Nghề tạo nên sự trong lành của các tòa nhà

Cập nhật: 05/11/2021

[VOV2] - Nếu kiến trúc sư tạo nên hình dáng, công năng và mỹ quan; kỹ sư kết cấu tạo nên sự vững chãi của công trình thì kỹ sư hệ thống kỹ thuật trong công trình sẽ tạo nên môi trường sống và làm việc tiện nghi, trong lành và an toàn trong các tòa nhà.

Một tòa nhà có đẹp, có vững chãi thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể sử dụng ngay được nếu chưa có các hệ thống thiết yếu bên trong như điện, nước, chiếu sáng, điều hòa, phòng cháy chữa cháy (PCCC) hay thông tin liên lạc... Việc thiết kế, thi công, lắp đặt, nghiệm thu, vận hành, bảo trì và quản lý các hệ thống đó một cách chuyên nghiệp để công trình phục vụ cho con người tốt nhất - đây chính là vai trò quan trọng của những kỹ sư Hệ thống kỹ thuật trong công trình.

Trong xu hướng phát triển của khoa học công nghệ cùng với nhiều thách thức của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, hệ thống kỹ thuật công trình xây dựng càng trở nên quan trọng. Không chỉ kết hợp để tạo ra môi trường sống hiện đại, an toàn mà còn phải tiết kiệm năng lượng, bền vững với thời gian.

Quá trình đô thị ở Việt Nam đang diễn ra rất mạnh cùng với sự gia tăng số lượng các tòa nhà lớn, các tòa chung cư, các trung tâm thương mại... Trong những tòa nhà như thế, nhu cầu về Hệ thống kỹ thuật trong công trình là rất lớn, tạo nhiều cơ hội cho những ai năng động và đam mê với nghề.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Quang, phụ trách chuyên ngành Hệ thống Kỹ thuật trong công trình, Khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội, đầu ra của ngành Hệ thống kỹ thuật trong công trình bây giờ rất phong phú. Các bạn sẽ làm ở những vị trí như:

- Kỹ sư tư vấn thiết kế tại các công ty tư vấn thiết kế xây dựng;

- Kỹ sư thi công các Hệ thống kỹ thuật trong công trình;

- Kỹ sư bán hàng cho các hãng về các thiết bị Hệ thống kỹ thuật trong công trình như các hãng điều hòa không khí, các hãng thiết bị về thang máy, về điện;

- Vận hành và bảo trì bảo dưỡng các Hệ thống kỹ thuật trong công trình tại các tòa nhà cao tầng.

"Một tòa nhà sau khi vận hành 5-10-15 năm, các hệ thống kỹ thuật đó sẽ cũ đi, nhu cầu bảo trì bảo dưỡng các hệ thống đó là rất lớn"- PGS.TS Trần Ngọc Quang cho biết.

"Cơ hội ngành này nếu mà so với các ngành khác việc luôn luôn sẵn và chờ đợi. Thu nhập về mức độ bình quân tương đối khá so với các ngành. Các bạn khi học trong trường cố gắng học thật tốt để lấy kiến thức ra trường rất hữu ích."

Ông Nguyễn Thế Duẩn, Giám đốc Công ty CP Mecooltech

"Ngành xây dựng Nhật Bản vẫn đang tăng trưởng liên tục, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư xây dựng, đặc biệt kỹ sư ngành Hệ thống kỹ thuật trong công trình đang ngày càng tăng cao. Nhiều kỹ sư Việt Nam làm việc rất hiệu quả và được các công ty Nhật Bản đánh giá cao."

Ông Thành Thế Dũng, Trưởng đại diện của Công ty NET-K International

"Vấn đề nhu cầu nhân lực hiện nay đối với Hệ thống kỹ thuật trong công trình là rất lớn. Công ty chúng tôi những năm gần đây với sự phát triển và mở rộng của  có thể tuyển dụng 20-50 nhân sự/ năm. Tôi mong là có thêm nhiều trường có thể xem xét và phát triển đào tạo nhân lực tốt để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng như chúng tôi."

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Công ty CP Kỹ thuật Thăng Tiến

Chương trình đào tạo ngành Hệ thống kỹ thuật trong công trình của trường Đại học Xây dựng với định hướng CDIO (tức là Hình thành ý tưởng – Thiết kế - Triển khai và vận hành) nhằm tạo ra các kỹ sư có trình độ chuyên môn vững vàng, kỹ năng hành nghề thành thạo và thái độ làm việc tích cực để đáp ứng yêu cầu xã hội ngày càng cao.

Cùng nghe những chia sẻ về nghề của thầy, trò và cựu sinh viên ngành Hệ thống kỹ thuật trong công trình của trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Từ khóa: kỹ sư, xây dựng, Hệ thống kỹ thuật trong công trình, tòa nhà, trường ĐH xây dựng, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập