hạn chế ở từng lĩnh vực, từng ngành, nhất là những hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Đó là điểm nghẽn, điểm yếu mà chúng ta thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện và rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023”, ông Quận nêu thêm.
Để thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, phát triển Tây Nguyên nhanh và bền vững, hài hòa cả nông-lâm nghiệp, năng lượng, du lịch, công nghiệp, Chính phủ đã công bố đầu tư 9 dự án giao thông lớn. Cùng với những dự án đã được phê duyệt từ trước, Tây Nguyên có 11 dự án giao thông kết nối nội vùng và liên vùng, tổng vốn đầu tư khoảng 180 nghìn tỷ đồng. Đây là nền tảng quan trọng, tạo cơ hội lớn cho Tây Nguyên nhưng cũng là những thách thức lớn bởi đang có quá nhiều dự án đầu tư công ở Tây Nguyên bị đội vốn, chậm tiến độ hoặc không phát huy hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, để Nghị quyết 23 thực sự trở thành động lực phát triển cho giai đoạn tới, tỉnh cam kết nâng cao trách nhiệm, đảm bảo phối hợp thông suốt với các bộ ngành, địa phương.
Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk cam kết nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng đơn vị trong tổ chức thực hiện. Chủ động quyết liệt trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Tỉnh sẽ quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong các cấp các ngành về yêu cầu cấp bách trong đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng tạo không gian thống nhất khắc phục các điểm nghẽn, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh.
Năm mới 2023 đến với Tây Nguyên cùng Nghị quyết 23, một nghị quyết trao cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra cho Tây Nguyên nhiều nhiệm vụ lớn và khó. Để hoàn thành những nhiệm vụ lớn, rất cần tinh thần trách nhiệm lớn của các cấp ủy, tổ chức đảng-chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cùng sự chung sức đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm, kịp thời tháo gỡ các ách tắc, phát huy nội lực của mình và với đầu tư lớn của Chính phủ, Tây Nguyên thực sự có triển vọng được xây dựng thành vùng phát khá của cả nước, đúng với mục tiêu mà nghị quyết đã đề ra./.
Từ khóa: Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Nghị quyết phát triển vùng Tây Nguyên, vùng tây nguyên triển khai nghị quyết 23 trong năm 2023
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN