Nga trình làng thiết kế tàu ngầm hạt nhân mới dành riêng cho vùng Bắc Cực

Cập nhật: 18/08/2022

VOV.VN - Viện thiết kế hàng hải trung ương Rubin cho biết, Bắc Cực sẽ là khu vực hoạt động chính của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân Arcturus do tầm quan trọng ngày càng lớn của khu vực này đối với Nga.  

Hãng thông tấn RIA Novosti đưa tin, Viện thiết kế hàng hải trung ương Rubin của Nga vừa công bố mô hình thiết kế tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thế hệ mới có tên gọi Arcturus – được đặt theo tên của ngôi sao sáng nhất ở Bắc bán cầu.

Arcturus sẽ có thiết kế đặc biệt

Chuyên gia quân sự người Mỹ H.I. Sutton của Naval News cho biết, chiếc tàu được giới thiệu có đặc điểm nổi bật: phần thân rất khác thường, trông giống như thân của các chiến đấu cơ hiện đại có khả năng quan sát thấp như F-22 và F-35. Đây là thiết kế hoàn toàn mới, chưa từng được nhìn thấy trên bất cứ phương tiện nào khác của Nga. Trong khi đó, một số tàu ngầm thế hệ mới như Type-212CD – đang được đóng cho Đức và Na Uy hay tàu ngầm SSBN lớp Dreadnought của Anh có hình thức bên ngoài giống nhau.

Theo nhà phân tích này, nhiều khả năng Arcturus sẽ sở hữu lớp vỏ ngoài có khả năng cách âm từ bên trong và hấp thụ sóng âm từ bên ngoài. Lớp vỏ này giảm khả năng phát hiện mục tiêu từ sonar chủ động và thụ động của đối phương – một công nghệ Nga sử dụng rộng rãi đối với các tàu ngầm của nước này.

Viện thiết kế hàng hải trung ương Rubin cho biết, kích thước của Arcturus giảm 20% so với kích thước của các tàu ngầm SSBN trước đó do cải tiến trong công nghệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Nhà phân tích quốc phòng Joseph Trevithick lưu ý, Arcturus dường như có kích thước nhỏ hơn tàu ngầm hơn, dù thân tàu rộng hơn. Ông cho biết, Mỹ và Thụy Điển cũng thử nghiệm những thân tàu có hình dạng tương tự trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo chuyên gia này, tàu ngầm mới có thể có động cơ đẩy phản lực nước hiệu quả hơn so với động cơ cánh quạt thông thường, giúp nó giảm tiếng ồn khi hoạt động dưới nước.

Theo Viện thiết kế hàng hải trung ương Rubin, Arcturus có hệ thống đẩy được thiết kế đặc biệt, làm gia tăng khả năng cơ động và độ tin cậy. Theo Rubin, tính năng tàng hình vẫn là đặc tính quan trọng nhất của tàu ngầm và công nghệ tàng hình đang phát triển nhanh chóng để đối phó với các mối đe dọa, đặc biệt là sonar chủ động tần số thấp chuyên được sử dụng để phát hiện tàu ngầm lặn sâu.

Trang bị vũ khí "khủng"

Về mặt trang bị vũ khí, Arcturus có 12 ống phóng tên lửa lớn dọc theo thân sau và 4 ống phóng ngư lôi, trong khi tàu ngầm lớp Borei có 16 ống phóng tên lửa. Theo Rubin, nhờ những cải tiến trong công nghệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SSBN), nên Arcturus chỉ cần sử dụng một số lượng ít tên lửa để xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đối phương. Những tên lửa này có thể là phiên bản nâng cấp của tên lửa RSM-56 Bulava đang được Nga trang bị cho tàu ngầm lớp Borei, thậm chí là tên lửa siêu thanh phóng từ tàu ngầm mà Nga đã thử nghiệm vào tháng 10/2021. Đáng chú ý, Arcturus có thể triển khai thiết bị không người lái dưới nước để phát hiện các mục tiêu của đối phương ở phạm vi rộng.

Chuyên gia quân sự Sutton cho rằng, Arcturus có thể mang theo 2 hoặc 3 phương tiện tự hành dưới nước Surrogate-V (AUV) dành cho các hoạt động tác chiến chống tàu ngầm (ASW). Surrogate-V được trang bị hệ thống sonar, động cơ đẩy phản lực nước và hệ thống dò tìm không phát ra âm thanh để phát hiện dấu vết hóa học và bức xạ từ tàu ngầm của đối phương.

Ông Sutton lưu ý Surrogate-V có thể được sử dụng làm mồi nhử, ám chỉ việc trước đó Rubin đã phát triển những phương tiện tự hành dưới nước có thể mô phỏng hoạt động của tàu ngầm. Nhờ đặc tính này, Surrogate-V cũng có thể trở thành phương tiện để thử nghiệm vũ khí của Arcturus hoặc các loại thiết bị khác của hải quân Nga.

Phù hợp với môi trường tiềm ẩn nhiều xung đột tại Bắc Cực

Viện thiết kế hàng hải trung ương Rubin cho biết, Bắc Cực sẽ là khu vực hoạt động chính của Arcturus do tầm quan trọng ngày càng lớn của khu vực này đối với Nga.  

Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế nhận định, hiện tượng ấm lên toàn cầu đã khiến các bên có tuyên bố chủ quyền tại Bắc Cực, chẳng hạn như Nga dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn dầu mỏ và khí đốt dồi dào trong khu vực. Hiện doanh thu từ năng lượng chiếm 30% ngân sách liên bang của Nga. Nguồn thu này rất quan trọng, không chỉ là quỹ dự phòng trong trường hợp Nga phải đối mặt với bất ổn chính trị hoặc suy thoái kinh tế mà còn được sử dụng cho việc hiện đại hóa quân đội Nga.

Học thuyết Hải quân 2022 của Nga cũng khẳng định tầm quan trọng của Bắc Cực, đối với lợi ích quốc gia, nêu rõ sự cần thiết phải đầu tư, phát triển khu vực và chú ý đến nguy cơ xảu ra xung đột. Moscow luôn coi sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của một số quốc gia khác trong khu vực là nỗ lực nhằm ngăn cản Nga phát triển tuyến đường biển phương Bắc (NSR) chạy từ biển Barents đến eo biển Bering.   

Về mặt quân sự, Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng, mối quan tâm hàng đầu của Nga tại Bắc Cực là đảm bảo các tàu SSBN của nước này ở Bán đảo Kola có thể chống lại cuộc tấn công của NATO, phù hợp với “chiến lược pháo đài” nhằm tạo ra những khu vực được bảo vệ kiên cố ở Bắc Cực.

Khu vực này được bảo vệ bởi nhiều lớp phòng thủ, bao gồm tàu chiến trên mặt nước, các hệ thống tên lửa, máy bay chiến đấu, tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) và tàu ngầm tấn công thông thường (SSK), giúp đảm bảo an toàn cho hoạt động răn đe hạt nhân dưới biển của Nga.

Theo Quỹ Carnegie, Nga muốn duy trì khả năng hoạt động ở sườn Đông NATO trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai bên. Hạm đội phương Bắc của Nga có thể tiếp cận trực tiếp Biển Barents và Biển Na Uy cũng như ở Đại Tây Dương. Khả năng hoạt động của Nga tại các khu vực này có thể là yếu tố quyết định trong bất cứ cuộc xung đột tiềm tàng nào với NATO. Ngoài ra, Moscow cũng muốn bảo vệ các lợi ích kinh tế ở Bắc Cực.

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, Nga cần phải có năng lực phản ứng nhanh trước các sự cố hoặc ít nhất là duy trì sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực. Do vậy, Arcturus có thể trở thành một vũ khí quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của Nga trong khu vực

Các chuyên gia Sutton và Trevithick lưu ý, những khó khăn về kinh tế mà Nga đang phải đối mặt do các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể cản trở quá trình đóng tàu ngầm Arcturus. Tuy vậy, ông Trevithick cho rằng, việc chế tạo tàu ngầm tiên tiến của Nga đã thu được những kết quả ngoài mong đợi. Mỹ cho rằng các tàu ngầm thế hệ mới của Nga có năng lực tương đương với tàu ngầm Mỹ và có thể trở thành mối đe dọa tiềm ẩn khi hoạt động gần các bờ biển của Mỹ./.

Từ khóa: Nga phát triểu tàu ngầm hạt nhân Arcturus, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, tàu ngầm SSBN, Nga đóng tàu ngầm hạt nhân mới, chiến tranh Bắc Cực, cạnh tranh lợi ích tại bắc cực, vũ khí nga, tàu ngầm Arcturus, lợi ích của nga tại bắc cực, thiết bị tự hành dưới nước, tàu ngầm dành riêng cho bắc cực

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập