Nghệ sĩ cải lương của "một thời hoa lửa": Sống thế nào cho xứng đáng
Cập nhật: 08/11/2024
Phim bán được nhiều vé chưa chắc đã có giá trị nghệ thuật
5.000 người nhảy flashmob lan tỏa thông điệp bảo vệ rừng và động vật hoang dã
VOV.VN - Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức toạ đàm giao lưu nhân chứng lịch sử “Đoàn cải lương Nam Bộ một thời hoa lửa” vào sáng 8/11 nhằm kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và chuyến tàu tập kết (1954-2024) và Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11).
Năm 1956, Đoàn Cải lương Nam Bộ được thành lập trên cơ sở tách ra từ Đoàn Văn công Nam Bộ.
Đoàn là nơi tập trung nhiều soạn giả, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên giỏi nghề và nhiệt huyết, đã tạo nên những tác phẩm gây tiếng vang như: Phụng Nghi Đình, Kiều Nguyệt Nga, Thạch Sanh, Võ Thị Sáu, Máu thắm đồng Nọc Nạn...
Suốt thời gian dài, Đoàn đã mang lời ca, tiếng hát đậm chất Nam Bộ phục vụ nhân dân miền Bắc.
Đạo diễn Thanh Hạp nhớ lại, năm 1954, lúc mới 12 tuổi, ông đã lên chuyến tàu ra miền Bắc.
Những năm tháng xa nhà, nhờ những anh chị em trong Đoàn thương yêu, đùm bọc mà có được ông ngày hôm nay, trong đó có thể kể đến NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch hay Nghệ sĩ Tấn Danh – thầy của những người thầy.
Ông kể, khi đó Đoàn đã đến diễn ở những nơi mà đoàn khác không đến và nhận được nhiều tình cảm của người dân.
Có những suất diễn máy bay địch đang lượn từ xa, mọi người xuống hầm trú ẩn, khi chúng rút lui, đoàn lại diễn tiếp.
“Chúng tôi phục vụ lại bà con bằng những tác phẩm đã có. Trong điều kiện cụ thể, chúng tôi cũng sáng tác để đáp lại sự nhiệt tình, yêu mến của bà con miền Bắc đối với đoàn Cải lương Nam Bộ", đạo diễn Thanh Hạp nói.
Còn NSƯT Lê Thiện kể, lúc ra Bắc, bà mới chỉ 11 tuổi. Một tháng bà cùng Đoàn diễn 29 đêm với 24 địa điểm khác nhau. Có những đêm diễn xong rồi 12 giờ đêm cùng mọi người khuân vác đồ, chuẩn bị cho địa điểm diễn ngày mai.
Diễn viên chính khi đó cũng phải đảm nhận nhiều chức năng cùng một lúc, vừa có thể hát tân nhạc, diễn hài kịch,… để phục vụ chiến trường. Gian khổ là thế nhưng tất cả mọi người đều đồng lòng mang lời ca tiếng hát của mình để phục vụ người dân và chiến trường.
Thời điểm đó, Đoàn Cải lương Nam Bộ thường nói với nhau rằng, dù đất nước chưa thống nhất, nhưng riêng Đoàn Cải lương Nam Bộ đã thống nhất ngay từ những năm đầu khi họ ra miền Bắc. Bởi lúc đó, lực lượng diễn viên không có nhiều, nhưng đã thành lập trường cải lương đầu tiên, tập hợp những con người đủ 3 miền Bắc -Trung -Nam.
Và đến khi miền Nam cần, bà đã chọn trở lại miền Nam để tiếp tục đóng góp sức mình:
“Tôi là người miền Trung đại diện cảm ơn những bạn miền Bắc cùng với tôi đã phối hợp với anh chị em Nam Bộ đã sống, làm việc và tạo danh hiệu Đoàn Cải lương Nam bộ, mà trước đây miền Bắc gọi là “anh cả đỏ”, làm tròn sứ mệnh của mình", NSƯT Lê Thiện cho hay.
Trong số những nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Nam Bộ khi đó, có những cái tên nổi tiếng, sau này trở thành những người dẫn đường cho nghệ thuật trong giai đoạn mới như: Hoàng Việt, Ngọc Bạch, Tám Danh, Can Trường, Quốc Hương, Hoàng Khanh, Ca Lê Hồng, Phi Điểu...
NSƯT Ca Lê Hồng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM nhớ lại, khi tham gia đoàn cải lương ra Bắc, bà mới chỉ 14, 15 tuổi. Mãi 20 năm sau bà mới trở lại.
Bà cho biết, những năm tháng rèn luyện, học tập ở Hà Nội đã giúp bà và rất nhiều anh chị em khác trưởng thành.
Theo bà, TP.HCM có rất nhiều sân khấu xã hội hoá, đó cũng là kết quả, công sức đào tạo mà nền móng chính là những thành viên của Đoàn Cải lương Nam bộ ngày đó.
Bà Hồng vẫn nhớ như in lần gặp Bác Hồ ở nhà sàn, nơi Bác làm việc. Bác đã dặn bà phải ráng học, phải có trình độ văn hoá để đủ sức nâng cao nghệ thuật biểu diễn của mình.
"Chúng tôi được đào tạo, nhắc nhở từ đầu hãy sống thế nào cho xứng đáng. Bởi chúng tôi đã lăn lộn nhiều năm tháng để xây dựng đoàn cải lương Nam Bộ, đi vào chiến trường, đi đến Vĩnh Linh, đến cả những vùng thiểu số Vân Kiều,…", NSƯT Ca Lê Hồng nhớ lại.
Từ khóa: cải lương, TP.HCM,cải lương,nghệ sĩ,cải lương Nam bộ
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: vũ hường- ctv nhã anh/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN