VOV.VN - Chuỗi sự kiện “Du lịch văn hóa ẩm thực – con đường di sản miền Trung” hướng đến thúc đẩy liên kết "bốn nhà" giữa cơ quan nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông và nhà kinh doanh, qua đó phối hợp, đổi mới hoạt động cùng vượt qua khó khăn.
Chuỗi sự kiện "Văn hóa ẩm thực - con đường di sản miền Trung" diễn ra từ tháng 7 đến tháng 12/2021, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành ẩm thực tại miền Trung. Sau chương trình đầu tiên diễn ra ngày 17/7, chương trình thứ 2 với chủ đề "Giá trị thực dụng - nền văn hóa ẩm thực miền Trung" sẽ diễn ra trực tuyến vào ngày 14/8 tới.
Với phương châm “Lắng nghe – thấu hiểu – chia sẻ”, sự kiện lần này thảo luận các vấn đề như rào cản, khó khăn của doanh nhân ẩm thực trong bối cảnh hiện nay; giá trị văn hóa ẩm thực trên tuyến di sản miền Trung; nét đặc trưng của những nguyên liệu gia vị, thực phẩm và hải sản giữa miền Trung và các vùng miền khác; lợi thế của doanh nghiệp khi liên kết giữa nghệ nhân, nhà kinh doanh và nhà cung ứng sản phẩm; phương án phát triển kinh doanh du lịch, văn hóa ẩm thực trên tuyến di sản miền Trung…
Đại diện Ban Tổ chức, ông Lý Đình Quân - Tổng Giám đốc Songhan Incubator cho biết, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo là giải pháp để ngành văn hóa - ẩm thực miền Trung "lách qua khe cửa hẹp" trong khó khăn vì dịch bệnh Covid-19: "Hiện nay đã có sẵn nhiều nền tảng quản lý nhà hàng, phần mềm điều hành công việc hoặc các mạng lưới du lịch thông minh ở địa phương. Áp dụng công nghệ hiện đại giúp các doanh nghiệp ẩm thực tinh gọn bộ máy, tự động hóa kinh doanh, tăng hiệu suất và quy mô kinh doanh".
Bên cạnh đó, thúc đẩy mối liên kết “bốn nhà” gồm Nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà nông và nhà kinh doanh sẽ giúp ẩm thực miền Trung vươn xa. Ông Lê Tân – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam phân tích: "Liên kết "bốn nhà" nhằm lan tỏa rộng rãi hơn phong vị cảm thụ ẩm thực đặc trưng của miền Trung gồm cay, chua, mặn, chát. Muốn mở rộng ra cả nước, thậm chí vươn ra thế giới, ẩm thực miền Trung cần đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ và hình thành đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu.
Thông qua phối hợp với các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực biến tấu và chế biến món ăn có thể cấp đông, ướp lạnh, sấy khô… phù hợp với khẩu vị của các vùng miền và thực khách trên thế giới. Làm được như vậy, chúng ta mới tính đến chuyện làm giàu và phát triển bền vững từ ẩm thực được"./.
VOV.VN - Nghiên cứu mới đây cho thấy, ẩm thực hấp dẫn là yếu tố quan trọng nhất giúp Việt Nam "ghi điểm" với du khách Nhật. Đây là lợi thế để Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia khu vực ASEAN.
Từ khóa: Ngành ẩm thực, ẩm thực miền Trung, vượt qua khó khăn, du lịch văn hóa ẩm thực, con đường di sản miền Trung, liên kết bốn nhà, đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn