Ngân hàng tăng lãi suất huy động sẽ tác động vay sản xuất thế nào?

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - "Việc tăng lãi suất này có khả năng tác động lên mặt bằng lãi suất cho vay, nhưng nó chỉ tác động lên cá nhân vay".

Khoảng 2 tuần nay, nhiều ngân hàng thương mại ở TPHCM điều chỉnh lãi suất huy động trung và dài hạn theo hướng tăng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên hiện ở mức 8-8,5%/năm.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn trung và dài hạn là để có thêm nguồn vốn, tiếp tục tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, đồng thời để đáp ứng các yêu cầu về hệ số an toàn vốn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt là để đáp ứng tốt hơn các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TPHCM cho biết, hiện nay lãi suất cho vay ở 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ từ 5,5 - 6,5%/năm, còn các lĩnh vực khác thì trung hạn từ 7 - 8%/năm, dài hạn từ 9 - 12%/năm.

Riêng chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại đã cho các doanh nghiệp vay 152.000 tỷ đồng với lãi suất 5,5 - 6,5%/năm. Điều đó cho thấy, lãi suất cho các doanh nghiệp vay khá ổn định.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh TPHCM cho biết thêm: "Dù lãi suất cho vay chịu nhiều sức ép nhưng thời gian vừa qua, các ngân hàng thương mại vẫn cố gắng ổn định lãi suất cho vay. Việc tăng lãi suất này có khả năng tác động lên mặt bằng lãi suất cho vay, nhưng nó chỉ tác động lên cá nhân vay, còn các doanh nghiệp vay sản xuất, kinh doanh thì lãi suất vẫn ổn định hoặc có thể giảm xuống"./.

Từ khóa: ngân hàng, lãi suất huy động, lãi suất cho vay, doanh nghiệp TPHCM

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập