Nghệ nhân K’Bes truyền đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ
Cập nhật: 15/01/2020
Thùy Tiên, Diệu Nhi, Hà Anh Tuấn "đi bão" mừng Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024
Đêm nhạc "Ký ức Sao Mai" sôi động và đầy cảm xúc của Đoàn Hồng Hạnh
VOV.VN - Theo nghệ nhân K’Bes cồng chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người K’ho.
Hơn 30 năm gắn bó với văn nghệ quần chúng tại địa phương, kế thừa và phát huy truyền thống của gia đình, nghệ nhân K’ Bes không chỉ đưa tiếng cồng chiêng của người K’Ho ở bon Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vang xa, mà còn truyền niềm đam mê cồng chiêng cho những người trẻ trong vùng.
Với những nỗ lực và đóng góp của mình, năm 2019, nghệ nhân K’Bes vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đây không chỉ là niềm vinh dự cho bản thân nghệ nhân K’Bes mà còn là niềm vui chung cho cả bon Bồ Liêng.
Chủ tịch nước tặng Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho ông K' Bes. |
Nghệ nhân K’Bes kể, ông thấm tiếng cồng chiêng từ khi còn thơ dại, khi tiếng chiêng còn vang lên trong từng lễ tiết lớn nhỏ ở bon Bồ Liêng. Đến năm 12 tuổi, K’Bes đã có thể chơi thành thạo một sốbài chiêng truyền thống của người K’ho như mời khách, mừng nhà mới, mừng lúa mới. Mỗi khi buôn bon tổ chức lễ hội, ông luôn được chọn vào đội cồng chiêng.
Theo nghệ nhân K’Bes cồng chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người K’ho. Tiếng cồng, tiếng chiêng là ngôn ngữ giao tiếp của bà con buôn bon với thần linh và thế giới siêu nhiên. Đó là một phần hồn của buôn bon.
“Việc gìn giữ văn hóa truyền thống để tiếng cồng tiếng chiêng của ông cha mãi vang xa là trách nhiệm của cả cộng đồng. Mình nên giữ gìn từ cái ché, cái chiêng rồi dạy cho con cháu hiểu được giá trị văn hóa của dân tộc mình” - nghệ nhân K’Bes chia sẻ.
Để di sản văn hóa của cha ông không bị mai một, nghệ nhân K’Bes đã mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho nhiều người trẻ trong vùng. Hiểu được mong muốn của nghệ nhân K’Bes, các gia đình đã động viên con, cháu đến nhờ nghệ nhân chỉ dạy.
Chị K Phen một học trò xuất sắc trong lớp truyền dạy cồng, chiêng của nghệ nhân K'Bes. |
Là một trong nhiều học trò tham gia lớp học chiêng của nghệ nhân K’Bes, chị K Phen ở bon Bồ Liêng chia sẻ: Từ sự chỉ dạy của nghệ nhân K’Bes đến nay bản thân đã có thể đánh tất cả các bài chiêng của dân tộc mình. Cùng với đó, tôi đã động viên chồng và con gái cũng theo học lớp cồng chiêng và múa do nghệ nhân K’Bes truyền dạy. Mỗi lần có lễ hội gia đình tôi thường xuyên tham gia biểu diễn.
Chị K Phen cho biết: "Trong đội chiêng tôi có thể đánh được tất cả các cồng chiêng từ chiêng mẹ đến chiêng con. Tôi mong sẽ có nhiều người trẻ như tôi sau này sẽ tiếp tục biết diễn tấu cồng chiêng để bảo tồn di sản văn hóa của cha ông”.
Theo nghệ nhân ưu tú K’Bes, đây là nguồn động viên rất lớn, cổ vũ lớp trẻ tin yêu, gắn bó với cồng chiêng. Từ đó, các cháu có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn và gìn giữ.
“Chúng tôi đã mở rất nhiều lớp dạy cồng chiêng và thấy các cháu tiếp thu rất tốt, nhiều cháu có năng khiếu và rất tiến bộ. Qua việc truyền dạy này cho các cháu thấy được giá trị văn hóa của ông bà tổ tiên và có tính giáo dục cao. Mong rằng các cháu sẽ cố gắng học không bỏ và quên nghệ thuật diên tấu cồng chiêng của cha ông”.
Bộ Chiêng quý của gia đình nghệ nhân K' Bes. |
Ngoài truyền dạy đánh chiêng cho bà con dân bon, Nghệ nhân ưu tú K’Bes còn được các buôn bon khác và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lâm Hà mời dạy đánh cồng chiêng cho các em học sinh. Đến nay, nghệ nhân K’Bes đã dạy chiêng cho gần 700 thanh, thiếu, nhi dân tộc K’ho ở các địa phương của huyện Lâm Hà. Số lượng này đã góp phần để các bon K’ho trong huyện thành lập thêm được nhiều đội chiêng trẻ.
Bà Ka Pêch, Chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà cho biết: Không chỉ dạy các cháu trong vùng biết đánh cồng chiêng, múa, nghệ nhân K’Bes còn giảng giải về cội nguồn và vẻ đẹp của văn hóa cồng chiêng của ông cha. Chính điều này đã xây dựng cho thế hệ trẻ ý thức bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc K’ho.
Bà Ka Pêch cho biết: “Đối với nghệ nhân K’Bes, ông rất đam mê chỉ dạy cho các cháu thiếu nhi tận tình. Ông không quản ngại khó khăn, từ đó đã khơi dậy lại được niềm đam mê giúp cho bà con các buôn bon nâng cao ý thức trong việc gìn giữ các bộ cồng chiêng mà cha mẹ và ông bà để lại”.
Mùa xuân - mùa lễ hội ăn năm uống tháng của dân tộc K’Ho và các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên, mùa của tiếng chiêng nối dài qua các bon làng. Tiếng chiêng ấy sẽ không bao giờ dứt, khi được trao truyền từ thế hệ của nghệ nhân K’Bes đến những thế hệ tiếp sau./.
Từ khóa: cồng chiêng, cồng chiêng tây nguyên, nghệ nhân k'bes, truyền dạy cồng chiêng
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN