Ngậm trái đắng khi "sập bẫy" việc nhẹ lương cao trên không gian mạng
Cập nhật: 21/12/2023
Vụ sát hại 4 người ở Hà Nội: Gia đình bị can không phải hộ nghèo
Công an Hải Dương liên tiếp phát hiện các đối tượng trốn truy nã
VOV.VN - Tình trạng phát tán tin nhắn trên không gian mạng có nội dung tuyển dụng việc làm với thù lao hậu hĩnh diễn biến phức tạp. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo của cơ quan chức năng, nhưng vẫn không ít người bị "sập bẫy". Cơ quan chức năng đã bắt, xử lý nhiều đối tượng, tuy nhiên các đối tượng liên tục thay đổi cách thức, hành vi để qua mặt cơ quan chức năng và người dân nhẹ dạ, cả tin.
Công an thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng đã nhận được đơn trình báo, tin tố giác của nhiều bị hại liên quan đến các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ hình thức tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng ảo cho các sàn thương mại điện tử.
Cụ thể, theo Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) hiện đơn vị đang thụ lý vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet. Bị hại trong quá trình tìm việc làm đã "sập bẫy" của tội phạm công nghệ cao khiến tài khoản mất trắng 100 triệu đồng.
Theo đơn trình báo của bị hại, ngày 16/12, nam thanh niên sinh năm 1993, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội lên mạng Internet tìm việc làm online. Người này sau đó nhận được lời mời làm cộng tác viên, với việc thực hiện các nhiệm vụ do "hệ thống" gửi tới để nhận được tiền "hoa hồng".
Nghe hấp dẫn, nam thanh niên liền đồng ý và chuyển tiền theo yêu cầu. Lúc đầu, tiền gốc và lãi đã được chuyển tới tài khoản của bị hại như lời hứa hẹn. Tuy nhiên, sau nhiều lần làm "nhiệm vụ" nhưng với những lý do tài khoản bị lỗi hay hệ thống đang bị treo, các đối tượng yêu cầu người này "bơm" tiền để nhận được cả gốc và lãi.
Với thủ đoạn này, nam thanh niên đã bị lừa mất số tiền 100 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng nên đã đến Công an phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy trình báo.
Hình thức lừa đảo khác đó là tuyển cộng tác viên bán hàng online. Một phụ nữ ở quận Thanh Xuân đã trở thành nạn nhân của chiêu trò này. Theo đó, vào ngày 5/11/2023, chị L (sinh năm 1992; trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đến Công an phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đơn trình báo, chị L thấy một tài khoản Facebook đăng tải thông tin tuyển cộng tác viên online. Chị L được nhân viên tư vấn nạp tiền thực hiện nhiệm vụ để được hưởng hoa hồng. Chị đã chuyển hơn 100 triệu đồng nhưng không nhận được tiền gốc và tiền hoa hồng. Lúc này, chị L mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo...
Theo cơ quan chức năng, các đối tượng dùng thủ đoạn giăng mồi ban đầu dẫn dụ để nạn nhân tin tưởng là kiếm tiền dễ dàng. Sau đó dùng chiêu trò đánh vào tâm lý thích “việc nhẹ, lương cao” của nhiều người để lừa đảo. "Mồi nhử" của các đối tượng rất hấp dẫn như mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10% đến 20%.
Sau khi dẫn dụ được nạn nhân chốt nhiều đơn hàng với số tiền lớn ở những lần tiếp theo, các đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra nhiều lý do khác nhau để không hoàn tiền và thanh toán hoa hồng như: Cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi… Lúc này, nếu muốn nhận lại tiền, phía bên kia sẽ yêu cầu nạn nhân phải chuyển khoản thêm tiền cho đơn hàng để lấy lại số tiền trước đó, nếu không sẽ bị mất toàn bộ.
Với tâm lý muốn lấy lại tiền, nhiều người đã tin theo và liên tục chuyển khoản cho bên lừa đảo. Sau khi nạn nhân hết tiền để chuyển khoản hoặc phát hiện bị lừa, các đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân qua điện thoại, Facebook. Đa phần đó là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, sinh viên có nhu cầu kiếm thêm thu nhập đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo...
Theo Bộ Công an, qua công tác đấu tranh cho thấy, tội phạm lừa đảo công nghệ cao với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Lực lượng Công an đã và đang tập trung triệt phá các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Những thủ đoạn lừa đảo không mới, báo chí, truyền thông và cả chính quyền liên tục cảnh báo, công an vào cuộc điều tra... nhưng danh sách nạn nhân vẫn dài ra mỗi ngày. Nguyên nhân chủ yếu do sự chủ quan và thiếu cảnh giác, đề phòng của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đã khiến cho các đối tượng phạm tội vẫn có thể dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phòng an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hà Nội cho biết, ngoài hình thức mạo danh các sàn thương mại điện tử tuyển cộng tác viên nhằm mục đích lừa đảo, còn có một số hình thức lừa đảo qua tuyển dụng lao động, cộng tác viên khác như: Tự tạo lập trang web thương mại điện tử khác để đăng ký tài khoản cộng tác viên, nhận nhiệm vụ hoặc lập các trang web giả mạo...
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo với thủ đoạn tuyển cộng tác viên online, trước hết, mỗi người chúng ta cần phải hiểu rằng, tất cả những công việc kiếm tiền quá dễ dàng đều tiểm ẩn cạm bẫy bất ngờ.
Đồng thời, người dân cũng cần lưu ý một số vấn đề sau để không sập bẫy lừa đảo: Tìm hiểu kỹ đối tượng đăng tin tuyển dụng; Cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng; Khi thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện bên kia có dấu hiệu chần chừ trong việc thanh toán tiền thì cần dừng ngay việc mua hàng. Nếu tiếp tục mua sản phẩm theo yêu cầu của bên kia, nạn nhân sẽ càng mất thêm nhiều tiền chứ không có chuyện được hoàn tiền và hoa hồng.
Rất khó để trình báo cơ quan chức năng đối với những trường hợp bị lừa đảo qua hình thức này bởi vì các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nick ảo và sim rác để nhắn tin, gọi điện. Vì các đối tượng lừa đảo và nạn nhân chỉ trao đổi với nhau qua mạng nên các thông tin liên hệ cũng như nhân thân về các đối tượng này rất mơ hồ, không xác thực. Bởi vậy, thực hiện việc tố cáo những hành vi trên để được xử lý theo quy định của pháp luật cũng rất khó khăn.
Khi không may trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo, nạn nhân có thể tố cáo đến cơ quan Công an theo hướng dẫn sau:
- Tố cáo qua đường dây nóng của Công an địa phương: Ví dụ tại Hà Nội, gọi đến đường dây nóng 113 hoặc số 069.219.4053 của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; tại TP. Hồ Chí Minh, gọi đến đường dây nóng 02838.413.744 hoặc 0693.187.680.
- Làm đơn tố cáo gửi đến Công an nơi thường trú hoặc nơi tạm trú để được giải quyết. Theo đó, người tố cáo cần chuẩn bị đơn tố cáo; giấy tờ, chứng cứ chứng minh bị lừa đảo, giấy tờ nhân thân của nạn nhân…
Từ khóa: sập bẫy, Ngậm trái đắng khi sập bẫy việc nhẹ lương cao,Ngậm trái đắng khi sập bẫy việc nhẹ lương cao trên không gian mạng. ,việc nhẹ lương cao, sập bẫy lừa đảo, lừa đảo trên mạng, lao động, việc làm, ngậm trái đắng
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: nguyễn hoàng/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN