Nghệ sĩ livestream "bóc phốt": Đừng để thành trào lưu

Cập nhật: 24/02/2024

VOV.VN - "Việc nghệ sĩ livestream “bóc phốt” đã và đang đưa ra những năng lượng tiêu cực vô cùng lớn tới môi trường xã hội nói chung" – Nhà báo, nhà văn Trương Anh Ngọc bày tỏ quan điểm.

Những ngày gần đây, cái tên Nam Em (hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long 2015), ca sĩ kiêm diễn viên và người mẫu người Việt Nam, liên tục xuất hiện trên mạng xã hội với những phát ngôn gây sốc. Trong các buổi livestream của mình, Nam Em không ngần ngại bật mí những câu chuyện tình cảm và góc khuất của giới showbiz mà theo cô là những bí mật chưa từng được tiết lộ. Tuy nhiên, những câu chuyện, sự việc này lại chưa được kiểm chứng.

Loạt phát ngôn của Nam Em đã tạo nên làn sóng phản ứng trái chiều trong cộng đồng mạng. Kẻ thì bán tín bán nghi “không có lửa làm sao có khói?”, người lại cho rằng “những câu chuyện không kèm theo bằng chứng xác thực chỉ làm tăng thêm nghi ngờ về tư cách của người chia sẻ". Rằng "mọi hành động không suy xét có thể gây tổn thương nặng nề đến danh dự và tâm hồn của người liên quan dù không được nhắc tên. Điều này là không thể chấp nhận”.

Đáng nói hơn, sự việc thêm một lần nữa dấy lên lo ngại rằng, nếu không có sự ngăn chặn, vào cuộc kịp thời, rất có thể nó sẽ tạo thành một trào lưu, dẫn đến những tác động tiêu cực tới cộng đồng – khi bản thân Nam Em là một nghệ sĩ, ít nhiều có sự ảnh hưởng tới công chúng nói chung.

Nhà báo, nhà văn Trương Anh Ngọc cho rằng “đối với một người bình thường “bóc phốt” người khác trong một phạm vi nhỏ đã là điều bất bình thường và tất nhiên là tỏa ra năng lượng tiêu cực rồi, huống chi đây là một người của công chúng, một nghệ sĩ. "Theo dõi một vài phiên livestream của Nam Em tôi thấy rằng năng lượng tiêu cực mà những người này đưa ra là cực kỳ lớn. Hơn nữa nó cũng rất nguy hại đến phần đông giới trẻ bởi những câu chuyện kiểu như thế này sẽ thu hút “độ hóng” rất cao. Là nghệ sĩ, người có ít nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng thì nên cân nhắc trước khi đưa những thông tin lên mạng xã hội, nhất là những thông tin liên quan đến chuyện riêng tư cá nhân của người khác, đừng lạm dụng mạng xã hội”.

Còn theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, nghệ sĩ có ảnh hưởng rất lớn đến công chúng, nên những việc làm tốt, hình ảnh đẹp của nghệ sĩ sẽ dễ dàng truyền cảm hứng đến mọi người. Ngược lại, những thông tin chưa chính xác, thiếu minh bạch từ họ cũng tác động tiêu cực khi được lan truyền. “Nhìn nhận ở góc độ pháp lý thì mọi người được quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ của mình đối với các vấn đề xã hội. Pháp luật Việt Nam cũng cho phép công dân Việt Nam được sử dụng các mạng xã hội, được phép phát trực tiếp (livestream). Đồng thời ghi nhận quyền được tố cáo, tố giác, khiếu nại của công dân đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên hành vi livestream trên mạng xã hội để đấu tố, "bóc phốt"... như một số người trong đó có Nam Em đã làm thời gian qua là thực sự là những hành vi nguy hiểm, có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực".

Luật sư Đặng Văn Cường cũng đưa ra cảnh báo, không ít người “bóc phốt” người khác chỉ vì hiếu thắng, đã đưa những thông tin sai sự thật, lạm dụng các tính năng công nghệ, lạm dụng quyền tự do dân chủ để rồi phải trả giá bằng những năm tháng tù tội. Chính vì vậy, trong vụ việc này Nam Em và những người tham gia phát trực tiếp như vậy phải hết sức thận trọng khi đưa ra những thông tin, đặc biệt là những thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật hoặc thông tin liên quan đến đời tư cá nhân.

Và theo Luật sư Đặng Văn Cường, dù không trực tiếp nhắc đến tên tuổi một người cụ thể nào nhưng vẫn có thể bị xử lý hình sự: “Nam Em đã nói chệch âm nhưng những thông tin xung quanh đó mà có căn cứ xác định được người hướng đến là ai và người đó có đơn thư tố cáo, tố giác thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự mà không bắt buộc phải rõ mặt, rõ tên”.

Điều đáng tiếc, từ trước đến nay những lùm xùm trong việc phát ngôn, ứng xử của nghệ sĩ, giới giải trí Việt cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội không phải là chuyện hiếm. Cũng đã có những nghệ sĩ từng bị miễn nhiệm chức vụ vì phát ngôn thiếu chuẩn mực. Cũng đã có những người bị xử lý, nhưng những sự việc tương tự vẫn diễn ra mà mới nhất là Nam Em. Nguyên nhân thì có nhiều cả ở phía chủ quan và khách quan. Một trong những lý do được nhiều người đề cập là do chúng ta còn nhiều lỗ hổng trong việc kiểm soát không gian mạng, đặc biệt đối với các phiên livestream. Vì vậy, nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất cần phải có chế tài xử lý thật “mạnh tay” đối với những vụ việc “bóc phốt” thiếu kiểm chứng để ngăn chặn nó trở thành một trào lưu.

Về phía công chúng, cộng đồng dùng mạng xã hội cũng cần có thái độ hết sức rõ ràng, dứt khoát. Cần sử dụng quyền của mình để lên án, thậm chí “tẩy chay” những nghệ sĩ có những phát ngôn, ứng xử thiếu chuẩn mực, chứ không nên tặc lưỡi cho qua. Bởi, nếu công chúng dễ dàng buông lơi thì không khác nào chúng ta a dua, tiếp tay cho những sai phạm của nghệ sĩ.

Đồng tình rằng cần có khung pháp lý chặt chẽ, có chế tài mạnh, công chúng phát huy quyền và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, theo nhà báo Trương Anh Ngọc, điều quan trọng nhất là ý thức của các nghệ sĩ tự mình soi chiếu để từ đó có những điều chỉnh hành vi, ứng xử, phát ngôn không vi phạm quy định.

Hãy sử dụng mạng xã hội một cách hiểu biết và có trách nhiệm. Tự ý thức được xem là “bộ máy chỉ huy” cao nhất trong toàn bộ ý thức, nhận thức của con người nói chung và nghệ sĩ nói riêng. Với sự ảnh hưởng rộng rãi đến công chúng, nên những việc làm tốt, hình ảnh đẹp của nghệ sĩ sẽ dễ dàng truyền cảm hứng đến mọi người; ngược lại, những phát ngôn phản cảm, thông tin chưa chính xác từ họ cũng tác động tiêu cực khi được lan truyền. Những nghệ sĩ chân chính sẽ tự ý thức được điều này để có những ứng xử phù hợp, văn minh trên môi trường mạng xã hội, qua đó giúp người nghệ sĩ xây dựng được hình ảnh, uy tín, thương hiệu cho chính mình.

Từ khóa: Nghệ sĩ, livestream, bóc phốt, nhà báo, nhà văn, trương anh ngọc, Nghệ sĩ

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: thu hà/vov2

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập