Nghệ thuật làm đẹp của người Cơ tu xưa
Cập nhật: 16/12/2021
Ra mắt trưng bày “Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử”
Khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định
VOV4.VN - Nghệ thuật làm đẹp của người Cơ tu xưa cho đến giờ vẫn là niềm tự hào của các thế hệ cháu con. Đó không chỉ là câu chuyện làm đẹp mà còn là sự thích nghi cuộc sống với rừng, là sự sáng tạo độc đáo của người Cơ tu để từ đó làm nên giá trị văn hóa riêng biệt.
Áo của người nghèo
Cũng như nhiều dân tộc sinh sống ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, trước đây, người Cơ tu mặc áo, khố làm bằng vỏ cây. Giờ tấm áo, khố ấy chỉ xuất hiện trong những lễ hội truyền thống.
Chiếc áo vỏ cây của người Cơ tu trong lễ hội cổ truyền
Theo già Briu Pố, người Cơ tu ở thôn A Rớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam, bà con thường dùng vỏ cây sui làm trang phục. Nhưng sui có nhiều loại. Một loại xưa kia bà con thường lấy mủ săn bắn thú rừng. Đây là loại sui độc, vỏ giòn, không được dùng làm áo.
Loại sui được chọn là sui cho vỏ đàn hồi, thuộc loại gỗ mít. Loại sui ấy lấy làm áo là tuyệt nhất, mặc bền tới 5 – 6 năm.
“Họ chặt bỏ cái vỏ bên ngoài đi, còn phần vỏ trong của nó cộng với cái lõi của nó. Thế là họ lấy cái gỗ cứng cứng, bắt đầu họ cắt thành khấc, thành khấc lồi ra lõm xuống to bằng nắm tay, dài cũng bằng khoảng 40 – 50 phân. Họ đập. Càng đập nhiều bao nhiêu thì càng dãn ra bao nhiêu và cái vỏ đó nó càng xốp bấy nhiêu, cho nên càng dầy, càng ấm, càng giãn ra rộng bao nhiêu. Xong bắt đầu lấy dao rạch thế là thành một cái tấm hình chữ nhật. Sau đó, mình muốn áo kiểu nào thì mình khâu lại. Thành cái áo đâu có gì đâu”.
Đơn sơ, giản dị thế thôi nhưng chiếc áo vỏ cây khi xưa giúp người Cơ tu vượt qua được rét buốt của thời tiết khắc nghiệt của miền núi Tây Giang. Nhất là với những gia đình nghèo. Đối với những chàng trai Cơ tu, đó còn là tấm áo giáp chống đỡ vuốt của thú rừng cào cấu, là chiếc áo “tàng hình”, ẩn nấp tuyệt vời lúc đi săn.
Cũng chính nhờ chiếc áo giáp dày dặn, thông dụng ấy mà nhiều người con Cơ tu xông pha khắp núi rừng, lập nhiều chiến công trong bảo vệ buôn làng khỏi địch họa, thú dữ. Đó cũng là minh chứng cho một nền kinh tế tự cung, tự cấp thủa xưa, nương tự vào rừng, người Cơ tu đã sáng tạo cho mình y phục bằng vỏ cây mà giờ đây trở thành niềm kiêu hãnh cho tài hoa, nghệ thuật làm đẹp, nghệ thuật sống với rừng của người Cơ tu.
Trang phục của bé gái Cơ tu gồm vòng đầu, váy, áo thổ cẩm, vòng cổ, vòng tay
"Những nhà thiết kế dân gian”
Nếu một lần đặt chân đến Tây Giang, Quảng Nam, được hòa mình vào lễ hội của đồng bào Cơ tu như lễ tạ ơn rừng, lễ mừng lúa mới chẳng hạn, bạn sẽ ấn tượng với sắc màu thổ cẩm, với nhịp cồng chiêng, với điệu múa tung tung, za zá của con trai con gái Cơ tu.
Con gái Cơ tu duyên dáng với váy thổ cẩm che liền từ ngực xuống gót chân. Chiếc váy đó một là tấm thổ cẩm ghép đôi khâu phần bên như hình ống, hai là để nguyên tấm choàng. Khi mặc, choàng vào thân mình từ ngực đến gót chân, để lộ đôi vai trần. Gam màu chủ đạo của váy vẫn là đen – đỏ xen kẽ từng hàng từ trên xuống dưới để khi mặc, tạo thành từng vòng, từng vòng đen, đỏ quanh thân hình của người phụ nữ, càng tôn thêm phần duyên dáng.
Đó là sự khéo léo đảm đang của người phụ nữ. Bởi, để có một bộ váy thổ cẩm ấy là cả một quá trình trồng bông, kéo sợi, làm vải, nhuộm màu… công phu nhất chính là công đoạn dệt hoa văn, phối màu để tạo nên bộ váy hoàn chỉnh nhất. Chiếc váy nào càng nhiều hoa văn, càng thể hiện sự tài hoa của người phụ nữ. Nhất là những hoa văn thêu cườm.
“Cườm này là bằng đá quý, bằng sứ, trong quá trình trao đổi với anh em đồng bằng họ mua về, họ trang trí hạt cườm đó hình này hình kia, hình sao, hình lá cây…vv. Họ sắp xếp ở trên sợi của thổ cẩm đó. Ngày trước đắt kinh khủng. Cho cườm, cho hoa văn một ít vào đó là trị giá một con bò đó không phải vừa đâu”.
Trên những tấm dồ thổ cẩm đó cơ man là hoa văn cườm với nhiều hình dạng khác nhau. Chủ yếu là hoa văn cây cỏ, chim muông, hình ảnh tung tung, za zá được cách điệu bằng những ô hình học trên nền chủ đạo của thổ cẩm như những ô hình gấp khúc, hình vuông, hình tam giác, hình thoi... được phân phối cân đối, rõ nét trên hàng ngang, hướng từ dưới lên. Người phụ nữ Cơ tu phải thật tỉ mẩn trong việc kết cườm, chèn cườm và trí tưởng tượng của họ vô cùng phong phú mới tạo ra những hoa văn đầy biểu tượng như thế.
Chế xuất cườm chì có một không hai
Ngoài những hoa văn bằng sứ dưới dạng hạt cườm nhỏ, dẹt; bằng chính sợi màu tự nhuộm từ thuốc màu thiên nhiên thì người Cơ tu còn có hoa văn cườm từ những viên chì. Những tấm chì ấy được chế luyện bởi những người đàn ông Cơ tu.
“Ông già tôi ngày xưa cũng sản xuất được cườm chì. Cái đó họ tự làm được. Chỉ cần có một cục chì là họ nấu chì rồi họ chế tác ra được cườm bằng chì. Còn cái cườm bằng sứ màu trắng, màu xanh, màu đen, màu vàng Cơ tu không làm được. Họ nấu chì nóng chảy, rồi lấy que nhỏ châm chì dính đầu que. Sau đó nhúng nhanh xuống nước thế là được một hột. Cứ thế châm, rất là lâu”.
Chỉ những làng Cơ tu có nghệ nhân biết chế tác chì cườm mới có được những tấm dồ thêu hoa văn này. Và việc chế tác đã mất thời gian rồi, việc sắp xếp chúng trên trang phục lại càng khó, đòi hỏi người phụ nữ Cơ tu tinh thế, giàu kinh nghiệm.
Hoa văn chì chìm lắng vào màu xanh, màu đen của thổ cẩm tạo nên sự sang trọng, quý phái của người mặc. Có khi chúng được thêu chi chít thành những vạt dày trên áo, váy, có khi chỉ là những mô típ hình học riêng lẻ, biểu trưng với những gì gần gũi trong cuộc sống thường ngày. Xưa thì chỉ những gia đình thật giàu có mới sở hữu những thổ cẩm có cườm chì.
Chiếc thắt lưng bằng vải thổ cẩm thắt eo thon, thắt quanh ngực càng tôn nét duyên dáng của người phụ nữ
Thắt lưng, vòng đầu: Nét duyên của con gái Cơ tu
Hòa mình vào lễ hội Cơ tu, làm thế nào bạn nhận ra cô gái Cơ tu có chồng hay chưa? Hãy chú ý cách làm duyên bằng chiếc thắt lưng của họ.
“Nay họ thắt theo sở thích rồi. Muốn thắt ở eo cũng được, những con gái mà có con rồi. Nhưng con gái, thiếu nữ còn trẻ thì họ thắt ở trên ngực. Rộng khoảng 6cm, dài khoảng 2m. Rồi hai bên đầu có cả tua dài nữa họ trang trí, xỏ những hạt cườm ở trong đó. Hoa văn họ bắt chước cái lưng của con rắn ráo đấy. Múa za zá cái dây thắt ở ngực này có hai tua dua dài bay phất phơ rất đẹp”.
Tất cả những hoa văn sáng tạo ấy đều dựa vào những gì sẵn có trong tự nhiên, gắn liền với cuộc sống thường ngày của bà con. Từ thiên nhiên kỳ thú, người cơ tu phát hiện và lấy nhiều chất liệu của tự nhiên làm đẹp cho mình. Áo vỏ cây, bông dệt vải, lá rừng, cây rừng nhuộm màu… và một trong số đó là chiếc vòng đội đầu của người phụ nữ.
Xưa kia, chỉ bằng giang, nứa, rồi thân dây tiết dê mà con gái Cơ tu đã có cho mình những chiếc vòng xinh xắn đội đầu. Ngày hội, họ xúng xính trong váy áo, và chiếc vòng đội đầu ấy càng khiến các cô gái Cơ tu nổi bật, thu hút ánh nhìn của biết bao chàng trai, để rồi họ say mê cất lời ca ngợi vẻ đẹp của người con gái ấy, kết bạn, kết đôi.
“Một khi múa tung tung za zá theo tiếng trống, tiếng chiêng, lại mặc thổ cẩm có hoa văn bằng vải, hoa văn bằng cườm nữa, nhún lên, nhún xuống. Hai cái còn thừa phía trước mặt nó cũng nhún theo nhịp điệu của con gái theo trống chiêng rất là đẹp. Họ thích nhất là cái loại vòng này”.
Khi xưa, cuộc sống khó khăn nhưng họ vẫn yêu đời, yêu cái đẹp một cách hồn nhiên như thế. Dù giờ đây, cuộc sống thường ngày người Cơ tu không còn đeo vòng như xưa nữa. Nhưng trong lễ hội, ngày trọng đại, vẻ đẹp ấy lại tỏa sáng cùng trang phục truyền thống của người Cơ tu. Đó là nét đẹp, là giá trị riêng có làm nên bản sắc của cộng đồng Cơ tu sống ở vùng núi Quảng Nam này.
Lâm Thanh/VOV4
Từ khóa: cườm chì, mã não, thổ cẩm, dân tộc Cơ tu, hát lý
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: hh btct + 2 ảnh
Nguồn tin: VOV4