Nga và Ukraine có thể chấm dứt xung đột vào năm 2025?
Cập nhật: 3 ngày trước
VOV.VN - Những tranh cãi về việc kết của cuộc xung đột Nga-Ukrane trong năm 2025 tới nay vẫn chưa đi tới kết thúc, trong bối cảnh nhiều chuyên gia cho rằng, hai bên tham chiến sẽ khó đạt được hòa bình lâu dài chỉ với một lệnh ngừng bắn.
Theo chuyên gia nghiên cứu Kateryna Stepanenko thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), rất khó đạt để Nga và Ukraine đạt được hòa bình trong năm 2025. Điều này là do Điện Kremlin vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu là yêu cầu Ukraine giữ thế trung lập về chính trị và công nhận bốn vùng lãnh thổ Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye cũng như bán đảo Crimea. Đối với Moscow, đây là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào và không có khả năng sẽ lùi bước trước những yêu cầu này.
Bà Anne-Marie Slaughter - cựu Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ lại cho rằng, dù hi vọng vào một nền hòa bình lâu dài khá xa vời nhưng hai bên tham chiến sẽ "đạt được lệnh ngừng bắn có thể kéo dài thành hòa bình lạnh", tương tự trường hợp của Triều Tiên và Hàn Quốc.
"Lệnh ngừng bắn sẽ mang lại cho Nga và Ukraine thời gian nghỉ cần thiết sau một thời gian dài giao tranh, trong khi ông Trump có thể hiện thực hóa tuyên bố về việc chấm dứt xung đột của mình. Điều này không giống với việc thiết lập hòa bình, bởi xung đột có thể trở lại bất kỳ lúc nào", bà Slaughter nói.
Nhìn vào thực tế trên chiến trường, Tiến sĩ Jamie Shea thuộc Chương trình An ninh Quốc tế, Chatham House cho rằng một thỏa thuận ngừng bắn là giải pháp tốt nhất dành cho Nga và Ukraine, dù là trong ngắn hạn. Tình trạng thiếu hụt vũ khí, nhân lực nghiêm trọng của hai bên tham chiến cùng với áp lực đẩy nhanh tiến trình từ Mỹ và phương Tây có thể sớm buộc hai bên tham chiến cùng ngồi vào bàn đàm phán.
"Ukraine rõ ràng đã kiệt sức và đang gặp khó khăn trong việc bổ sung quân số cho tiền tuyến, cũng như ngăn chặn các bước tiến tiếp theo của Nga vào khu vực Donetsk. Kiev cần phải đạt được lệnh ngừng bắn và đàm phán hòa bình ngay bây giờ trước khi mất thêm lãnh thổ vào tay Nga. Ngược lại, nền kinh tế thời chiến của Nga sẽ khó trụ vững trong thời gian dài", Tiến sĩ Jamie Shea nói.
Nhóm cố vấn của ông Trump được cho là có ý định sẽ sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ như một động lực nhằm thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn, đe dọa cắt đứt nguồn viện trợ dành cho Ukraine nếu Tổng thống Zelensky từ chối đàm phán và ngược lại sẽ tăng đáng kể các nguồn lực này trong trường hợp không nhận được cái gật đầu của nhà lãnh đạo Nga Putin. Bằng cách này, chính quyền tiếp theo của Mỹ hi vọng cuộc chiến ở Ukraine sớm chấm dứt vào năm tới.
Ông Shae nhận định, điều ngăn trở Kiev chạm tay tới hòa bình là yêu cầu bất biến đối với tư cách thành viên NATO. Đó là không kể, cuộc thảo luận trong nội bộ phương Tây về các điều khoản liên quan đến việc hỗ trợ người tị nạn hồi hương, chuyển giao tù binh chiến tranh, triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine và xây dựng các khu phi quân sự giữa Nga - Ukraine còn chưa đi đến hồi kết. Ngoài ra, một câu hỏi lớn khác đối với NATO và EU là làm thế nào để ngăn chặn xung đột quay trở lại, bình thường hóa quan hệ với Moscow và tránh biến châu Âu thành một phe tham chiến trực tiếp tới nay vẫn đang để ngỏ.
"Trước khi đặt bút ký vào một lệnh ngừng bắn trong năm tới, các bên cần chuẩn bị tinh thần cho khả năng xung đột sẽ quay trở lại sau trạng thái đóng băng. Điều này khiến số phận của Ukraine sau đó càng trở nên bấp bênh", ông Shae cảnh báo.
Theo cựu Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga - ông Vladimir Milov, bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào xuất hiện vội vàng ở thời điểm này cũng dễ đổ vỡ, tương tự như các thỏa thuận Minsk trước đây. Thỏa thuận Minsk được Bộ tứ Normandy, bao gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức thúc đẩy tại thủ đô của Belarus năm 2015, nhằm kết thúc cuộc xung đột kéo dài 10 tháng ở miền Đông Ukraine bằng cách cho phép Donetsk và Minsk tách ra thành những quốc gia độc lập. Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa từng được triển khai đầy đủ.
Từ khóa: Ukraine, nga, hòa bình, trump
Thể loại: Thế giới
Tác giả: diệp thảo/vov.vn (biên dịch)
Nguồn tin: VOVVN