Nghề tạo dựng những ngôi nhà thông minh
Cập nhật: 10/10/2021
Bắt cựu nhân viên ngân hàng lừa đảo nhiều tỷ đồng
Bắt giữ các đối tượng tàng trữ, mua bán pháo nổ trái phép tại TP.HCM
[VOV2] - Nhu cầu thiết kế, lắp đặt, bảo hành nhà ở thông minh ngày càng tăng kéo theo một lượng công việc khổng lồ. Nhưng để tham gia vào mảng thị trường lao động này cần những lao động được đào tạo nghề điện chuyên sâu và tích hợp công nghệ...
Chuyện nghề của những kỹ sư, kỹ thuật viên nhà thông minh
Di chuột máy tính, mở một dữ liệu ảnh công trình đang thi công hiện trên màn hình, chỉ vào file ảnh có dòng chữ chú thích đèn-rèm-điều hòa, kỹ sư thực hành Nguyễn Viết Huy giải thích về một phần trong tổng thể thiết kế mà anh cùng các đồng nghiệp đã lên phương án và thi công:
“Thông số ghi ở đây giúp người dùng hiểu sơ đồ bố trí từng khu vực. Các chỉ số ghi trên đây chính là độ sáng từng khu vực trong phòng, chỉ số càng cao thì mức chiếu sáng càng mạnh. Chỉ cần nhìn vào ảnh, ai cũng dễ dàng hiểu và sử dụng trong việc điều khiển trực tiếp trên thiết bị hoặc thông qua điện thoại di động để bật, tắt đèn hoặc điều chỉnh nhiệt độ từng khu vực trong nhà”.
Từ nhiều năm trước, nếu tình cờ xem một bộ phim nước ngoài, không ít người sẽ trầm trồ với việc diễn viên rút chiếc điện thoại, thao tác rất nhanh trên màn hình cảm ứng. Và ở một nơi rất xa, điện phòng làm việc tắt phụt, cửa văn phòng tự động đóng lại. Điều có trên phim hoặc ở một nơi nào đó thật xa, thật hiện đại đã xuất hiện ngay trong một văn phòng nhỏ thuộc tổ hợp văn phòng nằm ở trung tâm Hà Nội.
Nhà thông minh hiện nay được so sánh với những “quản gia” giúp các gia đình điều chỉnh các vấn đề từ chiếu sáng, rèm cửa, điều hòa, nóng lạnh đến cả giám sát an ninh, an toàn. Đến Việt Nam chưa lâu, bắt đầu từ nhu cầu của một số ít người có điều kiện kinh tế, thiết kế nhà thông minh đã và đang trở nên phổ biến và dần trở thành sản phẩm vừa tầm và được nhiều người đón nhận.
Theo Nguyễn Viết Huy, nhà thông minh được nhiều người biết đến trước hết do sự nâng lên của đời sống xã hội, kéo theo sự xuất hiện của nhiều thương hiệu quốc tế kinh doanh thiết bị ở lĩnh vực này. Điều quan trọng không kém nằm ở những lao động được đào tạo, có tay nghề và kinh nghiệm trong cả quy trình từ thiết kế, lắp đặt đến bảo trì, bảo dưỡng. Sự thay đổi công nghệ từng năm rút xuống từng tháng, thậm chí theo tuần cũng được các chuyên viên lắp đặt hoặc kỹ sư thực hành của chúng ta nắm bắt và đưa vào từng công trình từ nhà ở, căn hộ, văn phòng theo những cách làm sáng tạo nhất, dựa trên từng yêu cầu cụ thể.
3 năm làm ở lĩnh vực nhà thông minh, trải qua hơn 70 công trình, anh Huy có những trải nghiệm vui buồn, không ngừng rút kinh nghiệm để mỗi sản phẩm sau khi hoàn thiện, trao đến tay khách hàng đều nhận được sự hài lòng. Ở những ngày đầu, công nghệ còn giới hạn, thêm cả việc chưa làm chủ thiết bị cũng như thiếu kinh nghiệm, việc thiết kế, lắp đặt hệ thống cảm ứng chưa đạt đến độ hoàn hảo cũng như độ chính xác.
“Khách đặt ra yêu cầu khi bước đến cầu thang đèn mới bật sáng nhưng thực tế thì mới gần đến nơi, ánh sáng đã bật lên rồi. Tức là việc điều chỉnh cảm ứng vùng ánh sáng còn khó khăn. Rút kinh nghiệm cộng thêm sự thay đổi về công nghệ nên mỗi công trình sau khi hoàn thành đã hoàn hảo hơn rất nhiều”, anh Viết Huy chia sẻ.
