Ngân hàng cần có cơ chế để người trồng tiêu vực dậy
Cập nhật: 25/09/2019
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Cần thiết phải có cơ chế thúc đẩy “tài chính xanh” tại Việt Nam
VOV.VN -Dự báo năm 2019 tiếp tục sẽ là năm rất khó khăn với sản xuất và tiêu thụ nông sản trong đó có ngành hồ tiêu.
Hội nghị “Phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các hiệp định thương mại tự do” tổ chức sáng 23/8 đã dành thời gian đi sâu vào 4 tham luận cùng 5 ý kiến, kiến nghị của đại diện chính quyền, các đơn vị ngân hàng và người trồng hồ tiêu trong việc phát triển hồ tiêu bền vững, an toàn trong thời kì hội nhập. Tại hội nghị, các ý kiến tập trung vào những vướng mắc của người trồng hồ tiêu gặp phải, trong đó chính sách “giãn nợ” của các đơn vị ngân hàng giúp người trồng tiêu có thể phục hồi sản xuất.
Đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị. |
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, mặc dù ở vị trí số 1 nhưng việc sản xuất hồ tiêu tại Việt Nam còn nhiều bất ổn, chưa bền vững. Diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh ngay cả ở những vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong thời điểm giá tốt. Bên cạnh đó, tình trạng dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Dự báo năm 2019 tiếp tục sẽ là năm rất khó khăn với sản xuất và tiêu thụ nông sản trong đó có ngành hồ tiêu. Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng, dự báo thị trường để tìm ra nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tín dụng, thị trường, tìm ra cơ hội và đưa ra các giải pháp căn cơ thúc đẩy việc phát triển bền vững Ngành hồ tiêu Việt Nam.
Đại diện cho 20 tỉnh trồng hồ tiêu trong cả nước, ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, cây hồ tiêu cũng là 1 trong 3 cây mũi nhọn của tỉnh Bình Phước (bao gồm cao su, điều, tiêu) với gần 17.000 ha, vượt quy hoạch 7.000 ha. Thời gian gần đây giá cả hồ tiêu bấp bênh, sản xuất tự phát bỏ qua quy hoạch khiến cho Bình Phước thiếu trầm trọng nhân công thu hái, người trồng tiêu điêu đứng. Cùng với đó là gánh nặng trả nợ ngân hàng đã khiến không ít người phá sản.
“Khó khăn về sản xuất cộng với khó khăn của ngân hàng thì thành gấp đôi lên, có khi là trở nên phá sản. Nếu như tín dụng dài hơi hơn, người sản xuất có thể cầm cự lâu dài hơn. Hiện nay, ngân hàng siết lại thì người dân phải bán tài sản bằng bất kì giá nào nên dẫn đến phá sản”- ông Huỳnh Anh Minh cho biết.
Liên quan đến vấn đề nguồn vốn vay và công tác thu hồi nợ đọng, ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đắk Nông nêu vấn đề: Hiện dư nợ cho vay hồ tiêu của ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông là xấp xỉ 4.700 tỷ, chiếm 17,7% tổng dư nợ, con số này được cho là rất cao và khó để thu hồi. Vừa qua, tại Đắk Nông có đến 2.000 ha tiêu chết, với gần 500 tỷ nợ đọng. Theo ông Hoàng Văn Minh, bản thân các đơn vị ngân hàng cũng muốn người dân có chính sách giãn nợ, phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, đối với việc trồng tiêu thì cần phải có quy hoạch rõ ràng thì ngân hàng mới có thể yên tâm cho vay.
“Các ngân hàng cũng thực hiện chỉ đạo của Trung ương tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các ngân hàng tổ chức lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi và cho vay chuyển đổi cây trồng. Đề xuất của chúng tôi thì cho vay đối với những hộ trồng tiêu nhiễm bệnh mà chết thì chúng tôi cơ cấu lại nợ, mong muốn chính phủ và nhà nước nghiên cứu có chính sách khoanh nợ với thời gian từ 3 đến 5 năm cho người dân để có thời gian trả nợ dần ngân hàng. Chúng tôi cũng mong muốn là phải trồng có quy hoạch, có quy hoạch thì ngân hàng mới có thể yên tâm cho vay”- ông Hoàng Văn Minh cho biết.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.
|
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, Việt Nam cần cố gắng ổn định diện tích hồ tiêu khoảng 100.000 ha. Đối với những vườn hồ tiêu bị bệnh chết, không phù hợp cần phải kiên quyết chuyển đổi sang cây trồng khác. Trong việc canh tác cần tăng cường đẩy mạnh sử dụng phân hữu cơ để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh chết nhanh, chết chậm.
Nông dân Tây Nguyên đang tổ chức việc trồng xen các loại cây trồng trong vườn hồ tiêu mang lại nhiều kết quả tốt, tuy nhiên, nông dân cần phải lựa chọn phương pháp canh tác phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất. Các địa phương cần nâng cao vai trò của mình trong việc xây dựng việc phát triển theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến việc chế biến sâu sản phẩm hồ tiêu. Thứ trưởng cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ nghiên cứu, xây dựng đề án nhằm nâng cao giá trị cho ngành hàng hồ tiêu.
Trước thực tế người dân đang bị gánh nặng về giá cả cũng như nợ đọng, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các ngân hàng có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân hơn để người trồng hồ tiêu được vực dậy.
“Thời gian qua, với sự nỗ lực rất lớn của chính phủ, các bộ, ngành nên chúng ta đã kí được rất nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là nông sản trong đó có hồ tiêu. Chúng ta phải biết nắm lấy cơ hội bằng cách làm chuẩn mực hơn để đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu. Chúng ta đưa ra những giải pháp để phát triển căn ke hơn, vào cuộc mạnh mẽ hơn để tạo ra các chuỗi giá trị, liên kết theo chuỗi, đẩy mạnh chế biến tốt hơn, đặc biệt là ngân hàng, rất nhiều bà con nông dân vay tín dụng để đầu tư cho hồ tiêu, cần có những biện pháp hỗ trợ làm sao cho tất cả các chính sách để hỗ trợ bà con trong lúc khó khăn này”- Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết./.
Từ khóa: ngành hồ tiêu, tiêu thụ nông sản, hồ tiêu, người trồng tiêu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN