Ngăn chặn tin giả về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ – bài toán khó của TikTok

Cập nhật: 18/09/2020

VOV.VN - Trước nguy cơ Tổng thống Trump đe dọa ban hành lệnh cấm tại Mỹ, TikTok đang đối mặt với một thách thức lớn khác: làm thế nào để kiểm soát tin giả về bầu cử tổng thống.

Là nơi tạo ra hàng loạt trào lưu mới như những điệu nhảy thú vị hay trò đùa tinh nghịch, TikTok – nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc, hiện đang trở thành nơi đăng tải những nội dung chính trị từ người dùng. Trên ứng dụng này, các video với hashtag như #Trump2020 và #Biden2020 đã có hơn 12 tỷ lượt xem.

Tuy nhiên, Eric Han, người đứng đầu bộ phận an toàn nội dung của TikTok tại Mỹ cho biết trong cuộc phỏng vấn đưa ra giải pháp của TikTok đối với những thông tin sai lệch về cuộc bầu cử, mục tiêu của đội ngũ là đảm bảo ứng dụng TikTok trở thành nơi để người dùng giải trí và “thể hiện bản thân theo cách kì quái”.

TikTok lên kế hoạch cho nhiều kịch bản về cuộc bầu cử  

TikTok – mạng xã hội có khoảng 100 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng tại Mỹ, đang lên kế hoạch tiếp cận với những nội dung liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống.

Các đối tác kiểm tra tính xác thực của TikTok là Lead Stories và PolitiFact cho biết, họ đã xem xét hàng trăm video chứa thông tin sai lệch về chính trị trên ứng dụng, chẳng hạn như video cho rằng ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris đe dọa trả thù những người ủng hộ Trump.

Mặc dù vậy, không giống như Facebook và Twitter, TikTok không gắn cờ bất kỳ thông tin sai lệch nào của người dùng. Thay vào đó, ứng dụng này xem xét các đánh giá nội bộ của bên kiểm tra tính xác thực và sử dụng chúng để xóa nội dung thay vì giảm phạm vi tiếp cận của những nội dung đó.

“Rất nhiều người trong đội ngũ của chúng tôi từng làm việc với các nền tảng mạng xã hội khác, chúng tôi đã biết cách kiểm tra tính xác thực hoạt động, chúng tôi đã biết việc dán nhãn nội dung hoạt động”, ông Han cho biết và nói thêm TikTok đang nhận thức rất rõ rằng, việc dán nhãn nội dung có thể phản tác dụng khi khiến người dùng không tin tưởng hoặc cho rằng tất cả những nội dung không dán nhãn đều hợp pháp.

Các công ty truyền thông xã hội đã phải chịu áp lực giải quyết những thông tin sai lệch sau khi các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Nga sử dụng các mạng xã hội để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, điều mà Moscow đã lên tiếng phủ nhận. Facebook, công ty sử dụng xếp hạng từ bên kiểm tra tính xác thực để gắn nhãn và giảm tiếp cận các bài đăng vi phạm cho biết, các cảnh báo thông tin sai lệch về dịch Covid-19 đã ngăn người dùng tiếp cận nội dung bị gắn cờ trên 95% thời gian sử dụng ứng dụng của họ.

TikTok, nền tàng không chấp nhận quảng cáo chính trị cho biết, họ không cho phép những thông tin sai lệch có thể gây hại cho người dùng, bao gồm cả nội dung gây hiểu lầm về cuộc bầu cử.

Để ngăn chặn những tin giả như vậy trước và sau cuộc bầu cử tổng thống, ông Han cho biết, nhân viên TikTok đang họp hàng tuần để lên kế hoạch cho nhiều kịch bản, từ kết quả các cuộc tranh luận bầu cử cho đến các những thông tin sai lệch. 

Các thành viên trong hội đồng cố vấn nội dung của TikTok cũng nói với Reuters rằng, họ đã thảo luận về các vấn đề bao gồm đàn áp cử tri và liệu những người ủng hộ công khai thuyết âm mưu QAnon có được phép sử dụng nền tảng này hay không. Đồng thời, các nhân viên của TikTok cũng xem xét những việc cần làm nếu ứng dụng được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch về kết quả tranh luận hoặc kích động bạo lực sau bầu cử.

Đội ngũ kiểm tra tính xác thực của TikTok, cũng là những người hợp tác với Facebook cho biết, những thông tin chính trị sai lệch trên TikTok tương tự như những thứ đang được lan truyền trên nền tảng của Mark Zuckerberg: “Đây không đơn giản là những thử thách về điệu nhảy nữa”, Alan Duke, đồng sáng lập của Lead Stories cho biết.

Ngay cả khi TikTok đang “vật lộn” với những nội dung xung quanh cuộc bầu cử tổng thống, số phận của ứng dụng thuộc sở hữu của ByteDance tại Mỹ vẫn không chắc chắn khi chính quyền Tổng thống Trump dự kiến ​​sẽ sớm đưa ra quyết định về một thỏa thuận được đề xuất với Oracle – “nhà cung cấp công nghệ đáng tin cậy” cho các hoạt động của TikTok tại Mỹ.

Nỗ lực ngăn chặn những thông tin sai lệch về chính trị

Khi chỉ còn khoảng 6 tuần nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11, phản ứng của các công ty truyền thông xã hội đối với những thông tin sai lệch trên nền tảng của họ đang là điều được chú ý. Trên TikTok, Reuters tìm thấy các video chứa các thông tin sai sự thật về việc bỏ phiếu qua thư và về các ứng viên tổng thống. TikTok đã xóa một vài nội dung trong số đó sau khi chúng bị Reuters gắn cờ.

Theo TikTok, gần đây họ đã chặn hàng chục hashtag liên quan đến QAnon. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu thông tin sai lệch Rory Smith tại tổ chức phi lợi nhuận First Draft đã xác định được một số video khác về phong trào này vẫn đang được đăng tải và có hàng trăm nghìn lượt xem. Sau những phản ánh của Reuters, TikTok đã chặn một số hashtag liên quan đến những nội dung trên.

Hiện nay, các hoạt động kiểm duyệt nội dung của TikTok đã bị giám sát chặt chẽ, trong đó có cả các nhà lập pháp Mỹ lo ngại rằng, nền tảng này có thể đang kiểm duyệt nội dung nhạy cảm về chính trị sau khi có báo cáo rằng TikTok đã chặn các video biểu tình ở Hong Kong. Một người phát ngôn của TikTok cho biết, nội dung và các chính sách kiểm duyệt của mạng xã hội này được xem xét bởi một nhóm ở bang California và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ chính phủ nước ngoài nào.

Trước đó, vào tháng 6, TikTok đã lên tiếng xin lỗi sau cáo buộc kiểm duyệt những nội dung có hashtag #BlackLivesMatter (Mạng sống của người da đen quan trọng). Nền tảng này nói họ không kiểm duyệt các bài đăng và đổ lỗi cho trục trặc kỹ thuật khiến các bài đăng đó dường như không có lượt xem.

Năm nay, TikTok đã giới thiệu một hội đồng gồm các chuyên gia bên ngoài sẽ giúp họ hình thành các chính sách nội dung tại Mỹ. Rob Atkinson, thành viên hội đồng và là chủ tịch Tổ chức tư vấn về Công nghệ Thông tin và Sáng tạo cho biết, ông đã tư vấn cho công ty về các chính sách, cách giải quyết đối với ngôn từ kích động và những điều này có thể phát huy tác dụng ở Mỹ.

Tuy nhiên, những lo ngại về bảo mật dữ liệu cũng xuất phát từ quyền sở hữu của TikTok là gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance. Điều này khiến các nhóm và nhân vật chính trị lớn của Mỹ không sử dụng ứng dụng này.

Giám đốc Công nghệ Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) Nellwyn Thomas cho biết, DNC chưa tham gia sâu vào TikTok và đang tập trung vào công việc phản bác thông tin nhiều hơn trên Facebook và Twitter. Một phát ngôn viên của TikTok nói rằng, công ty đã cung cấp cho các Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ những cách trực tiếp để giải quyết vấn đề.

Các chuyên gia về thông tin sai lệch vẫn lo ngại về những khó khăn trong việc kiểm duyệt video của TikTok, liên quan đến những hiệu ứng hình ảnh và âm thanh, văn bản và hashtag khi người dùng có thể sử dụng hiệu ứng hình ảnh để che giấu và chia sẻ các thông tin sai lệch phía sau đó.

Farid - thành viên hội đồng cố vấn TikTok cho biết, ông đã đề nghị công ty có thể chặn các video mới ở Mỹ trong vài ngày trước và sau cuộc bầu cử tổng thống để hạn chế những thông tin sai lệch.

Khi được hỏi đây có phải kế hoạch B của công ty hay không, ông Farid nói: “Thành thật mà nói, tôi không biết. Tôi đang cố giải quyết vấn đề này”./.

Từ khóa:

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập