Ngâm rượu đinh lăng đúng cách, không phải ai cũng biết

Cập nhật: 01/11/2023

VOV.VN - Rượu đinh lăng là thức uống được các quý ông ưa chuộng vì đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ, tuy nhiên muốn phát huy hiệu quả thì bạn phải biết ngâm sao cho đúng cách.

Theo y học cổ truyền, rễ (củ) đinh lăng vị ngọt, hơi đắng, tính mát, tác dụng bồi bổ khí huyết, lưu thông khí thuyết, đả thông kinh mạch, trị đau lưng rất tốt. Rễ đinh lăng vẫn thường được người dân ngâm rượu để uống bồi bổ sức khỏe.

Cách ngâm rượu đinh lăng tươi

Theo BS Vũ Duy Thành, Bệnh viện Đa khoa Nông Cống, Thanh Hóa, rượu đinh lăng tác dụng phong tán hàn, thông kinh mạch, tiêu viêm, điều trị đau lưng do phong hàn rất hiệu quả. Ngoài ra, nó còn giúp bồi bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe.  

Ưu điểm của việc ngâm rượu đinh lăng tươi là bình rượu thuốc có giá trị thẩm mỹ cao hơn. Đặc biệt, với những củ lâu năm, kích thước lớn, người ta thường ngâm tươi cả củ để trưng bày nhằm tăng vẻ sang trọng, đẳng cấp cho căn phòng, hoặc làm món quà biếu quý giá.

Thông thường loại củ đinh lăng đã trồng được 3 năm trở lên phù hợp nhất để ngâm rượu. Khi thu hoạch, rễ củ được cắt sát phần gốc (không cắt vào phần củ), sau đó rửa sạch đất cát, để chỗ râm mát, thoáng gió, hong trong một ngày cho ráo nước. Việc phơi trong bóng râm nhằm mục đích giữ cho đinh lăng luôn thơm và ổn định dược tính.

Để ngâm được hũ rượu đinh lăng tươi chuẩn, không có mùi tanh, bạn cần cạo bỏ vỏ ở phần cuối để các chất trong củ dễ tiết ra. 

Cách ngâm rượu đinh lăng tươi đơn giản: Sau khi làm sạch, bạn để củ thật khô rồi cho vào hũ thuỷ tinh; có thể cắt nhỏ hoặc ngâm cả củ. Do quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ của bình rượu nên mọi người thường chọn cách ngâm nguyên củ và xoay chuyển lựa thế đẹp. Nếu có điều kiện, có thể cho thêm sâm cau hoặc bạch tật lệ vào ngâm cùng.

Cho rượu gạo từ 40-45 độ vào bình sao cho ngập hết đinh lăng rồi đậy nắp lại. Với khoảng 1kg đinh lăng, bạn chỉ cần dùng 3 - 4 lít rượu.

Đặt hũ rượu ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời. Sau khoảng 30 ngày, khi rượu thuốc chuyển sang màu vàng là có thể dùng được. 

Cách ngâm củ đinh lăng khô

So với ngâm tươi, việc ngâm đinh lăng khô có những ưu điểm sau:

- Màu sắc hấp dẫn: Sau khi đem rễ đinh lăng phơi khô, sao vàng rồi ngâm, rượu thường có màu sắc đẹp và thơm hơn so vói ngâm củ tươi. Thời gian ngâm cũng nhanh hơn và khi uống sẽ có vị đậm đà hơn.

- Không làm giảm độ rượu: Việc ngâm đinh lăng khô giúp nồng độ rượu không giảm đi nhiều, còn đinh lăng tươi chứa nhiều nước nên sẽ làm rượu "nhẹ" đi.

- Dễ bảo quản: Một trong những ưu điểm của đinh lăng khô đó là có thể ngâm rượu bất cứ lúc nào.

Củ đinh lăng được cắt lát và phơi khô trong vòng 5 - 6 ngày mới đem ngâm. Thông thường, cần khoảng 4kg đinh lăng tươi để thu được 1kg đinh lăng khô.

Sau khi phơi khô, bạn cho đinh lăng vào chảo rang với lửa lớn khoảng 5 phút, để nguội rồi cho vào hũ thuỷ tinh, rót rượu vào.

Mỗi kg củ đinh lăng khô, bạn cần ngâm với khoảng 7 - 8 lít rượu. So với đinh lăng tươi thì thời gian ngâm đinh lăng khô sẽ lâu hơn, khoảng 3 tháng mới sử dụng được.

Lưu ý khi sử dụng rượu đinh lăng

Tuy là bài thuốc tốt nhưng đinh lăng ngâm rượu cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe nếu không được sử dụng hợp lý. Để tránh những tác hại của rượu đinh lăng, bạn nên lưu ý:

Dù sử dụng rượu đinh lăng với mục đích trị bệnh, bạn cũng không nên uống nhiều, chỉ sử dụng từ 1-2 chén nhỏ/ngày.

Khi bệnh đã khỏi thì không nên sử dụng tiếp.

Người bị bệnh gan không nên sử dụng rượu ngâm củ đinh lăng.

Phụ nữ đang mang thai, cho con bú không nên uống.

Không sử dụng rượu đinh lăng thay cho những loại rượu thông thường khác.

Từ khóa: rượu đinh lăng ,rượu đinh lăng, củ đinh lăng, cây đinh lăng, công dụng của đinh lăng, bài thuốc cổ truyền

Thể loại: Đời sống

Tác giả: mai linh/vtc news

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập