Ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ từ các hội nhóm trên mạng xã hội
Cập nhật: 03/12/2023
Người trẻ phạm tội vì "ngây thơ", thiếu hiểu biểt pháp luật?
Nóng 24h: Bắt giữ 2 đối tượng trốn truy nã đặc biệt nguy hiểm
VOV.VN - Nhiều vụ cướp gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều vụ hướng dẫn lừa đảo xuất hiện gần đây đều có điểm xuất phát từ những hội nhóm trên mạng xã hội. Thay vì hướng tới những giá trị tích cực, các trang mạng này đang hướng người trẻ đến điều tiêu cực gây ảnh hưởng an ninh trật tự.
Gần đây, nhiều ứng dụng của mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở nước ta. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Tiktok… dần dần trở thành một xã hội thu nhỏ, không chỉ phản ánh mọi khía cạnh của đời sống thực mà có thể gây ra hoặc tác động không nhỏ đến cuộc sống thực. Tại những ứng dụng này, xuất hiện một hiện tượng đáng lo ngại là sự "ra đời" của không ít hội nhóm kín như: "Hội những người thích đâm thuê chém mướn", "Hội những người muốn tự tử", "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều"... “Hội những người muốn tự tử”, thậm chí có cả những hội mang ý nghĩa tiêu cực như: “Hội ghét cha mẹ”,…với hàng trăm, thậm chí hàng chục nghìn người tham gia.
Điều đáng lo ngại, trên diễn đàn của các hội nhóm này, thường xuyên đăng tải những những nội dung thể hiện tâm trạng thù hận, tiêu cực, bế tắc... Điều đáng lo ngại, phần lớn bình luận dưới các bài viết thường là các ý kiến bi quan, chán nản, cổ vũ, khuyến khích hoặc thách đố người viết thực hiện những hành vi lệch chuẩn đạo đức, thậm chí, vi phạm pháp luật. Đây chính là mối nguy hiểm mà qua thực tế đã cho thấy, phát sính tội phạm từ những hội nhóm ảo.
Mới đây, ngày 22/11, tại Đà Nẵng đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng, tên cướp đâm tử vong nhân viên bảo vệ. Hai nghi phạm gây ra vụ cướp ngân hàng khai nhận, do không có công ăn việc làm, lại đam mê cờ bạc, cá độ bóng đá, chơi game, nên nợ nần tiền bạc. Trước đây cả 2 không quen biết nhau, chỉ gặp, trao đổi với nhau trên mạng xã hội thông qua hội nhóm liên quan đến việc xù nợ, làm liều. Sau đó bàn bạc, thống nhất đi cướp ngân hàng.
Tương tự, ngày 27/10, Công an TP. HCM đã bắt 3 nghi phạm về hành vi dùng súng cướp ngân hàng, số tiền cướp được gần 4 tỷ đồng. Sau khi bị bắt giữ, nhóm này khai nhận do không có việc làm, nợ nần nên tham gia nhóm kín Facebook "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều". Sau đó các đối tượng đã mua súng trên mạng xã hội để thực hiện cướp tài sản tại ngân hàng.
Ngày 2/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Mỹ, Lâm Phúc Lợi và Nguyễn Thị Bích Tuyền về tội cướp tài sản. Đây là 3 đối tượng dùng súng và quả nổ cướp ngân hàng S có địa chỉ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM vào tháng 10 vừa qua. Theo điều tra của cơ quan công an, các đối tượng này quen biết nhau trên trang “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”.
Qua quan sát các vụ án nêu trên, Thượng tá Tiễn sỹ Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Trưởng khoa Luật, Học viện An ninh Nhân dân đưa ra phân tích, việc tham gia vào các mạng xã hội có rất nhiều mặt tích cực, nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều mặt tiêu cực, có thể đe dọa hoặc gây ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ hiện nay. Thực tế chứng minh, đã có rất nhiều bạn trẻ hiện nay, do những ảnh hưởng từ mạng xã hội, dẫn đến lệch chuẩn về mặt hành vi trên thực tế. Thậm chí, sự lệch chuẩn đó còn biến thành những hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, có những hành vi vi phạm pháp luật ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng.
“Những tác động tiêu cực từ mạng xã hội hiện nay đưa đến cho giới trẻ, là những người chủ yếu sử dụng mạng xã hội gây ra những hệ lụy xã hội rất lớn và đòi hỏi công tác phòng ngừa của chúng ta phải hết sức tích cực để tránh được những hiểm họa có thể thấy rất rõ rang”-Thượng tá, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Thuỳ phân tích.
Thượng tá Thuỳ cho rằng, việc tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội là quyền rất lớn của mỗi một người sử dụng mạng internet, khi việc làm này gần như là thỏa thuận giữa nhà cung cấp mạng xã hội với người sử dụng mà không có sự can thiệp từ các cơ quan quản lý, trừ khi nó có biểu hiện của sự vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, điều này rất khó khăn cho công tác quản lý.
“Việc tham gia vào bất cứ hội nhóm nào chỉ cần có một tài khoản và được chấp nhận từ người lập ra nhóm đó là người dùng có thể tham gia. Bất kể bình luận nào ở đây, nếu như chưa có biểu hiện vi phạm pháp luật thì chúng ta rất khó xử lý”- Thượng tá Thuỳ phân tích.
Chia sẻ về việc quản lý hiệu quả mạng xã hội, Phó Trưởng khoa Luật, Học viện An ninh Nhân dân cho hay, trước kia, chúng ta cũng có yêu cầu một số nhà mạng xã hội, nếu như sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam, phải đặt trụ sở ở Việt Nam. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến phản đối. Thậm chí có ý kiến cho rằng, đây là đi ngược lại “quyền tự do ngôn luận của công dân”.
Chính điều đó, dẫn đến thực tế, tất cả các vụ vi phạm pháp luật trong thời gian vừa qua là minh chứng cho thấy, chúng ta đang gặp khó khăn trong việc phối hợp với các nhà cung cấp nền tảng xã hội. Từ đó, dẫn đến tình trạng rất nhiều hội nhóm nguy hiểm trên mạng xã hội không được ngăn chặn kịp thời.
Trong tình cảnh hiện nay, có rất nhiều thông tin xấu độc trên mạng xã hội, do đó theo Thượng tá Thuỳ người sử dụng mạng xã hội phải là những người thông minh, tỉnh táo, biết nhận diện những thông tin xấu độc đó. Những hội nhóm nào có thể gây nguy cơ nguy hại ảnh hưởng đến tâm lý, cũng như hành vi của mình tuyệt đối tránh xa.
“Những người đang ở trạng thái tâm lý căng thẳng, mệt mỏi cần giải tỏa. Ví dụ, buồn chán về vấn đề gì đó trong cuộc sống, khi tham gia vào hội nhóm tiêu cực này, rất có thể có hành vi tiêu cực trong hội nhóm đó. Nó sẽ biến những hành vi tiêu cực này, thành những hành vi cụ thể, dẫn đến hành vi sai phạm trong thực tế, ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích của chính mình. Do đó, khi lựa chọn tham gia bất kỳ hội nhóm nào trên mạng xã hội, cần phải có một sự tỉnh táo, đánh giá tìm hiểu kỹ càng trước khi tham gia”- Thượng tá Thuỳ phân tích.
Theo Thượng tá Thuỳ, nếu xét thấy rằng, nó không mang lại những lợi ích mà chỉ đang tác động xấu hơn về mặt tâm lý đối với người dùng mạng cần tuyệt đối không tham gia. Nếu phát hiện ra hội nhóm đó, có biểu hiện tiêu cực, hoặc một số tài khoản có dấu hiệu kêu gọi những hành vi trái pháp luật, lệch chuẩn, cần báo cơ quan chức năng để thanh lọc.
“Những hội nhóm trên mạng xã hội dù là ảo nhưng hệ lụy của chúng là thật. Thành viên nào không đủ mạnh mẽ, không làm chủ bản thân thì khó thể vượt qua được sự kích động mà nghe theo lời xúi giục. Thông qua tương tác ảo mỗi ngày, cảm xúc tiêu cực lây lan, có thể tạo động lực để nhiều người thực hiện hành vi không đúng, thậm chí vi phạm pháp luật”- Thượng tá Thuỳ nói.
Từ khóa: hội nhóm, hội nhóm, tham gia hội nhóm trên mạng, lừa đảo trên mạng
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: nguyễn hiền/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN