Nga và Ukraine nêu điều kiện “sống còn”, đàm phán rơi vào bế tắc

Cập nhật: 30/12/2022

VOV.VN - Cả Nga và Ukraine đều tuyên bố sẵn sàng đối thoại nhưng điều kiện của các các bên để tham gia cuộc đàm phán lại cho thấy điều ngược lại.

Lập trường cứng rắn của cả Nga và Ukraine

Khi các cuộc giao tranh ngày càng trở nên dữ dội hơn và binh sỹ 2 nước phải dầm mình trong cái lạnh tê tái giữa mùa Đông, các quan chức Nga và Ukraine tuyên bố họ sẵn sàng đàm phán về một thỏa thuận hòa bình.

Nhà lãnh đạo Ukraine trong tuần này đã gửi đi tín hiệu mong muốn có một hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Liên Hợp Quốc điều phối, nhưng giới phân tích cho rằng, triển vọng đàm phán trực tiếp giữa các bên vẫn nằm ngoài tầm với. Bởi cả Moscow và Kiev đều không nhất trí với các điều khoản mà đối phương đưa ra và cũng không bên nào tỏ ra sẵn sàng nhượng bộ để có thể khởi động các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột.

Ukraine đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào cuối tháng 2/2022, nhưng cho biết Nga chỉ có thể tham gia nếu họ đối mặt với một phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh. Điều này đã dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ phía Điện Kremlin. Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng, Kiev phải chấp nhận tất cả các yêu cầu của Moscow, trong đó có việc từ bỏ 4 khu vực vừa bỏ phiếu sáp nhập vào Nga. “Nếu Ukraine không chấp nhận, quân đội Nga sẽ giải quyết vấn đề này”, ông Lavrov tuyên bố.

Hôm 28/12, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri S. Peskov cho biết, Nga không thể chấp nhận một kế hoạch hòa bình không công nhận 4 vùng lãnh thổ đó là một phần của Nga: “Bất cứ đề xuất nào không tính đến trường hợp này đều không thể coi là kế hoạch hòa bình”.

Theo các nhà quan sát, sở dĩ 2 bên đều giữ nguyên lập trường cứng rắn là bởi họ tin rằng họ có thể đạt được nhiều bước tiến hơn trên chiến trường. Marnie Howlett, nhà khoa học chính trị và là giảng viên về Chính trị Nga và Đông Âu tại Đại học Oxford nhận định: “Xét theo quan điểm của Nga và Ukraine, không nhất thiết phải thúc đẩy việc thương lượng về một thỏa thuận hòa bình hoặc một số hình thức đàm phán, nhưng cần phải thúc đẩy việc kiềm chế các hành động quân sự”.

Còn Jim Townsend, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề châu Âu và NATO cho rằng: “Vẫn còn một chặng đường dài trước khi các bên sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và đối thoại”.

Ukraine đang cố gắng duy trì đà tiến, sau khi giành lại một số vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm giữ kể từ đầu cuộc chiến. Nhưng các lực lượng Nga vẫn kiểm soát những khu vực rộng lớn ở phía Đông và phía Nam. Moscow được cho là đang chuẩn bị điều động thêm lực lượng ra chiến trường và tiến hành nhiều cuộc không kích hơn vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Trước đó, hôm 28/12, quân đội Ukraine cáo buộc Nga tiến hành một loạt cuộc tấn công vào thành phố Kherson ở miền Nam. Kherson đang trở thành tâm điểm giao tranh và liên tiếp phải hướng chịu các đợt pháo kích kể từ khi Ukraine kiểm soát thành phố này vào tháng 11. Nga được cho là đã sử dụng các cứ điểm mới ở bờ đối diện của sông Dnipro để tiến hành cuộc tấn công.

Quyết tâm chiến đấu của 2 bên

Xung đột Nga-Ukraine đã bước sang ngày thứ 300 nhưng không có cuộc đàm phán hòa bình nào giữa hai bên kể từ tháng 3 vừa qua. Cả Moscow lẫn Kiev đều gửi đi tín hiệu quyết tâm chiến đấu.

Trong chuyến thăm Washington tuần trước, Tổng thống Zelensky nói rằng, các khoản viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ cùng đồng minh sẽ giúp Ukraine duy trì cuộc phản công cho đến năm 2023, đồng thời nhấn mạnh “Ukraine cần phải đánh bại Nga trên chiến trường”.

Về phía Nga, Tổng thống Putin khẳng định ông sẵn sàng đàm phán để mang lại “những kết quả có thể chấp nhận được”, song khẳng định “99.9% công dân của chúng tôi sẵn sàng hy sinh mọi thứ để bảo vệ lợi ích của đất nước”.

Các quan chức phương Tây đã tỏ ra hoài nghi về lời đề nghị đàm phán của Tổng thống Putin khi Nga vẫn tiếp tục tấn công dữ dội vào các mục tiêu của Ukraine và nhiều lần tuyên bố tiếp tục chiến đấu vì sự sống còn của chính mình. Theo giới phân tích, ông Putin dường như muốn gửi đi thông điệp rằng, Nga sẽ sớm giành được chiến thắng và nếu Ukraine rút lui họ sẽ ít chịu tổn thất hơn.

Karin von Hippel, Giám đốc Điều hành Tổ chức nghiên cứu RUSI (Royal United Services Institute) cho rằng: “Cả hai bên vẫn đang bước đi trên một chặng đuòng dài. Ông Putin cảm thấy ông có thể giành được nhiều hơn vì Nga vẫn còn nhiều tiềm lực quân sự và tài chính”.

Phát biểu trong cuộc gặp các quan chức quân sự cấp cao, Tổng thống Putin cho biết, trong số số 300.000 quân dự bị được triệu tập vào mùa thu 2022, một nửa vẫn đang ở các căn cứ huấn luyện và trở thành lực lượng dự bị chiến lược, chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc giao tranh trong tương lai. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, nền kinh tế nước này đã giảm 2% trong 11 tháng qua. Đây là mức suy giảm nhỏ hơn so với dự đoán của nhiều chuyên gia khi xung đột nổ ra, đồng thời chứng minh Moscow đã thành công trong việc vượt qua tác động của lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt. Tổng thống Putin cũng khẳng định rằng "không có giới hạn" đối với chi tiêu quân sự của Nga.

Triển vọng đàm phán lu mờ

Trong các cuộc đàm phán vào tháng 3, phía Ukraine đã đề xuất theo đuổi quy chế trung lập, nghĩa là từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO – điều mà Nga phản đối từ lâu để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ các quốc gia khác. Kiev cũng đề xuất các cuộc đàm phán riêng rẽ về tình trạng của Crimea và khu vực Donbass. Nhưng những điều khoản này hiện giờ không còn được nhắc đến.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn hàng đầu của ông Zelensky nêu rõ: “Bối cảnh ở Ukraine đã thay đổi rất nhiều. Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều cuộc giao tranh”.

Vào tháng 11/2022, Tổng thống Zelensky đã trình bày kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm, kêu gọi Nga rút quân ra khỏi lãnh thổ Ukraine, trong đó có Crimea và Donbass, thả tù nhân và bồi thường thiệt hại do xung đột gây ra. Tuy nhiên, đề xuất của nhà lãnh đạo Ukraine chỉ nhận được phản ứng thận trọng từ Mỹ và châu Âu. Tổng thống Mỹ Joe Biden không bình luận về đề xuất này, chỉ nói rằng Mỹ và Ukraine có chung tầm nhìn về hòa bình.

Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết, trong tuần này ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Ấn Độ về kế hoạch hòa bình trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi – vốn được coi là người trung gian hòa giải tiềm năng trong các cuộc đàm phán. Một nhà trung gian khác là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đã thúc đẩy thành công thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen, có sự tham gia của Nga, Ukraine và Liên Hợp Quốc. Thỏa thuận đó, cùng với các đợt trao đổi tù nhân giữa Ukraine và Nga, đã mang lại hy vọng rằng một ngày nào đó hai bên có thể thảo luận về lệnh ngừng bắn.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng, cả Moscow và Kiev phải chứng minh rằng họ sẽ đàm phán một cách thiện chí và hành động theo các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào để gây dựng niềm tin./.

Từ khóa: xung đột nga ukraine, chiến sự nga ukraine, nga và ukraine nêu điều kiện đàm phán, 4 vùng lãnh thổ sáp nhập nga, Crimea, Donbass, điều kiện đàm phán của nga, điều kiện đàm phán của ukraine, hội nghị thượng đỉnh hòa bình, kế hoạch hòa bình 10 điểm của ukraine, thổ nhĩ kỳ, ukraine gia nhập nato, điều kiện chấm dứt xung đột, giao tranh nga ukraine, đàm phán hòa bình, phương tây trừng phạt nga, kinh tế nga, nga đối phó trừng phạt

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập