Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại như thế nào là trái pháp luật?
Cập nhật: 24/04/2020
VOV.VN - Điều 102, khoản 3, điểm q, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP thì hành vi "Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật" bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng.
Việc sử dụng điện thoại thông minh đã trở lên khá phổ biến. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 43,7 triệu người Việt Nam đang sử dụngđiện thoại thông minh (smartphone). Với các tính năng thông minh của điện thoại, người dùng có thể dễ dàng cài đặt các phần mềm ghi âm cuộc gọi (ghi âm đàm thoại).
Việc ghi âm cuộc gọi tạo ra tiện ích cho người sử dụng nhưng cũng tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn thông tin, nhất là trong trường hợp nội dung ghi âm được sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Ngoài ra, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các phần mềm nghe lén điện thoại, thiết bị theo dõi, ghi âm có thể dễ dàng mua được với giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Việc phát triển mạnh mẽ của các thiết bị này đã đe dọa trực tiếp tới quyền riêng tư của mỗi tổ chức, cá nhân.
Nghe, ghi âm cuộc gọi trái pháp luật bị phạt tới 20 triệu đồng. (Ảnh minh họa) |
Để quản lý tốt vấn đề này, vừa qua Chính phủ đã ban hành nghị định số 15/2020/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”. Bộ Luật hình sự năm 2015 cũng quy định về việc xử lý hình sự đối với hành vi “Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật” tại Điều 159 – BLHS.
Về vấn đề này luật sư Đỗ Minh Hiển, văn phòng Luật sư JVN (đoàn luật sư Hà Nội) thông tin: Theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 159, Bộ Luật hình sự thì người nào thực hiện hành vi “Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật” mà trước đó đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đến 50 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Trong trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 159 BLHS: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Làm nạn nhân tự sát, thì người phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất đến 03 năm.
Còn theo quy định tại Điều 102, khoản 3, điểm q, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP thì hành vi"Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật" bị xử phạt từ 10 triệu đồngđến 20 triệu đồng.
Vậy, thế nào là hành vi nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật. Theo luật sư Hiển, đó là các hành vi nghe lén thông qua các thiết bị thông minh cuộc đàm thoại của người khác; lắp đặt thiết bị ghi âm tại nơi công cộng, khách sạn, hoặc cơ quan, tổ chức với mục đích ghi âm các cuộc đàm thoại của người khác khi không được sự cho phép của cơ quan nhà nước….
Ví dụ : Mặc dù không được sự cho phép của chủ tọa phiên tòa nhưng A vẫn thực hiện hành vi ghi âm buổi xét xử tại tòa án; người nào đó có hành vi lắp đặt thiết bị ghi âm tại phòng giám đốc công ty nơi người này làm việc để ghi âm và nghe lén các cuộc đàm thoại của giám đốc với đối tác; hay có hành vi lắp thiết bị ghi âm tại phòng nghỉ của khách sạn để ghi âm đàm thoại của khách đến nghỉ….Đối với các hành vi này, khi chủ thể thực hiện xong hành vi nghe, ghi âm trái pháp luật là đủ căn cứ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị thông minh như máy tính bảng, điện thoại thông minh thì còn có một hình thức ghi âm đó là ghi âm cuộc gọi trên điện thoại được sử dụng phổ biến trên các điện thoại thông minh. Khi sử dụng phần mềm ghi âm cuộc gọi trên điện thoại thông minh, người gọi, hoặc người nghe cuộc gọi có thể ghi âm cuộc đàm thoại trên chính điện thoại của mình. Vậy, hành vi này có được coi là hành vi “ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật” và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP?
Về vấn đề này, theo luật sư Hiển có hai quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất : Nếu xác định hành vi "ghi âm" cuộc gọi điện thoại là trái pháp luật thì ngay thời điểm người thực hiện thực hiện hành vi này mà không được sự đồng ý của người tham gia đàm thoại sẽ được coi là hành vi vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 15-CP. Quan điểm này coi sự đồng ý song phương của người ghi âm và người bị ghi âm là cần thiết. Khi không có sự đồng ý của người bị ghi âm thì việc ghi âm cuộc gọi là bất hợp pháp.
Quan điểm thứ hai : Việc "ghi âm" cuộc gọi điện thoại sẽ bị coi là trái pháp luật khi người ghi âm sử dụng nội dung ghi âm vào những mục đích trái pháp luật như tiết lộ thông tin cuộc ghi âm để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác như : hạ thấp uy tín của người khác, xúc phạm người khác, tiết lộ bí mật cá nhân hoặc bí mật kinh doanh của doanh nghiệp……mới được coi là trái pháp luật và là đối tượng xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Luật sư Đỗ Minh Hiển, văn phòng Luật sư JVN |
Trong trường hợp này, theo luật sư Hiển quan điểm thứ hai sẽ hợp lý và phù hợp với các quy định của các ngành luật khác. Cụ thể như sau: Theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 87Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 thì nguồn chứng cứ là Dữ liệu điện tử: “Điều 99- Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác.Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác".
Như vậy, dữ liệu điện tử bao gồm dữ liệu" âm thanh" được thu thập từ "phương tiện điện tử" theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự được coi là nguồn của chứng cứ trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
“Theo quy định tại khoản 1, Điều 94Bộ Luật tố tụng dân sự thì Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây : "Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử". Khoản 2, Điều 95 quy định về Xác định chứng cứ trong đó: "Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó"- Luật sư Hiển giải thích thêm.
Như vậy, dữ liệu ghi âm cũng được Bộ Luật tố tụng dân sự quy định là nguồn của chứng cứ trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự. Hai Bộ luật lớn về tố tụng : Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật tố tụng dân sự đều quy định về nguồn của chứng cứ trong đó có quy định dữ liệu ghi âm là một nguồn của chứng cứ. Điều này cho thấy, các nhà làm luật đã xác định tầm quan trọng của nguồn chứng cứ này trong điều kiện hiện nay.
Về ghi âm trong tác nghiệp báo chí, luật sư Hiển cho hay, Luật Báo chí năm 2016, mặc dù không có quy định cụ thể về việc ghi âm của nhà báo khi thực hiện phỏng vấn nhưng có quy định tại khoản 2 Điều 25 về quyền của nhà báo, Điều 40 về trả lời phỏng vấn trên báo chí theo đó việc ghi âm là một phương tiện phục vụ tác nghiệp của nhà báo nhằm đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng báo chí nhưng nhà báo phải tuân thủ đúng các quy định của Luật báo chí khi thực hiện và sử dụng dữ liệu ghi âm ( nội dung phỏng vấn ). Như vậy, việc ghi âm cuộc gọi nếu được sử dụng đúng mục đích phù hợp với quy định của pháp luật thì không thể là đối tượng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Trở lại với quy định tại Điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi:"Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật", Luật sư Hiển, thấy rằng cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để vừa đảm bảo an toàn thông tin trong bối cảnh hiện nay, đồng thời , đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật./.
Từ khóa: nghe lén điện thoại, ghi âm đàm thoại trái luật, Nghị định số 15, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN