Ngăn chặn tội ác từ mâu thuẫn do tranh chấp đất đai
Cập nhật: 25/09/2019
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN -Mỗi gia đình luôn phải là pháo đài để bảo vệ các giá trị cốt lõi. Qua đó, giáo dục về sự yêu thương, sự chia sẻ, trách nhiệm với gia đình.
Vụ án giết người xảy ra mới đây ở huyện Đan Phượng, Hà Nội do mâu thuẫn về tranh chấp đất đai khiến dư luận bàng hoàng bởi động cơ phạm tội của đối tượng khá bất ngờ với nhiều người. Theo đó, đối tượng Nguyễn Văn Đông đã mất kiểm soát hành vi, truy sát cả gia đình em ruột khiến 4 người tử vong, một người bị thương nặng chỉ vì nửa mét đất.
Đối tượng Đông truy sát các nạn nhân |
Nhận thức pháp luật có vấn đề
Có một sự thật là trong thời gian vừa qua, mâu thuẫn về tài sản, thừa kế là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ huynh đệ tương tàn, tình cảm gia đình tan nát. Đó là biểu hiện cho sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội.
Tháng 1/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh do tranh giành căn nhà bố mẹ để lại, Phùng Huệ Nhơn đã xuống tay với 2 người em của mình là Phùng Vệ Minh, Phùng Vệ Nghĩa. Hậu quả anh Phùng Huệ Minh tử vong. Được biết 3 anh em Nhơn, Minh, Nghĩa cùng sống tại mảnh đất trên, trong quá trình sinh hoạt đã xảy ra nhiều mâu thuẫn. Dù là anh em một nhà song Nhơn và Minh đã không ít lần dùng nắm đấm để nói chuyện với nhau.
Một vụ án tương tự xảy ra tại TP Cần Thơ, vào tháng 5/2018. Trong vụ án này Nguyễn Văn Thơ và Nguyễn Văn Thái là anh em ruột cùng chung sống tại huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) và trong sinh hoạt hằng ngày giữa họ thường xảy ra lời qua tiếng lại về việc tranh chấp đất. Nguyên nhân sự việc do cha mẹ có sang nhượng cho Thơ 2.500 m2 đất ruộng, với giá 150 triệu đồng. Cho rằng mức giá này thấp, Thái đòi bán cho người khác với giá cao hơn. Trong lúc ẩu đả, Thơ lấy dao đâm em ruột bị thương nặng và tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu....
Quan sát những vụ án như trên, bàng hoàng, buồn và day dứt, có lẽ đó là tâm trạng của rất nhiều người. Bởi, khi một vụ thảm án xảy ra, nó không chỉ ở số người bị thương vong, mà còn ở chỗ những người thân yêu, ruột thịt bị sát hại rất đau lòng trong đó có cả những em nhỏ.
Trung tá Đào Trung Hiếu. |
Dưới góc độ tâm lý tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an cho rằng, bạo lực gia đình, tranh chấp dẫn đến án mạng phản ánh vấn đề nghiêm trọng đó là bạo lực trong cộng đồng, xã hội đang có xu hướng gia tăng. Bởi, gia đình là tế bào của xã hội, cho nên những bất ổn trong gia đình đang phản ánh những hiện tượng bất thường xảy ra trong xã hội. Đó là xu hướng sử dụng bạo lực trở lên phổ biến trong các ứng xử cộng đồng.
Bên cạnh đó, từ những vụ án này, chúng ta nhận thấy, nhận thức và ý thức pháp luật của nhiều người dân có vấn đề. Thực tế chỉ ra rằng, nếu các đối tượng nhận thức rõ pháp luật nghiêm cấm tất cả các hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người; và hành vi giết người nhất định phải trả giá, bị lên án, trừng trị nghiêm khắc, thậm chí bằng chính mạng sống của mình; đời sống, danh dự và tương lai của gia đình, dòng họ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng thì chắc đối tượng đã không dám hành động như thế. Nếu đối tượng nhận thức được rằng, mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết, hóa giải trên cơ sở của đạo đức và pháp luật hẳn sẽ không có thảm án đau lòng đó xảy ra.
Theo ý kiến cá nhân Trung tá Hiếu cho rằng, tất cả các vụ án xảy ra ở gia đình dẫn đến đổ máu, án mạng, thảm án do tranh chấp đất đai, tài sản thừa kể đều có lỗi của các cán bộ, tổ chức, thiết chế xã hội tại cơ sở. Bởi, hiện nay, ở bất cứ địa phương nào cũng có đầy đủ các thiết chế như: Ban hòa giải, tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, MTTQ. Theo vị chuyên gia này, tất cả các mâu thuẫn không phải bộc phát xảy ra mà nó có sự tích tụ. Những thứ này nó đã tồn tại, và phản ánh qua những trận cãi vã, thậm chí đánh nhau nho nhỏ trước đó. Câu chuyện ở đây, chính quyền và các đoàn thể quần chúng cơ sở có nắm được không và nếu đã nắm được thì đã tiến hành xử lý dốt dáo để ngăn chặn xóa ngòi nổ về xung đột hay chưa? Vì vậy, câu chuyện ở đây cũng cần phải xem xét trách nhiệm của tổ chức thiết chế này.
Quan điểm phải để lại đất đai, nhà cửa cho con cái là sai lầm
Đại tá, Phó Giáo sư Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học thì cho rằng, nguyên nhân xảy ra các vụ thảm án gia đình do mâu thuẫn đất đai có một phần nguyên nhân từ sự phân chia đất đai từ cha mẹ. Theo Phó Giáo sư Thìn, trong nhận thức và quan niệm phổ biến của người phương Đông là cha mẹ phải để lại tài sản cho con cái, nhất là đất đai, nhà cửa và trong số con cái đó lại đặc biệt coi trọng con trai. Quan niệm ấy vừa lạc hậu, vừa không phù hợp với pháp luật. Ngay từ khi các con còn nhỏ, cũng như trong đời sống của mỗi gia đình thường cho rằng, cha mẹ sẽ phải có trách nhiệm lo đất đai, nhà cửa cho những người con trai khi trưởng thành. Do vậy, nhiều gia đình nảy sinh mâu thuẫn trong việc phân chia đất đai, tài sản của cha mẹ ngay từ khi họ còn sống cũng như khi họ qua đời. Cũng từ việc này nên dễ dẫn đến tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột.
PGS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn |
“Quan niệm cũ vô hình trung dễ dẫn đến việc biến những đứa con trở nên ích kỷ, hẹp hòi, ỷ lại, thậm chí tham lam và vô trách nhiệm. Tất nhiên, không phải đứa con nào được thừa hưởng gia sản của bố mẹ cũng ỷ lại, tham lam... Nhưng trong thực tế, việc giải quyết vấn đề tài sản thường nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột”- Đại tá Thìn nói.
Để phòng ngừa hiệu quả, không để xảy ra các vụ việc xấu, theo Phó Giáo sư Nguyễn Cảnh Thìn, mỗi gia đình luôn phải là pháo đài để bảo vệ các giá trị cốt lõi. Cần phải giáo dục về sự yêu thương, sự chia sẻ, về các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Nếu những anh chị em ruột thịt yêu thương, nhường nhịn, giúp đỡ, chăm sóc nhau, tôn trọng nhau trên nền tảng của đạo lý và pháp lý sẽ khó xảy ra những tranh đoạt, tị hiềm, xung đột. Nếu được thường xuyên giáo dục đạo đức, văn hóa, các qui tắc ứng xử văn minh và sự hiểu biết pháp luật thì tôi tin sự bình yên sẽ đến với mỗi gia đình”- ông Thìn nêu quan điểm.
Còn Trung tá Hiếu thì cho rằng, đây là hiện tượng xã hội tiêu cực xuất phát từ bạo lực cộng đồng, chính vì vậy cần một hệ thống giải pháp đồng bộ.
Trước hết, ngay tại cơ sở, nơi phát sinh những xung đột, mâu thuẫn, các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương ở đó phải tăng cường trách nhiệm của mình trong việc nắm tình hình nội bộ nhân dân. Khi phát hiện những điểm nóng về xung đột, tranh cãi bất đồng cần phải có những hoạt động dốt dáo, như tiến hành gặp các bên, nắm tình hình, phân giải, tư vấn, khuyên răn trên cơ sở lấy đạo lý của dân tộc, chính sách pháp luật để ngăn chặn.
Bên cạnh đó, lực lượng công an cơ sở phải tăng cường nắm bắt tình hình, tất cả những mâu thuẫn trong nội bộ của mình, kịp thời có đối sách giải quyết đối với những vụ án có những phát sinh phức tạp. Về mặt chính quyền địa phương, khi tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp của người dân cần phải có biện pháp vào cuộc giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa. Cùng với đó, các cơ quan tòa án, người phân xử những mâu thuẫn tranh chấp này cần phải có những việc làm vô tư, khách quan. Nếu việc phân xử không khách quan, bất công lại càng tăng thêm sự mâu thuẫn tích tụ trong nội bộ nhân dân dẫn đến những vụ thảm án đau lòng. Còn khi xảy ra thảm án về tranh chấp thì cần điều tra làm rõ, xử lý nhanh theo án điểm. Đồng thời, tiến hành xét xử công khai, lưu động, qua đó tuyên truyền, phổ biến pháp luật góp phần phòng ngừa chung bạo lực gai đình do tranh chấp đất đai./.
Thảm án ở Hà Nội: Nghi phạm đối diện mức án nào?
Vụ thảm sát ở Đan Phượng, Hà Nội: Nạn nhân cuối cùng đã hồi tỉnh
Người nhà nạn nhân vụ thảm sát Đan Phượng thông tin về bệnh nhân
Từ khóa: mâu thuẫn đất đai, tranh chấp đất đai, giết người do mâu thuẫn đất đai, án mạng ở Đan Phượng
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN