Nghị quyết 120 - Định hướng chiến lược cho vùng ĐBSCL

Cập nhật: 25/03/2020

VOV.VN - Để nông nghiệp ĐBSCL phát triển thuận thiên theo Nghị quyết 120, các địa phương cần chuyển hóa bằng cách quy hoạch lại vùng sản xuất và liên kết vùng.

>> Bài 1:Những mô hình thích nghi với hạn mặn ở ĐBSCL

LTS:Hai bài viết trước chúng tôi đã đề cập đến những mô hình thích ứng với hạn, mặn ở một số địa phương trong vùng ĐBSCL, bước đầu những mô hình này đã mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng lúa, đặc biệt là giảm chi phí sản xuất, nước tưới, không còn cảnh thấp thỏm lo âu mỗi khi đến mùa khô hạn. Ngoài ra, những công trình chống hạn, mặn và sự vào cuộc của chính quyền các địa phương đã mang lại hiệu quả rõ rệt, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất, dần thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu được dự báo diễn ra bất thường trong thời gian tới

Phần cuối loạt bài của nhóm PV VOV ĐBSCL vớitựa đề “Nghị quyết 120 - Định hướng chiến lược cho vùng ĐBSCL” chúng tôi đề cập việc triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Liên kết vùng trong phát triển nông nghiệp

An Giang nằm ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, là vùng tiếp nhận nước ngọt hoàn toàn thông qua sông Tiền và sông Hậu, trữ lũ và điều tiết nước ngọt cho các tỉnh vùng hạ nguồn ĐBSCL. Vì vậy, tỉnh An Giang xác định liên kết vùng, quản lý nguồn nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng tài nguyên theo phương châm thuận thiên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, từ những thách thức đang đặt ra buộc phải chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp hài hòa, thuận thiên. Nghị quyết 120 chính là đòn bẩy giúp địa phương tổ chức lại sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý, bền vững, mang tính “đột phá”. Địa phương tập trung chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo thế liên kết vững chắc giữa các tỉnh trong vùng và Tiểu vùng, đưa nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững.

ÔngTrần Anh Thư, cho biết thêm: "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bớt đi sản lượng lúa, tăng sản lượng cây ăn trái, rau màu, cũng như các lọai vật nuôi khác, như vậy là chúng ta giảm cái áp lực đối với cây lúa, bởi vì thị trường lúa gạo đang đối mặt với những khó khăn, như vậy chúng ta sẽ đi vào thị trường rộng mở đó là thị trường rau màu và cây ăn quả, thế giới đang rất cần. Nền nông nghiệp hữu cơ, nền nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp của mình đạt theo tiêu chuẩn quốc tế".

nghi quyet 120 - dinh huong chien luoc cho vung dbscl hinh 1
An Giang chủ động nước cho sản xuất nông nghiệp mùa khô.

Ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã chủ động phối hợp các địa phương tăng cường công tác dự báo, quan trắc môi trường, vận hành đóng, mở các cống không để mặn xâm nhập nội đồng; khuyến cáo nông dân không sản xuất vụ 3 những nơi điều kiện nguồn nước khó khăn mà tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, giống lúa chịu mặn làm 2 vụ ăn chắc.

Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho rằng, địa phương tiếp tục chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệtrongsản xuất, nhất là thực hiện mô hình tưới tiết kiệm nước, tích nước. Đặc biệt, tỉnh sẽ thực hiện việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp để tăng giá trị kinh tế cho người dân, một số vùng ven biển tập trung nuôi tôm, đặc biệt là phát huy lợi thế giống lúa được công nhận là ST24 và ST25.

"Chúng tôi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả qua trồng cây ăn trái, cây màu. Nói chung tất cả chuyển đổi này nó sẽ thích nghi với biến đổi khí hậu. Thích ứng hạn hán, mặn xâm nhập, để làm sao bà con có thu nhập và giảm ảnh hưởng mạnh đến mức tối đa, trong tình hình hạn hán, xâm nhập mặn phức tạp như thế này", ông Quyết nhấn mạnh.

nghi quyet 120 - dinh huong chien luoc cho vung dbscl hinh 2
Trong dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại An Giang.
nghi quyet 120 - dinh huong chien luoc cho vung dbscl hinh 3
Chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với khô hạn tại An Giang.

Chuyển đổi cây trồng vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu

Những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời áp dụng những mô hình tiên tiến trong sản xuất để mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với cách sản xuất truyền thống.

Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện nay nông dân Hậu Giang đã thay đổi tư duy sản xuất theo hướng công nghệ cao, công nghệ 4.0 và sản xuất xanh theo hướng “ thuận thiên” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu như hơn 3 năm trước, toàn tỉnh chỉ có khoảng 200 mô hình sản xuất sạch, sản xuất theo chuẩn VietGap, GlobalGap thì hiện nay toàn tỉnh đã tăng lên khoảng 600 mô hình, trong đó lĩnh vực trồng trọt chiếm hơn 70%.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, mặc dù biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt, nhất là hạn, mặn nhưng nhờ chủ động ứng phó và có nhiều giải pháp, mô hình thích ứng nên địa phương không bị thiên tai gây thiệt hại nhiều: "Bước đầu cũng đã xuất hiện nhiều mô hình như các mô hình tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt tại gốc hoặc là tưới phu sương… thì đây là những mô hình xài tiết kiệm nước mà nó phù hợp, nó thích ứng với Biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay. Từ đây, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để coi như tuyên truyền, hỗ trợ các điều kiện như tiếp cận vốn hoặc là chính sách hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước để cho các mô hình này nó được nhân rộng nhiều hơn nữa".

Chuyên gia sinh thái nghiên cứu độc lập về ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải cho chiến lược lâu dài vùng ĐBSCL. Đây cũng là chìa khóa trung tâm đối với ngành nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120, không chạy theo số lượng mà nâng cao chất lượng sản phẩm, khi đó giá trị sẽ nâng lên và đa dạng hơn.

Theo ông Thiện: "Chính phủ cần có một chương trình chuyển hóa nền nông nghiệp, giúp người dân về mặt tổ chức, kỹ thuật, tài chính, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị và tìm kiếm thị trường tốt hơn. Chương trình này rất cần thiết vì dù người dân sáng tạo, giàu ý tưởng nhưng thiếu nguồn lực, đặc biệt là các nông hộ nhỏ lẻ".

nghi quyet 120 - dinh huong chien luoc cho vung dbscl hinh 4
Mô hình tưới nước tiết kiệm cho vườn cây ăn trái.
nghi quyet 120 - dinh huong chien luoc cho vung dbscl hinh 5
Hồ chứa nước để phục vụ sản xuất.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự chủ động của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương đã góp phần giảm tối đa thiệt hại trong sản xuất cho người dân. Những mô hình sản xuất thích ứng phát huy hiệu quả, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất hướng tới sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu.

Tuy nhiên, để nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững, sống thuận thiên thực hiện theo Nghị quyết 120, các địa phương cần chuyển hóa nền nông nghiệp bằng cách quy hoạch lại vùng sản xuất, liên kết vùng, tiểu vùng, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị, tìm kiếm thị trường tiềm năng, tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Có như vậy, nông nghiệp ĐBSCL mới thực sự “biến nguy thành cơ” phát triển bền vững, theo đúng tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ./.

Từ khóa: hạn mặn, nghị quyết 120, nông nghiệp ĐBSCL, hạn mặn ĐBSCL

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập