Nghị quyết 120 “thuận thiên” đi đúng hướng và mang lại hiệu quả

Cập nhật: 13/03/2021

VOV.VN - Cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để Nghị quyết 120 là kim chỉ nam phát triển vùng ĐBSCL bền vững, thịnh vượng và đột phá trong thời gian tới.

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức tại TP Cần Thơ sáng 13/3 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương trực tiếp triển khai Nghị quyết 120 đều khẳng định, sau 3 năm triển khai Nghị quyết, những bước đi hiện nay là đúng hướng và bước đầu có hiệu quả, nhiều mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống của người dân ổn định. Đặc biệt là tinh thần “thuận thiên” được chính quyền, người dân hiểu rõ.

Trong hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp chính quyền các địa phương, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Đã có hàng trăm mô hình ở các địa phương phát huy hiệu quả, đời sống người dân ổn định, nhận thức lớn nhất là nước mặn, nước lợ là tài nguyên để chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất hiệu quả theo từng vùng sinh thái.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông dần đồng bộ, kết nối nội vùng, liên vùng với các trung tâm kinh tế để ĐBSCL vươn mình phát triển mạnh mẽ. Từ khi có Nghị quyết 120, Hội đồng Điều phối vùng được thành lập. Lần đầu tiên ĐBSCL có bản quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó điểm nhấn là “thuận thiên” để phát triển.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài, các đối tác quốc tế đã đầu tư triển khai nhiều dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo, logistics…Những dự án này đã làm thay đổi bộ mặt của vùng. Bức tranh đầu tư cho ĐBSCL đã có nhiều mảng màu sáng.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 120, Bộ NN&PTNT ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt: Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; Phát triển thủy lợi vùng; Phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Nghị quyết 120 nêu rõ tinh thần thuận thiên để tổ chức đời sống và sản xuất; biến “nguy” thành “cơ” cho phát triển, tập trung các nguồn lực từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL chuyển dịch theo đúng hướng, với tinh thần “thuận thiên”, đã bố trí lại cơ cấu sản xuất của toàn vùng.

Nếu như trước đây, sản xuất lúa gạo là nhiệm vụ trọng tâm rồi tới trái cây và thủy sản, sau khi thực hiện Nghị quyết đã chuyển trục khai thác thế mạnh là thủy sản, trái cây rồi mới tới lúa gạo. Trong đó tăng diện tích trồng cây ăn trái từ 385.000 ha cây ăn trái lên tới 450.000 ha; thủy sản tăng từ 860.000 ha lên trên 900.000 ha; diện tích đất lúa từ 1,82 triệu ha giảm còn 1,7 triệu ha, đây là cục diện chuyển động theo đúng tinh thần Nghị quyết 120.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Nghị quyết 120 ban hành trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực, nhưng Chính phủ đã tập trung để bố trí 10.000 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ biển và một số khu vực ven sông, ứng dụng công nghệ mới nhất được đưa vào sử dụng, thành công ở một số tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang là tiền đề kinh nghiệm để tiếp tục xử lý trong thời gian tới.

“Câu hỏi đặt ra là liệu việc chuyển đổi như thời gian qua có hiệu quả không, chúng tôi sẽ chứng minh một số điều để khẳng định là có hiệu quả. Năm 2016, xuất khẩu nông sản của toàn ĐBSCL chỉ đạt 7 tỷ USD, năm 2020 con số xuất khẩu toàn đồng bằng 8,8 tỷ USD, đây là một con số chứng minh chuyển “thuận thiên” không những đúng hướng mà còn hiệu quả. Cấp hộ cũng chuyển động, cấp doanh nghiệp cũng chuyển động, 13 tỉnh thành chỉ đạo rất quyết liệt cho thấy hướng thuận thiên”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.

Về phát triển hạ tầng của vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong thực hiện Nghị quyết 120, Chính phủ cũng nhìn nhận hệ thống giao thông vùng ĐBSCL còn yếu kém, chưa tương xứng với  tiềm năng và thế mạnh của vùng.

Vì vậy, Chính phủ giao Bộ Giao thông và các địa phương trong khu vực hai nhiệm vụ: Điều chỉnh lại quy hoạch giao thông vận tải trong vùng và đặc biệt là xây dựng kế hoạch trung hạn 2021 – 2025, với tiêu chí là sẽ đầu tư nhiều hơn để hoàn chỉnh hệ thống giao thông của vùng. Nhiệm vụ thứ hai là tập trung nguồn lực để chỉ đạo, hoàn thành những công trình trọng điểm, dự án đang triển khai trên địa bàn. Trong 3 năm qua, Bộ Giao thông đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng để triển khai.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng nêu rõ, đến thời điểm này Bộ đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông và trong tháng 4, sẽ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải của vùng và cả nước nói chung.

“Giao thông đã hình thành cửa ngõ cho ĐBSCL khi có cảng Cần Thơ là cảng hàng không cùng với cảng biển chắc chắn khu vực này sắp tới sẽ có chuyển dịch cơ cấu kinh tế tốt. Đặc biệt việc chuyển một số vùng đất không còn tiềm năng, thế mạnh bị nhiễm mặn thành những khu, cụm công nghiệp để tạo công ăn việc làm đang tạo động lực phát triển lớn cho vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng, địa phương trong vùng đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó có việc phát huy vai trò Hội đồng Điều phối vùng với sự tham gia tích cực hiệu quả của các địa phương trong vùng; sớm ban hành Quy hoạch vùng làm căn cứ để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đa mục tiêu, kết nối vùng phục vụ sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân; ưu tiên thực hiện các dự án hạ tầng đa mục tiêu về thủy lợi, cấp nước sạch, thoát nước, giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó là thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại, tạo chuỗi giá trị. Trong đó, cần nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ trong vùng và kết nối với TPHCM, Đông Nam Bộ. Tập trung phát triển có trọng điểm hệ thống giao thông đường bộ, thủy nội địa, nhất là vùng ven biển để phát triển kinh tế biển theo hướng thuận thiên. Kiểm soát lũ, xâm nhập mặn, cấp ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp; hệ thống trữ ngọt cung cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân khu vực thường xảy ra xâm nhập mặn; đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển.

Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, Nghị quyết 120 ra đời là bước đột phá lớn, kim chỉ nam cho sự phát triển của ĐBSCL. Thời gian qua, Cần Thơ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ban ngành trung ương và các địa phương quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo phương pháp tích hợp.

Qua đó, tăng cường liên kết, hợp tác một cách thực chất với các địa phương khác để phát huy hiệu quả, sức mạnh tổng hợp của vùng. Trong thời gian qua, Cần Thơ đã đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; cơ cấu kinh tế của Cần Thơ chuyển dịch đúng hướng.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Nghị quyết 120 trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh kiến nghị, cần quan tâm đến việc tìm đường ra các thị trường lớn cho sản phẩm nông sản của vùng. Bởi như Nghị quyết 120 chỉ đạo đến nay chưa làm được nhiều, nguyên nhân chính là do ĐBSCL đến nay chưa có tuyến vận tải hàng hóa kết nối trực tiếp với thị trường quốc tế.

“Về đường hàng không, đến nay sân bay Cần Thơ vẫn chưa được đầu tư nhà ga hàng hóa và khu logistics hàng không. Về đường biển, Cảng quốc tế Cái Cui Cần Thơ có công suất tiếp nhận tàu 20.000 tấn, tuy nhiên không có hàng hóa ra vào vì cái luồng sông Hậu phương án đầu tư chưa hoàn chỉnh, đây là điểm nghẽn rất lớn của vùng ĐBSCL”, ông Mạnh kiến nghị.

Nghị quyết 120 đã chứng minh “thuận thiên” không chỉ hiệu quả mà đang đi đúng hướng, các cấp chính quyền, người dân đã phát huy tính sáng tạo, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình, sáng kiến của các địa phương, người dân đã chứng minh trong suốt thời gian qua, vượt qua hạn mặn, sạt lở để từng bước thích ứng.

Tuy nhiên, trước những thách thức đang đặt ra sắp tới, cần phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để Nghị quyết 120 là kim chỉ nam phát triển vùng ĐBSCL bền vững, thịnh vượng và mang tính đột phá trong thời gian tới./.

Từ khóa: đồng bằng sông cửu long, nghị quyết 120, thuận thiên, biến đổi khí hậu, thích ứng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu dịch vụ, lợi thế vùng đbscl

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập