“Ngáo đá” giết người và sự băn khoăn về quản lý người nghiện

Cập nhật: 21/02/2020

VOV.VN - Với trạng thái tâm thần bất ổn, người nghiện “ma túy đá” lâu năm có thể trở thành mối nguy hiểm rình rập đối với cộng đồng.

Dư luận xôn xao trước vụ việc nghệ sĩ ưu tú Vũ Mạnh Dũng (SN 1978, Phó đoàn trưởng đoàn ca kịch Nhà hát Nhạc vũ Kịch Việt Nam) bất ngờ bị anh vợ “ngáo đá” đâm chết tại nhà.

Anh Dũng ra đi để lại vợ và 4 con nhỏ, trong đó bé nhỏ nhất mới vài tháng tuổi.

"ngao da" giet nguoi va su ban khoan ve quan ly nguoi nghien hinh 1
Khống chế hung thủ Dương Quang Bình. (Ảnh: Anh Hiệp)

Trường hợp của NSƯT Vũ Mạnh Dũng chỉ là một trong rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra do người “ngáo đá” gây ra. Theo thống kê năm 2019, cả nước có 224.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý. Trên thực tế, con số người nghiện còn lớn hơn nhiều. Nhưng mới có khoảng 10% số người nghiện ma tuý được đưa vào các cơ sở cai nghiện ma tuý tập trung.

Như vậy còn tới hơn 200.000 người nghiện đang sống trong cộng đồng. Con số này là mối tiềm ẩn những nguy hiểm đối với người sống xung quanh. Bởi nhiều loại ma túy như “ma túy đá” có tác dụng tác động mạnh đến thần kinh, khi lên cơn “ngáo” người nghiện sẽ không kiểm soát được hành vi bản thân.

Theo ông Nguyễn Duy Dũng (nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin - nay là Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế; hàng xóm của nghệ sĩ Vũ Mạnh Dũng) bày tỏ băn khoăn về việc không kiểm soát được người nghiện trong cộng đồng.

“Khi kiểm tra hồ sơ của hung thủ Dương Quang Bình (anh rể nạn nhân Vũ Mạnh Dũng), tôi phát hiện anh này không chỉ nghiện mà còn có hồ sơ nội trú ở bệnh viện Tâm thần trung ương. Kể cả những bệnh và tâm thần hay nghiện lâu năm, khi ra ngoài xã hội đều rất nguy hiểm. Bởi chúng ta không biết lúc nào mà lường khi họ phát bệnh hay "phát cơn"”- ông Nguyễn Duy Dũng nói.

Ông Nguyễn Duy Dũng (nguyên Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin - nay là Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế). (Ảnh: Trọng Phú)

Cũng theo ông Dũng, dù biết được thực trạng là như vậy nhưng việc quản lý toàn bộ người nghiện trong cả nước theo kiểu tập trung, hiện đang là một việc khó khả thi.

“Theo tôi được biết, để quản lý tất cả người nghiện trên cả nước theo dạng tập trung thì hiện nay chúng ta không đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, y bác sĩ để kiểm soát được toàn bộ. Không chỉ Việt Nam mà nước nào cũng như vậy. Cuộc chiến với ma túy là cuộc chiến kéo dài. Phần thắng sẽ thuộc về chúng ta nhưng tôi nghĩ không phải là chiến thắng một cách tuyệt đối” - ông Dũng bày tỏ.

Theo giám định pháp y, nghệ sĩ Vũ Mạnh Dũng bị đâm vào sườn dẫn đến tử vong. Khi bị đâm, anh Dũng hoàn toàn bất ngờ không đề phòng với hung thủ là anh vợ mình đang lên cơn “ngáo đá”. Yếu tố “bị bất ngờ” cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cái chết thương tâm của nghệ sĩ Vũ Mạnh Dũng.

Nói về các biểu hiện của “ngáo đá” để người dân đề phòng, Thượng tá Hà Văn Huy (Trưởng phòng Phòng ngừa đấu tranh, chống tổ chức sử dụng chất ma túy trái phép, Bộ Công an) cho biết: “Mọi người có thể nhận biết “ngáo đá” thông qua các biểu hiện như sụt cân nhiều do chán ăn, dáng điệu uể oải, mắt thâm quầng, môi thâm... Quan sát kỹ thấy người nghiện hay gãi mặt, nghiến răng hoặc co giật mí mắt. Ma túy đá cũng tác động xấu đến răng lợi như làm ố vàng hoặc sâu răng, gây đỏ và loét lợi”.

Cũng theo Thượng tá Hà Văn Huy, trên thực tế số người cai nghiện thành công là không cao. Điều quan trọng nhất là ý chí và sự quyết tâm của chính người nghiện và sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình và xã hội, tránh kỳ thị, nếu có những yếu tố đó thì ít nhiều số người nghiện cũng sẽ được giảm đi./.


Từ khóa: ngáo đá, ma túy đá, Vũ Mạnh Dũng, giết người, cơ quan công an

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập