Ngành Giáo dục phải cơ cấu lại giáo viên sao cho hiệu quả, tiết kiệm
Cập nhật: 28/08/2021
Bắt quả tang nhiều người dùng muỗng cà phê làm vật quy đổi khi đánh bạc
Vụ xe đâm tử vong bé 17 tháng tuổi trong nhà ở Tuyên Quang: Lấy mẫu máu nam tài xế
[VOV2] - Ngày 28/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị.
Phản ánh của địa phương về vấn đề thiếu giáo viên
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, triển khai Chương trình, SGK mới, tỉnh Kon Tum thiếu 1696 biên chế giáo viên, đặc biệt là thiếu viên tiếng Anh, Tin học để triển khai cho năm học 2022-2023 ở các vùng sâu, vùng xa.
Từ đó, tỉnh Kon Tum kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ nội vụ bổ sung 1696 chỉ tiêu giáo viên. Trong đó, cấp mầm non 688 chỉ tiêu, cấp tiểu học 564 chỉ tiêu, THCS thiếu 366 chỉ tiêu; THPT thiếu 78 chỉ tiêu.
Làm rõ hơn yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tình hình sáp nhập các điểm trường lẻ, tỉnh Kon Tum báo cáo đến nay địa phương đã giảm được 143/918 điểm trường lẻ (đạt 15%).
Mặc dù Kon Tum đẩy mạnh sáp nhập các trường học ở tất cả các cấp học, mỗi xã chỉ còn 2 trường Mầm non và một trường liên cấp Tiểu học, THCS. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, xa có những thôn cách trung tâm xã đến 95km do vậy những điểm trường vẫn còn đang phải giữ lại đều là những điểm trường có khoảng cách rất xa so với điểm trung tâm, không thể sáp nhập được.
Cũng tại Hội nghị, tỉnh Gia Lai báo cáo, căn cứ vào định mức giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ thì Gia Lai đang còn thiếu hơn 3700 giáo viên. Trong khi đó, nếu tính đúng định mức giáo viên/học sinh thì Nghệ An cũng thiếu khoảng 8000 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non, tiểu học…
Theo Bộ GD-ĐT, trong thời gian qua Bộ đã hướng dẫn địa phương rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả; đồng thời có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, bảo đảm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”; ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Căn cứ số liệu thừa, thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021-2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).
Cần tính toán lại cơ cấu trường lớp, cơ cấu giáo viên trên tinh thần tiết kiệm và hiệu quả nhất
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Đại dịch Covid - 19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn cầu do sự xuất hiện của các biến chủng mới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Ở nước ta, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội và giãn cách tăng cường. Nhân dân đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần.
Chỉ còn ít ngày nữa là năm học mới bắt đầu. Đây thời điểm mỗi giáo viên, học sinh, sinh viên hào hứng chờ ngày tựu trường sau kỳ nghỉ hè. Nhưng có lẽ năm nay ở rất nhiều nơi, nhiều địa phương trên cả nước chưa thực hiện được. Dịch bệnh đã làm đảo lộn tất cả. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ những vất vả, khó khăn của cả ngành giáo dục, của trên 24 triệu học sinh, sinh viên, hàng triệu nhà giáo, hàng chục triệu phụ huynh học sinh.
Thủ tướng đề nghị, bên cạnh việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển sự nghiệp giáo dục, cần có những giải pháp trước mắt, kịp thời cho năm học mới với sự cố gắng cao nhất, quan tâm sâu sắc nhất đến tất các thầy cô, học sinh, sinh viên trong thời khắc khó khăn này.
Trước những khó khăn của các địa phương về tình trạng thiếu giáo viên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, Bộ GD-ĐT phải thành lập các đoàn kiểm tra để đánh giá tình trạng thừa thiếu giáo viên càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế khi đảm nhiệm vị trí lãnh đạo địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương nghiên cứu, tính toán lại cơ cấu trường lớp, cơ cấu giáo viên trên tinh thần tiết kiệm và hiệu quả nhất. Điểm trường lẻ chỉ cách điểm trường chính 5-7km mà giáo viên còn nhiều hơn giáo viên thì có thể đưa học sinh về điểm trường chính để các cháu được tiếp cận bình đẳng, nâng cao năng lực chất lượng.
“Có điểm trường, tiền lương cho giáo viên đến 1,2 tỷ đồng/năm. Khi đó tôi có đề nghị các đồng chí nghiên cứu lấy 200 triệu thôi, tổ chức xe đưa-đón cháu về điểm trường chính. Buổi trưa lo cho các cháu ăn, 200 triệu có khi thừa. Các cháu lại được tiếp cận trường học đông bạn bè, học tập tốt hơn mà có khi giảm được 1 tỷ. Các đồng chí chọn cách nào? Và thực tế sau đó các đồng chí ở đó đã chọn 200 triệu và rất hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ví vụ.
Từ kinh nghiệm thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, Ngành giáo dục và các địa phương phải khảo sát lại để làm sao học sinh được tiếp cận học tập được tốt hơn mà lại giảm được chi phí.
“Chúng ta phải vì lợi ích quốc gia dân tộc. Còn nếu cứ thống kê rồi đề xuất thì rất khó cho đất nước. Trung bình mỗi tỉnh, thành phố đề xuất bổ sung 1500 giáo viên thì cả nước phải cần hàng trăm nghìn giáo viên.”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho rằng, điểm trường hiện nay rất lãng phí. Nhưng riêng về mô hình nội trú phải duy trì. Học sinh miền núi có học được hay không, có tiết kiệm, tránh lãng phí được hay không chính ở mô hình nội trú. Nếu bỏ mô hình này thì học sinh miền núi rất thiệt thòi.
Từ đó, Thủ tướng Phạm Minh chính chỉ đạo, việc rà soát lại cơ cấu trường lớp, cơ cấu giáo viên phỉ trên nguyên tắc ở đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên, ở đó phải có trường học. Không được phép để học sinh thất học.
“Chúng ta không hy sinh an sinh xã hội để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Nhưng chúng ta phải nghiên cứu cơ cấu trường lớp, cơ cấu giáo viên làm sao cho phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Nghiên cứu thế nào để bất cứ học sinh nào đến tuổi đi học, đến tuổi đến trường thì phải được đảm bảo đến trường, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các đối tượng học sinh nào.", Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Cần hoàn thiện Kế hoạch hành động cụ thể để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục
Thủ tướng đánh giá ngành giáo dục đã từng bước và quyết liệt thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”, chú trọng phát triển con người để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Ngành giáo dục đã linh hoạt, triển khai các biện pháp ứng phó, chủ động ứng dụng công nghệ quản lý, dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, có giáo viên tâm lý hoặc đường dây nóng hỗ trợ tâm lý cho trẻ trong và sau đại dịch.
Đối với những học sinh, sinh viên ở gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Thủ tướng yêu cầu, cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không cháu nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không được đến trường. Nhiều giáo viên bị ảnh hưởng do trường đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục, mầm non cũng cần được quan tâm hơn nữa. Chúng ta đã triển khai chính sách hỗ trợ qua Nghị quyết 86, các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH nghiên cứu có chính sách hỗ trợ thêm các giáo viên và học sinh một cách phù hợp. Trong đại dịch nhiều gia đình không có thu nhập nên ảnh hưởng đến bữa ăn và chế độ dinh dưỡng của các cháu, đặc biệt là độ tuổi đang phát triển.
Đối với những vấn đề cần giải quyết để khắc phục những tồn tại, hạn chế, theo Thủ tướng, quan trọng là các bộ, ngành phải đưa ra phương án giải quyết trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình. Quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” là tư tưởng nhất quán thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với nền giáo dục nước nhà. Điều đó được cụ thể hóa thông qua việc xây dựng, hoạch định chính sách và dành nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo duc.
Về nguyên tắc chung, năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngành giáo cần hoàn thành Chiến lược giáo dục trong quý 4 năm nay củng Kế hoạch hành động cụ thể để tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục căn bản ở tất cả các cấp học, tạo động lực mới, đột phá cho sự phát triển, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, vận hành cơ chế tự chủ đại học, mở rộng hợp tác quốc tế... hướng tới nền giáo dục có chất lượng, uy tín.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm học 2020 - 2021 ghi dấu mốc quan trọng với việc xây dựng cơ chế, chính sách thảo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29 - NQ/TW, qua đó tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Bên cạnh những kết quả tích cực, Thủ tướng đề nghị cần nhìn thẳng thắn vào những tồn tại để có giải pháp trong thời gian tới, nghiên cứu những lĩnh vực ngành mình phụ trách và có giải pháp tháo gỡ. Những vấn để vượt thẩm quyền báo cáo đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Từ khóa: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thiếu giáo viên, điểm trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ cấu giáo viên, cơ cấu trường lớp, hội nghị tổng kết năm học, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2