Ngân sách Nhà nước đảm bảo khi cơ sở khám chữa bệnh thu không đủ chi

Cập nhật: 05/01/2023

VOV.VN - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Dự thảo Luật cũng quy định ngân sách Nhà nước đảm bảo khi cơ sở thu không đủ chi để bảo đảm các điều kiện cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tại khoản 2 Điều 107.

Sáng 5/1, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra, đó là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp.

Đặc biệt, dự thảo Luật đã thể hiện rõ tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...

Dự thảo Luật có 9 nhóm điểm mới liên quan đến người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật; hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tài chính tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bổ sung quy định về hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thiết bị y tế; về huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp và các quy trình, thủ tục được quy định theo hướng cải cách thủ tục hành chính.

Trong dự thảo Luật, lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để chủ trì thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, do vậy, để thận trọng và thuận tiện cho Chính phủ trong quá trình điều hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Cơ quan soạn thảo việc ghi nhận hình thức tổ chức này trong dự thảo Luật theo hướng quy định Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập với các nhiệm vụ cụ thể; giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động như thể hiện tại Điều 25.

Để phát huy vai trò của tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ sở có chức năng đào tạo, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa quốc gia chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về  khám, chữa bệnh và  cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh.

Đáng chú ý, về quy định tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ chế tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước quy định như dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Cụ thể, khoản 1 Điều 108 của dự thảo Luật quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước để thực hiện chức năng nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao khi thực hiện tự chủ. Bên cạnh đó, điểm a khoản 3 Điều 110 quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã quy định việc định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Dự thảo Luật cũng quy định ngân sách Nhà nước đảm bảo khi cơ sở thu không đủ chi để bảo đảm các điều kiện cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tại khoản 2 Điều 107. Để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ, dự thảo Luật quy định bắt buộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm định kỳ đánh giá chất lượng và cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra trên cơ sở kết quả đánh giá của cơ sở tại khoản 7 Điều 60.

Liên quan quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này như thể hiện tại Điều 110 và quy định lộ trình trước ngày 01/01/2025 phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước như thể hiện tại khoản 8 Điều 120 của dự thảo Luật. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Về 2 loại ý kiến đối với thẩm quyền của Nhà nước - Bộ Y tế trong định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 02 phương án của Điều 110 về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và tương ứng với đó là 02 phương án của điểm đ khoản 3 Điều 108 về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước như thể hiện tại dự thảo Luật, để Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến thêm về nội dung này./.

Từ khóa: dự thảo luật khám bệnh chữa bệnh sửa đổi, kỳ họp thứ bất thường thứ 2

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập