Nghệ sĩ quốc tế thích thú với mô hình “sân khấu - du lịch” ở Việt Nam
Cập nhật: 07/10/2019
VOV.VN - Hơn 140 nghệ sĩ quốc tế đã về Việt Nam tham gia chương trình "Hội ngộ Sân Khấu - Du lịch Quốc tế: Hà Nội - Thành phố vì hòa bình".
Hơn 140 giáo sư, chuyên gia sân khấu cùng các giảng viên và sinh viên đến từ 19 trường nghệ thuật sân khấu thuộc 16 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã cùng hội ngộ về Hà Nội trong khuôn khổFestival các trường Sân khấu - Nghệ thuật Quốc tế từ 23 đến 28/9.
Đây là lần thứ 12, Festival này được tổ chức và là lần thứ 2 diễn ra ở Việt Nam (Festival đã từng tổ chức tại TP.HCM năm 2013). Năm nay, chương trình lấy chủ đề Hội ngộ Sân Khấu - Du lịch Quốc tế: Hà Nội - Thành phố vì hòa bình.
Hoạt động giao lưu trong chương trình. |
Các thành viên của các trường nghệ thuật sân khấu quốc tế đã giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy và học tập chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn.
Một trong những nội dung đặc sắc của cuộc hội ngộ liên hoan lần này là việc trao đổi chuyên môn sâu qua các bài tập mẫu của từng trường. Theo quan niệm truyền thống, sân khấu phải diễn ra trong nhà hát và chỉ có nhà hát mới có nghệ thuật sân khấu. Chương trình đã xóa bỏ quan niệm đó vàthay thế bằng một mô hình hiện đại hơn: Ở bất cứ nơi đâu có người nghệ sĩ sân khấu với tài năng, lòng đam mê, sự tôn trọng khán giả và truyền thống văn hóa thì ở đó sẽ có nghệ thuật sân khấu xuất hiện.
Những không gian của phòng ăn, phòng họp, sân vườn, sảnh khách sạn đã được các thành viên với năng lực thích nghi đầy sáng tạo biến hóa thành những không gian thể hiện các kỹ năng sân khấu vô cùng độc đáo và mới lạ.
Các sinh viên phát huy trí tưởng tượng trong một không gian khác lạ. |
Trong buổi gặp gỡ báo chí mới đây tại Hà Nội, đạo diễn Lê Quý Dương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu Thế giới, Chủ tịch Diễn đàn Festival Quốc tế - ITI/UNESCO, Trưởng BTC chương trìnhHội ngộ Sân Khấu - Du lịch Quốc tế 2019 đã có những chia sẻ về mô hình mới này.
Theo đạo diễn Lê Quý Dương: "Mô hình mới tạo nên những thách thức để sinh viên, nghệ sĩ trẻ nâng cao năng lực thích nghi, trí tưởng tượng sáng tạo và sự kết nối chia sẻ giữa những bản sắc văn hóa khác biệt. Ngoài sân khấu lớn, các nghệ sĩ có thể biểu diễn, cháy hết mình ở bất cứ nơi đâu miễn nơi ấy có khán giả".
Ngoài mô hình mới, dự án mới kết hợp giữa sân khấu với du lịch cũng xuất hiện. Bên cạnh việc học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm diễn xuất, các đại biểu được khám phá nhiều nét văn hoá, cảnh đẹp khắp nơi để tích luỹ vốn sống của mình.
Các đại biểu tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Hơn 140 đại biểu đã vô cùng thích thú khi xem chương trình múa rối nước truyền thống tại Nhà hát Múa rối Thăng Long Hà Nội. Các thành viên trong đoàn cũng đi thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử và đặc biệt ấn tượng khi đến thăm Văn Miếu – Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Một số đoàn đã ở lại đi thăm vịnh Hạ Long, thăm cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
"Hình thái sân khấu mới, mô hình mới và dự án mới này không chỉ vượt qua giới hạn của những kiến thức kinh viện giáo điều mà còn vượt qua các rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa để giao thoa và hội nhập. Nó trở thành một hình thái sân khấu mang tính khu vực và toàn cầu nhưng vẫn đa dạng và đặc sắc với những di sản văn hóa của từng dân tộc" - đạo diễn Lê Quý Dương cho biết thêm.
Chia sẻ sau chương trình, Giáo sư Yudiaryani đến từ Đại học Seni Indonesia, Yogyakarta khẳng định: “Đạo diễn Lê Quý Dương đã thực sự đưa ra một quan niệm rất mới trong việc giảng dạy và học tập chuyên ngành sân khấu biểu diễn qua chương trình này. Đó là việc rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng tưởng tượng, sáng tạo và thích ứng trong mọi hoàn cảnh để biểu diễn một tác phẩm sân khấu. Thế giới đang đổi thay và nghệ thuật biểu diễn sân khấu cũng vậy. Rồi chúng ta sẽ nhận ra rằng, khi đời sống công nghệ càng phát triển thì chúng ta càng cần nghệ thuật sân khấu hơn rất nhiều”.
Giáo sư Suresh Shama đến từ trường Kịch nghệ Quốc gia Ấn Độ, NSD, New Dehli cho biết: “Tôi rất tâm đắc với quan niệm mới của đạo diễn Lê Quý Dương. Sân khấu hiện đại cần mang trong nó một nội lực để có thể diễn ra bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi đâu khi khán giả cần. Chúng ta phải hướng tới một nghệ thuật sân khấu gần gũi với nhau hơn để học hỏi và chia sẻ, gắn bó với công chúng và thân thiện với môi trường hơn để đi kịp với xu thế phát triển. Đây là một quan niệm rất tiến bộ và hiện đại. Nó phá vỡ đi những nguyên tắc truyền thống bấy lâu nay vẫn bó buộc chúng ta, chia tách chúng ta và làm chúng ta tự mình bị cô lập trong truyền thống của chính mình”.
Theo đạo diễn Lê Quý Dương, mô hình mới này đã được thống nhất để áp dụng cho các sự kiện sau ở các nước khác./.
Từ khóa: sân khấu du lịch, sân khấu truyền thống, đạo diễn lê quý dương, sân khấu
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN