Ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào học đường

Cập nhật: 26/12/2019

VOV.VN -Làm rõ lý do trẻ nghiện, cùng con đường thẩm lậu của ma túy vào trường học là việc cần làm ngay để bảo vệ thế hệ tương lai.

Ma túy học đường ngày càng phức tạp

Ngày 23/12/2019 cơ quan chức năng huyện Cư M'gar (tỉnh Đắk Lắk) tiến hành kiểm tra một nhà nghỉ trên địa bàn thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M'gar). Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện tám người, có cả học sinh cấp III, thuê ba phòng để sử dụng ma túy trái phép.

Trước đó, khoảng 22h30, ngày 22/12, trong lúc tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường tỉnh lộ, Công an huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh phát hiện 9 học sinh đang sử dụng ma túy ở bờ đê giáp ranh xã Cẩm Phúc và Cẩm Thăng nên ập tới bắt giữ. Tại hiện trường, nhà chức trách thu nhiều gói ma túy dạng cỏ Mỹ. Các nghi can khai mua ma túy từ một số người lạ mặt, đem về chia nhỏ, rủ nhau ra bờ đê "mở tiệc".

ngan chan ma tuy tham lau vao hoc duong hinh 1
9 học sinh sử dụng ma túy tại Hà Tĩnh

Ngày 18/3, Công an huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) đã khởi tố vụ án “mua bán trái phép ma túy” đối với 6 đối tượng tuổi 2X tham gia buôn bán heroin cho các em học sinh Trường THPT Vân Nham (Hữu Lũng). Tại cơ quan điều tra, nhóm này khai nhận, trong thời gian khoảng một tuần, nhóm đối tượng này đã bán ma túy đá cho trên 30 con nghiện, chủ yếu là học sinh đang học tại trường THPT Vân Nham.

Theo Trung tá - chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu (Bộ Công an), từ lâu, những kẻ gieo rắc cái chết trắng đã tìm thấy "thị trường" vô cùng tiềm năng chính là ở những ngôi trường THPT và Đại học. Tại đây, không thiếu những "cô, cậu ấm” ham chơi, lười học, thích thể hiện đẳng cấp nên rất dễ dàng tiếp cận. Theo đó, với thủ đoạn, sử dụng đám "đơ nghiện", đến dò la khu vực xung quanh các trường học, tìm hiểu tình hình học sinh.

Khi thấy “con mồi” dính bẫy, chúng tiếp cận, những lời lẽ ngọt ngào dùng để dụ dỗ tham gia cùng các hoạt động ngoại khóa. Khi đủ độ thân thiết, nhóm này sẽ đưa miễn phí "thuốc" - (chủ yếu là cỏ Mỹ, cần sa, nước vui, tem lưỡi…) mời họ chơi. Khi cảm giác "nhớ" thuốc đã xuất hiện (thường chỉ sau 1-2 lần với các loại ma túy tổng hợp), trẻ bắt đầu phải trả tiền thì mới có "thuốc". Nguồn tiền được hướng dẫn lấy của gia đình.

65% học sinh không biết tác hại của ma túy

Cách đây 1 năm, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã tiến hành điều tra xã hội học với 2.000 học sinh ở nhiều địa phương. Theo kết quả điều tra có tới 65% học sinh không biết tác hại của ma túy, nên tò mò muốn dùng thử; 27% cho biết bị bạn bè rủ rê; 8% giải thích lý do nghiện là vì bị lừa sử dụng lúc nào không hay. Chưa hết, có từ 3-5% số học sinh được lựa chọn ngẫu nhiên đã dương tính với các loại ma túy…

Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, có nhiều học sinh, sinh viên đến giờ này vẫn tin rằng sử dụng ma túy một lần sẽ không nghiện. Nhưng thực tế, với các loại ma túy tổng hợp, chỉ cần thử một lần là nhớ, từ đó việc họ tiếp tục sử dụng là điều khó tránh khỏi và ngày càng lệ thuộc vào ma túy. Bên cạnh đó, giới trẻ tin rằng, sử dụng ma túy có thể chữa được bệnh tật, tạo sự khoái cảm, tinh thần thoải mái và có thể quên đi mọi phiền muộn, đau khổ hoặc có thể giảm béo, làm đẹp. Trên thực tế, ma túy hủy hoại nghiêm trọng sức khỏe, nhan sắc của con người và nhiều người đã chết do "sốc thuốc".

Ý thức là bức "tường lửa"

Về giải pháp phòng ngừa ma túy học đường, bà Đào Kim Hoa (Trường THCS Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, nhận thức đúng đắn cùng ý thức cảnh giác của học sinh, phụ huynh và giáo viên trước hiểm họa ma túy, chính là "bức tường lửa" đề kháng mọi sự xâm nhập của ma túy vào trường học. Bà Hoa cho rằng, việc cần kíp là phải thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, mời chuyên gia về trường nói chuyện, hoặc đưa vào chương trình giáo dục công dân trong các cấp học nội dung phòng chống ma túy học đường và ngoài xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục, quản lý học sinh, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng ma túy, có biện pháp phù hợp giúp đỡ các cháu trót mắc vào ma túy, để họ có thể cai nghiện và trở lại học tập.

ngan chan ma tuy tham lau vao hoc duong hinh 2
Các đối tượng tham gia buôn bán ma túy cho học sinh phổ thông ở Hữu Lũng, Lạng Sơn .Ảnh: Tiền Phong

Theo Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường, cần sớm ban hành một bộ tài liệu theo dạng cẩm nang phòng chống ma túy dành cho học sinh cùng phụ huynh và giáo viên ở tất cả các cấp học, từ tiểu học đến THPT.

Để bộ tài liệu thực sự có chất lượng, cần tiến hành những nghiên cứu khoa học về tâm lý của từng lứa tuổi học sinh, tham vấn ý kiến nhận xét, góp ý của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, truyền thông, công an… Sau khi có đề cương dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức hội thảo, tiếp tục khảo sát lấy ý kiến đánh giá của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Khi hoàn thiện tài liệu, cần tổ chức triển khai truyền thông sâu rộng, với các hình thức phù hợp đến các đối tượng tuyên truyền.

Ông Cường cho rằng, phương pháp truyền thông phòng, chống ma túy quyết định hiệu quả của công tác này. Nếu chỉ nói "khơi khơi" về quy định của pháp luật hay tác hại của ma túy… e rằng học sinh sẽ "nghe trước quên sau", không thực sự "thẩm thấu" để hình thành sự cảnh giác thường trực trước hiểm họa ma túy. Khi chưa "mục sở thị" những điều khủng khiếp mà ma túy gây ra trong đời sống, thì những thông điệp mong muốn truyền tải đến học sinh lại được các em tiếp nhận một cách hời hợt, không hiệu quả. Do đó, cần phải đổi mới cách truyền thông, lấy học sinh làm trung tâm, truyền thông lồng ghép với các hoạt động trò chơi "học mà chơi - chơi mà học".

Ông Cường đề xuất một cách làm gây ấn tượng mạnh, có tác dụng rất tốt trong việc truyền tải thông điệp, đó là dùng phương pháp truyền thông trải nghiệm. Nghĩa là cho học sinh tham gia các buổi ngoại khóa về chủ đề này, mà "báo cáo viên" chính là những người đã từng có quá khứ lầm lỗi, dính vào ma túy và đã cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời./.

Theo báo cáo của Cục phòng chống tội phạm, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có thêm 10 vạn người nghiện ma tuý. Trong số 10 vạn người nghiện có hồ sơ quản lý thì có trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, khoảng 5% tổng số người sử dụng ma túy ở tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) khoảng 50% trong số đó là trẻ em dưới 16 tuổi.

Từ khóa: ma túy, ma túy học đường, học sinh sử dụng ma túy

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập