Ngành giao thông làm gì để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công?
Cập nhật: 22/08/2024
VOV.VN - Đến hết tháng 7/2024, Bộ GTVT đã giải ngân được gần 31 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 49% kế hoạch được giao và kéo dài, cao hơn so với mức tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (31,6%).
6 tháng cuối năm ngành giao thông được giao vốn bổ sung 13.220 tỷ đồng, như vậy từ nay đến hết tháng 1/2025 Bộ GTVT sẽ phải giải ngân số vốn hơn 45 nghìn tỷ đồng, trong khi từ nay đến cuối năm là mùa mưa bão ở miền Trung.
Bởi vậy dư luận đang lo ngại tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của bộ này. Vậy ngành giao thông sẽ làm gì để tăng tốc giải ngân trong những tháng cuối năm?
Ghi nhận tại dự án thành phần cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, tranh thủ thời tiết nắng ráo các nhà thầu đã bố trí 44 mũi thi công, với 1.753 máy móc, thiết bị và gần 5 nghìn nhân sự dồn lực thi công bù tiến độ, tăng tốc giải ngân. Đến hết tháng 7, sản lượng xây lắp của dự án đạt khoảng 5.200 tỷ đồng đạt gần 39% và đã giải ngân được hơn 2 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn 2024 đầu năm được giao, đạt kế hoạch giải ngân 56,55%; 6 tháng cuối năm Bộ GTVT đã giao bổ sung 815 tỷ đồng cho dự án.
Ông Bùi Nhật Hiển, Giám đốc điều hành dự án cho biết, đây là thách thức không nhỏ đối với dự án, bởi khoảng 1 tháng nữa mùa mưa bão ở miền Trung sẽ bắt đầu, việc đắp nền đường, rải thảm sẽ gặp nhiều khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đơn vị đã chỉ đạo nhà thầu bổ sung các dây chuyền thi công đắp nền đường theo hình thức cuốn chiếu, chuẩn bị vật liệu và lắp đặt các trạm trộn bê tông xi măng, bê tông nhựa, sẵn sàng triển khai công tác móng mặt đường và thảm bê tông nhựa.
Ông Bùi Nhật Hiển cho biết: "Mùa mưa sắp đến, Ban đang chỉ đạo các nhà thầu trên hiện trường duy trì phần đắp nền, đối với những đoạn đắp gần hoàn thành thì tập trung máy móc thiết bị thi công cuốn chiếu từng đoạn, khẩn trưởng rải cấp phối đá dăm, cấp phối đá dăm gia cố xi măng và sẽ thảm thử bê tông nhựa từ 1-2 đoạn xong trước mùa mưa. Hiện nay các điều kiện chuẩn bị cho thảm thử bê tông nhựa rỗng C25, cấp phối đá dăm cũng đã được tập kết, các trạm trộn đã được lắp đặt, đã thảm thử và đã có kết quả, sau khi có công địa của lớp K98 có thể rải đại trà".
Về khó khăn của dự án, ông Bùi Nhật Hiển cho biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn vướng 22 vị trí đường điện hạ thế, đường dây viễn thông và tại đầu tuyến đang vướng 1 trạm BTS viễn thông chưa được di dời.
Bên cạnh đó, đây là thời kỳ cao điểm thi công nền đường, nên số lượng phương tiện vận chuyển vật liệu phục vụ công trường tăng lên đáng kể, mặc dù nhà thầu đã bố trí xe tưới nước rửa đường để hạn chế bụi nhưng không tránh khỏi bụi bặm và tiếng ồn.
Trước sức ép từ phía người dân, các xe vận chuyển vật liệu chỉ được hoạt động từ 5h-17h, việc thi công cũng chỉ kéo dài đến 20h hàng ngày, đây là đường găng, cản trở tiến độ của dự án.
Theo ông Lê Thắng, GĐ Ban QLDA 2, đến hết tháng 7 đơn vị đã giải ngân được 48%, vừa qua Bộ GTVT đã giao bổ sung hơn 1 nghìn tỷ đồng cho 2 dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn và Chợ Mới – Bắc Kạn. Vì vậy áp lực giải ngân trong những tháng cuối năm rất lớn, buộc đơn vị phải chỉ đạo các nhà thầu điều chỉnh kế hoạch thi công, cùng địa phương tháo gỡ các vướng mắc trên công trường: "Để thúc đẩy giải ngân chúng tôi yêu cầu nhà thầu bổ sung thêm máy móc, nhân lực thi công ngày đêm; nhà thầu phụ nào mà yếu kém chúng tôi yêu cầu nhà thầu chính phải thay thế ngay, không để xảy ra tình trạng chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giải ngân và tiến độ. Chúng tôi cũng yêu cầu nhà thầu lập kế hoạch chi tiết trong những tháng cuối năm để đảm bảo giải ngân và tiến độ, làm sao đến cuối năm đạt giá trị sản lượng dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn 60%"
Vừa qua Ban QLDA Thăng cũng được giao bổ sung gần 2 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm; cùng với nguồn vốn được giao đầu năm là 4.650 tỷ đồng, tổng số vốn được giao trong 2024 là gần 6.650 tỷ đồng.
Ông Hồ Ngọc Loan, Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, số vốn bổ sung này Ban sẽ giải ngân cho các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 và một số hạng mục còn dở dang của các dự án cao tốc giai đoạn 1, phấn đấu giải ngân hết số vốn đã giao đầu năm và vốn bổ sung: "Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị nhà thầu lập lại kế hoạch tiến độ thi công, lập lại kế hoạch tổ chức thi công, tăng thêm thiết bị máy móc và nhân sự, tăng thêm các mũi thi công để đảm bảo kế hoạch điều chỉnh này. Mặt khác để giải ngân nguồn vốn này các đơn vị từ Ban QLDA Thăng Long đến tư vấn giám sát và các nhà thầu đều phải bổ sung, tăng cường thêm nhân sự ở bộ phận nội nghiệp để kịp thời nghiệm thu thanh toán".
Mới đây Ban QLDA 6 cũng được giao bổ sung hơn 1.400 tỷ đồng, cùng với vốn giao đầu năm 9.150 tỷ đồng, tổng vốn được giao trong năm 2024 là hơn 10.500 tỷ đồng. Để hấp thụ được lượng vốn lớn, đi kèm với chất lượng giải ngân đơn vị đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng tháng, phấn đấu đưa 2 dự án cao tốc Vũng Áng – Bùng, Bùng - Vạn Ninh về đích dịp 30/4/2025, rút ngắn 6 tháng so với kế hoạch.
Hiện 2 dự án đã thảm bê tông nhựa đạt khoảng 35km, các lớp móng mặt đường đạt gần 50%, một số vị trí đường găng tiến độ như xử lý nền đất yếu và cầu cấp đặc biệt đang được các nhà thầu tập trung giải quyết.
Ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban QLDA 6 khẳng định: "Để đat được mục tiêu thông xe vào 30/4/2025 Ban QLDA cùng với các nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát lập lại tiến độ chi tiết từng tháng. Ví dụ hiện nay chúng tôi đã gần hoàn thành phần nền đường, việc thi công móng mặt đường và các công việc khác mặc dù vẫn bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa bão ở miền Trung nhưng vẫn có thể tranh thủ thời tiết theo tinh thần vượt nắng thắng mưa để thực hiện. Chúng tôi tự tin xây dựng kế hoạch và đảm bảo giải ngân theo chỉ đạo cảu Bộ trưởng là cố gắng giải ngân 100% nguồn vốn được giao năm 2024, bao gồm cả vốn bổ sung"
Trong khi đó tại Dự án thành phần 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với chiều dài 37km nhưng có tới 4 hầm và 38 cầu, việc thi công gặp nhiều khó khăn bởi địa hình núi non hiểm trở, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cũng gặp nhiều trở ngại và hiện lại đang là mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên nên việc thi công khá vất vả, tuy nhiên hiện các nhà thầu đã triển khai nhiều giải pháp, dự án cơ bản bám sát tiến độ xây lắp và giải ngân.
Đầu năm 2024 Bộ GTVT được giao gần 59,3 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn, cùng với số vốn được kéo dài và nguồn vốn bổ sung 6 tháng cuối năm, tổng kế hoạch giải ngân năm 2024 là hơn 75,8 nghìn tỷ đồng.
Nhiệm vụ giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024 đang tiềm ẩn nhiều thách thức, để đáp ứng mục tiêu giải ngân Bộ GTVT đang chỉ đạo các Ban QLDA bám sát hiện trường, kịp thời xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Từ khóa: giải ngân, ngành giao thông, tăng tốc, giải ngân, vốn đầu tư công
Thể loại: Xã hội
Tác giả: hoàng hà/vov-giao thông
Nguồn tin: VOVVN