Ngày hội phát thanh 'mang đậm hơi thở cuộc sống hiện đại'
Cập nhật: 22/06/2020
Mỗi kỳ liên hoan phát thanh không chỉ là dịp tôn vinh cá nhân, tập thể có tác phẩm báo chí chất lượng đoạt giải mà còn là dịp để giao lưu, chia sẻ nghiệp vụ...
Theo Ban tổ chức, các tác phẩm phát thanh tham dự liên hoan lần này được đầu tư, thực hiện công phu, bài bản; nhiều tác phẩm báo chí có tính dự báo, cảnh báo cao, tập trung phản ánh công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, địa phương, mang đậm hơi thở cuộc sống. Liên hoan phát thanh (LHPT) lần này đã chọn 231 tác phẩm vào vòng chung khảo, trong đó có 53 phóng sự, 36 phỏng vấn, 48 chương trình phát thanh chuyên đề/talk show, 33 câu chuyện truyền thanh và 31 chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc và 30 chương trình phát thanh trực tiếp tham dự LHPT.
Trước ngày “khai hội” lần thứ XIV -2020, phóng viên Báo TNVN đã ghi lại những cảm nhận cùng công tác chuẩn bị cho ngày hội của những người làm phát thanh tại VOV vàcác Đài địa phương.
Phóng viên Ban Phát thanh Dân tộc Đài TNVN tác nghiệp tại huyện Simacai, Lào Cai
Ông Tạ Đức Toàn, Giám đốc Ban phát thanh dân tộc (VOV4):Tác phẩm dự thi được thực hiện rất công phu, bài bản
Năm nay có một điểm khác biệt lớn là Đại hội đồng Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (ABU) lần thứ 57 sẽ được tổ chức tại Việt Nam nên chúng tôi đã đầu tư cho các chương trình phát thanh rất bài bản, công phu để có một chương trình chất lượng vừa tham dự LHPT toàn quốc vừa tham dự cả giải ABU.
Các tác phẩm tham gia liên hoan đều bám rất sát vào tình hình thời sự của đất nước nói chung cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. VOV4 có 3 thể loại được vào chung kết đó là thể loại: Tổng hợp, phóng sự và phỏng vấn.
Phóng sự “Bản Trắng” đề cập đến hệ lụy của thủy điện nhỏ khi nó phá vỡ hết sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho họ phải đi tha hương, kiếm công việc làm. Và đến khi xảy ra dịch Covid-19, nhiều bà con ta lao động ở Trung Quốc phải quay trở về quê hương thì đã lộ ra con số đồng bào bị thất nghiệp.
Những con số đó đã nói lên rất nhiều điều về những hệ lụy, như: thủy điện nhỏ ngăn chặn biến ruộng nương thành sa mạc hóa vì khô cằn, thiếu nước. Và giờ đây khi có dịch họ không thể đi tha hương kiếm việc được nữa. Đây chính là điều kiện để chúng tôi thực hiện phóng sự “Bản Trắng” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp giáp Trung Quốc một cách chân thực nhất.
Với Chương trình phát thanh chuyên đề “Mùa xuân gặp gỡ những sứ giả văn hóa” - những người có công truyền bá văn hóa của Việt Nam, của các dân tộc thiểu số Việt Nam ra với bạn bè quốc tế.
Có thể nói, những tác phẩm dự thi lần này của hệ VOV4 được thực hiện rất công phu, bài bản nên chất lượng chuyên môn rất tốt và chúng tôi cũng rất hy vọng được giải cao trong LHPT lần này.
Ông Phan Xuân Luật, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên:Tích hợp để phục vụ nhucầu khán thính giả
Khi tham gia chấm vòng sơ khảo khu vực miền Trung, Tây Nguyên, tôi thấy chất lượng tác phẩm dự thi năm nay khá đồng đều và nâng cao chất lượng so với những liên hoan trước do các Đài tập trung đầu tư. Đặc biệt là các đài đã khai thác được lợi thế, thế mạnh ngôn ngữ đặc thù của phát thanh trong tác phẩm báo chí. Nhiều tác phẩm rất sáng tạo và nổi bật là lớp trẻ hiện nay đã tiếp cận được công nghệ và xu thế của phát thanh hiện đại. Họ đã có những tác phẩm thể hiện sự chững chạc về nghề, về bản lĩnh chính trị, cũng như nghiệp vụ kỹ thuật của người làm báo phát thanh hiện đại.
Đài PT-TH Phú Yên tham gia với 5 thể loại, trong đó có 4 thể loại được vào chung khảo, riêng với thể loại chương trình phát thanh trực tiếp (CTPTTT) thì chúng tôi đang tập trung đầu tư, cố gắng tiếp cận xu thế phát thanh hiện đại. Đợt liên hoan lần này, anh em hết sức nỗ lực cố gắng coi như đây là cuộc chơi, quan trọng qua đó để khẳng định mình, tiếp cận với xu thế của làm báo phát thanh hiện đại, trong đó CTPTTT được coi là thể loại “đinh” trong mỗi kỳ liên hoan. Điều đáng nói, để có nội dung tốt, anh em rất có ý thức khi lựa chọn đề tài.
Bên cạnh đó, đây là năm đầu tiên LHPT có thêm thể loại phỏng vấn, nên ở thể loại này chúng tôi đã thể hiện sự đổi mới sáng tạo, vượt qua lối mòn phỏng vấn truyền thống trước đây.
Trong những năm qua, Đài PT-TH Phú Yên không chỉ dừng ở việc phát trực tiếp qua sóng phát thanh mà còn phát sóng lên vệ tinh và Trang thông tin điện tử của Đài cũng phát sóng hằng ngày. Tất cả CTPT của Đài sau khi phát sóng còn phát qua các nền tảng công nghệ số, mạng internet - bởi xu thế hiện nay “Thế giới trong lòng bàn tay”, nhờ tích hợp nhiều phương tiện nên khán thính giả có thể xem, nghe Đài PT-TH Phú Yên mọi lúc, mọi nơi.
Không kỳ vọng nhiều về giải thưởng, đoạt giải cao thì mừng nhưng đó không phải là mục tiêu của chúng tôi vì liên hoan là dịp để ta nhìn nhận lại mình, được tham gia để biết mặt bằng của phát thanh nước ta hiện nay, xu thế phát thanh hiện đại của thế giới thế nào? Từ đó chúng ta xác định được hướng đi, đầu tư đúng đắn cho mình để tiếp tục phát triển loại hình báo nói…
Bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Giám đốc Đài TP-TH Phú Thọ:Anh em được hòa mình vào dòng chảy chung của phát thanh
Để chuẩn bị tham gia ngày hội lần này, chúng tôi bám sát vào chủ đề của LHPT năm nay: “Phát thanh - đổi mới và đa dạng”, phản ánh toàn diện công cuộc đổi mới của đất nước thì tất cả tác phẩm phát thanh tập trung vào phản ánh những lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm nay, hòa chung với không khí thi đua kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam nên không khí tổ chức sản xuất các CTPT tham gia liên hoan rất khí thế và có nhiều đổi mới. Đây là cơ hội để chúng tôi làm hết sức mình và để anh em có điều kiện cọ xát. Năm nay rất vinh dự cho Đài PT-TH Phú Thọ có 6 CTPT dự thi thì 4 CTPT được lọt vào chung khảo. Chúng tôi lựa chọn các tác phẩm xuất sắc, sau đó tập trung ê kíp là những phóng viên có kinh nghiệm làm phát thanh để tiếp tục nâng cao chất lượng kịch bản, tổ chức sản xuất chương trình.
Riêng đối với CTPTTT cũng được đầu tư khá công phu, bài bản, nội dung năm nay đề cập một vấn đề xã hội đang nảy sinh trên địa bàn có diễn biến hết sức phức tạp, đó là những mâu thuẫn từ trong gia đình dẫn đến vụ án mạng rất đau lòng. Đây là bài học để nhắc nhở mỗi người trong mối quan hệ gia đình cũng cố gắng hiểu biết, chia sẻ và đồng cảm cũng như biết kiểm soát cảm xúc của bản thân để tránh những hậu đáng tiếc trong gia đình ở Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung. Đó là những nội dung được tập trung đầu tư, hy vọng mang lại kết quả tốt trong liên hoan năm nay.
Chúng tôi kỳ vọng tác phẩm của mình mang được bản sắc của địa phương, tức là phản ánh những nét đổi mới của tỉnh Phú Thọ trong hành trình đổi mới và hội nhập của cả nước để cũng giới thiệu với khán thính giả trong cả nước. Năm nay, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức cho trưởng Đài truyền thanh cấp huyện thị tham gia liên hoan này để anh em hòa mình vào dòng chảy chung của phát thanh và cũng có thêm kinh nghiệm, kỹ năng giao lưu với các đài bạn trong đổi mới công tác tổ chức sản xuất CTPT.
Để cạnh tranh, khẳng định chỗ đứng trong bối cảnh truyền thông hiện đại không ngừng thay đổi, thì hiện nay các đài địa phương cũng có xu thế tích hợp đa phương tiện trong cùng một nền tảng công nghệ số đã được ứng dụng. Ví dụ như Đài PT-TH Phú Thọ thì chúng tôi đăng tải CTPT lên website và cả phát thanh nên thính giả có vừa có thể xem và nghe luôn.
Ở Phú Thọ, hệ thống phát thanh từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm chú trọng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng dành rất nhiều sự quan tâm cho truyền thanh cơ sở, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 càng khẳng định rõ hơn vai trò của phát thanh nói chung và truyền thanh cơ sở nói riêng trong việc tuyên truyền phổ biến các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp Luật của Nhà nước, các khuyến cáo dịch bệnh đến với người dân địa phương thông qua hệ thống truyền thanh ngày càng rõ nét. Cho nên chúng ta cần có những giải pháp để tăng cường truyền thanh cơ sở, để cả hệ thống phát thanh 4 cấp từ trung ương, tỉnh, huyện, xã được đồng bộ sẽ giúp cho công tác truyền thông nói chung và phát thanh của chúng ta phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn.
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Đài PT-TH Lâm Đồng:Cơ hội để các đài học hỏi lẫn nhau
Là một trong những thành viên ban giám khảo chấm thể loại chuyên đề, tôi thấy các tác phẩm dự thi năm nay có chất lượng rất cao. Đề tài được khai thác ở nhiều góc cạnh khác nhau và kỹ năng tác nghiệp đã khai thác rất hiệu quả thế mạnh của phát thanh hiện đại.
Liên hoan là cơ hội để các đài học hỏi lẫn nhau, một số đài lớn có tác phẩm xứng đáng để học tập. Trong xu thế hiện nay để cạnh tranh với loại hình báo chí khác thì phát thanh cũng không thể đứng ngoài cuộc. Thông qua LHPT toàn quốc và nội dung các hội thảo tại nghiệp vụ sẽ diễn ra trong khuôn khổ liên hoan, tôi thấy quan điểm của lãnh đạo Đài TNVN rất rõ: Làm sao đó để làm phát thanh trong xu thế hiện nay phải thật hiện đại, khắc phục được hạn chế và phát huy tối đa mặt mạnh để phát thanh trở thành một kênh tiện ích cung cấp thông tin cho người dân.
Bà Vũ Kiều Oanh, Phó Giám đốc Đài PT-TH Lạng Sơn:Phát thanh rất có hiệu quả với đồng bào dân tộc
Năm nay, Đài PT-TH Lạng Sơn chuẩn bị rất kỹ để tham gia liên hoan nên có 3 tác phẩm lọt được vào chung khảo. Ở thể loại phỏng vấn, chúng tôi lựa chọn chủ đề thu hút được sự quan tâm của người dân trên địa bàn như đấu tranh chống thực phẩm bẩn vận chuyển qua biên giới. Còn với CTPT chuyên đề thì lựa chọn chủ đề bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc là Hát Sli - một giá trị văn hóa độc đáo của người Nùng tỉnh Lạng Sơn đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tuy nhiên nó rất khó phổ biến cho việc bảo tồn đang là một vấn đề cấp thiết.
Phóng viên Đài PT-TH Lạng Sơn tác nghiệp trong đợt dịch Covid-19.
Với lợi thế “rộng và không giới hạn” nên phát thanh rất có hiệu quả với đồng bào dân tộc, bởi thông tin rất nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, đặc biệt khi tham gia vào việc xử lý các tình huống khẩn cấp như: thiên tai, tai nạn hay như thời điểm dịch Covid-19, vai trò của phát thanh đã được khẳng định rõ nét khi đi sát với thực tế và phản ánh kịp thời các văn bản chỉ đạo cuarlanhx đạo tỉnh, các hướng dẫn phòng chống dịch của ngành y tế đến với bà con dân tộc, góp phần hạn chế nguy cơ lây nhiễm... Để nâng cao chất lượng các CTPT, Đài rất chú trọng đầu tư cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên làm phát thanh, tổ chức tập huấn tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, cũng đang xây dựng đề án tăng thời lượng và nâng cao chất lượng của CTPT của địa phương...
Ông Tạ Văn Dương, Giám đốcĐài PT-TH Bắc Giang: Đổi mới chương trình phát thanh để tiếp cận gần hơn với thính giả
Trong kỳ LHPT lần này, những tác phẩm được Đài lựa chọn tham gia không chỉ được đầu tư kỹ càng mà còn có nội dung tốt, cách thể hiện mới mẻ, hấp dẫn bạn nghe đài. Về mặt nội dung, tác phẩm đã phản ánh được những vấn đề mang tính thời sự, liên quan trực tiếp và có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống của người dân, đồng thời, bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong chương trình phát thanh chuyên đề, chúng tôi đã chọn đề tài “Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính” - phản ánh về những vấn đề đặt ra trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hiện nay. Cụ thể, đó là tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức đi muộn, về sớm, tự ý bỏ nhiệm sở, uống rượu bia trong buổi trưa giờ làm việc, tác phong thiếu chuẩn mực, làm ảnh hưởng tới hình ảnh người cán bộ Nhà nước.
Tuy nhiên, đây cũng là một đề tài khá nhạy cảm. Để tác phẩm được thể hiện tốt, tránh sự đơn điệu, chúng tôi kết hợp nhiều hình thức thể hiện trong chương trình: Từ Vox-pop, tin tiếng động, phóng sự, phỏng vấn trực tiếp lẫn gián tiếp. Đồng thời, tăng cường sử dụng các âm thanh, tiếng động, yêu cầu phóng viên dẫn tin trực tiếp tại hiện trường.
Cùng với đó, chúng tôi cũng lần đầu tiên đổi mới kết cấu chương trình, sử dụng các đoạn trailer giới thiệu, quảng bá chương trình đan xen giữa các phân đoạn, vừa để khán giả có thời gian thư giãn, vừa tạo sự ngắt quãng tạm thời, giúp chương trình bớt căng thẳng và có sức hút hơn đối với người nghe. Đặc biệt, các biên tập viên chọn cách dẫn dắt chương trình, trao đổi với khách mời một cách gần gũi, tự nhiên nhất, tạo sức hấp dẫn cho chương trình trong suốt 30 phút.
Đối với Đài PT-TH Bắc Giang, mỗi kỳ tham gia Liên hoan là mỗi lần chúng tôi nỗ lực thử nghiệm những cách làm mới cho chương trình phát thanh. Mục tiêu lớn nhất mà chúng tôi hướng tới đó là tạo điều kiện để đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Đài ngày một nâng cao trình độ, nghiệp vụ, học hỏi và ứng dụng ngày một tốt hơn các kỹ năng làm phát thanh hiện đại. Qua đó, giúp cho các tác phẩm phát thanh có chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người dân cũng như tiếp cận gần hơn với bạn nghe đài.
Quốc Hưng - Thu Hằng
Từ khóa:
Thể loại: Tin hoạt động VOV
Tác giả:
Nguồn tin: R&D