Nguyễn Văn Minh, một trong những học viên xuất sắc trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, từng tham gia kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2019. Bước vào lĩnh vực nhà thông minh mới nửa năm nay nhưng Minh đã rất tự tin bởi bạn thuộc lứa đầu tiên được đào tạo và thực hành ngay từ trong trường.
Học phần đào tạo về nhà thông minh được thiết kế phù hợp với học viên đã nắm vững kiến thức và thực hành tốt về điện cơ bản. Chỉ cần khoảng thời gian rất ngắn, các kỹ sư thực hành đã có thể đáp ứng yêu cầu thiết kế, thi công công trình nhà thông minh.
Tất nhiên, theo như Minh, quá trình làm trực tiếp các công trình sẽ có những điểm khác khi thiết bị, công nghệ nhà thông minh thay đổi từng ngày. Nhưng kiến thức nền tảng vững chắc cộng thêm quá trình thực hành nhiều, rút kinh nghiệm thực tế nhiều sẽ không có gì quá khó khăn, Minh cho biết.
Tâm trạng lo âu khi rời nhà vì chưa chắc chắn cửa đã khóa hay điện đã tắt, bếp đã dừng việc đun nấu chưa?... hoàn toàn có thể được giải quyết với giải pháp nhà thông minh. Thậm chí người ta không còn cần rút điện thoại ra để điều khiển khi nhà thông minh ở thời điểm này đã đạt tới trình độ tự động cao. Các kỹ sư có thể lắp đặt cảm ứng hoặc hệ thống tự động bật tắt khi có hoặc không có người trong không gian nhà.
Không chỉ các gia đình lựa chọn nhà thông minh và tiến tới, khi triển khai các công trình cao tầng, văn phòng, căn hộ, các chủ đầu tư đều lựa chọn lắp đặt thiết kế và sử dụng các thiết bị thông minh nhằm tối ưu hóa sản phẩm trong việc đảm bảo an toàn cũng như tiết kiệm năng lượng. Đó là cơ hội tốt cho kỹ sư điện được đào tạo về nhà thông minh.
Nhà thông minh, một học phần hứa hẹn cơ hội việc làm cho học viên ngành điện
Không ít người băn khoăn việc để thiết kế, lắp đặt nhà thông minh thuộc phần việc của kỹ sư, chuyên viên ngành điện hay ngành công nghệ? Ông Trịnh Thanh Hà, Chủ tịch hội đồng thành viên của iHaus, đơn vị chuyên về nhà thông minh khẳng định chúng ta đang ở thời điểm mà lao động cần được trang bị và thích ứng nhiều kĩ năng khác nhau. Đặc biệt, bước vào giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ thông tin bước vào mọi mặt của đời sống. Một kỹ sư điện hiện nay cũng phải có kiến thức và kĩ năng trên mức cơ bản về công nghệ. Cụ thể với nhà thông minh, công nghệ thông tin được ứng dụng nhiều ở phần điều khiển. Thực tế này yêu cầu các kỹ sư thực hành phải cùng lúc có cả kiến thức, kỹ năng nền tảng vững chắc cả về điện và công nghệ thông tin.
Dù đang sử dụng và hài lòng với tay nghề cũng như tinh thần, thái độ lao động chuyên nghiệp được đào tạo từ trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nhưng theo ông Hà, trong một tương lai gần, nhà thông minh với việc đồng thời tác động khác nhau vào cùng một không gian sống hoặc làm việc, rất cần tách ra, trở thành bộ môn riêng trong suốt quá trình đào tạo, đạt tới sự chuyên sâu mới có khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.
“Nhu cầu ngày càng cao cộng thêm sự phát triển cực kỳ mạnh của công nghệ, thiết bị thay đổi theo chu kỳ từng tháng, thậm chí có thể sẽ còn rút ngắn hơn. Người lao động không kịp nắm bắt và ứng dụng có thể bị tụt hậu ngay”, ông Thanh Hà khẳng định.
Mức lương chuyên viên hoặc kỹ sư thực hành nhà thông minh cao hơn hẳn nếu đặt trong tương quan so sánh với lao động ở lĩnh vực xây dựng dân dụng hoặc lắp đặt điện nước truyền thống. Nguyên nhân nằm ở thực tế lao động có tay nghề đáp ứng các phần việc cho nhà thông minh còn khan hiếm. Trong khi nhu cầu về nhà ở, chung cư, văn phòng được thiết kế và lắp đặt hệ thống thông minh ngày càng cao.
Mời các bạn nhấn nút để nghe nội dung công việc của các chuyên viên, kỹ sư thực hành với những phần việc cụ thể của nhà thông minh.
Từ khóa: nhà thông minh, thông minh, thiết kế, thi công, tay nghề, lao động có tay nghề, nghề điện, nghề thiết kế nhà thông minh, nhà đẹp, xu hướng
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2