Nga-Thổ đạt thỏa thuận về Syria: Mỹ đã thua trắng tay?

Cập nhật: 23/10/2019

VOV.VN - Với bản thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, người Mỹ không có chỗ trong việc định hình tương lai của Syria, còn Moscow gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gặp nhau ở thành phố nghỉ dưỡng Sochi ngày 22/10 với một chương trình chung về việc định hình "nước cờ cuối" trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 8 năm của Syria.

Hai nhà lãnh đạo đã công bố bản ghi nhớ 10 điểm với một dòng cuối không được nhắc đến: người Mỹ không có chỗ trong việc định hình tương lai của Syria.

nga-tho dat thoa thuan ve syria: my da thua trang tay? hinh 1
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin họp báo sau cuộc gặp ở Sochi. Ảnh: Irish Times

Putin và Erdogan đã thỏa thuận những gì?

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố một thỏa thuận rộng rãi theo đó giải quyết được mối lo ngại lớn của Thổ Nhĩ Kỳ: sự hiện diện của Các đơn vị bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) gần biên giới. Thỏa thuận cũng thừa nhận mối lo sợ lớn của người Kurd: các nhóm phiến quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn có thể sẽ tiến hành một chiến dịch càn quét sắc tộc nhằm vào họ và các nhóm thiểu số khác.

Theo thỏa thuận, lực lượng quân cảnh Nga và bảo vệ biên giới Syria sẽ tiến vào khu vực miền Bắc giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ từ trưa 23/10. Trong vòng 150 giờ kế tiếp, YPG sẽ rút lực lượng cùng vũ khí ra khỏi phạm vi 30km từ đường biên giới. Sau đó, quân cảnh Nga và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành tuần tra chung trong khu vực 10km.

Cũng có một số ngoại lệ: thị trấn Qamishili sẽ không nằm trong vùng tuần tra chung 10km này và hiện chưa rõ thỏa thuận có áp dụng trên toàn bộ chiều dài đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria hay không, hay chỉ ở các khu vực mà người Kurd đã nắm quyền kiểm soát.

Ý nghĩa với người Kurd

Người Kurd sẽ phải nhượng bộ. Theo thỏa thuận, YPG sẽ phải nhượng bộ và rút ra ngoài vùng xung đột hiện nay, trong đó có các thành phố Manbij và Tal Rifaat.

Tuy nhiên, thỏa thuận cũng cho thấy, người Kurd sẽ có “người bảo lãnh” mới. Sau khi Tổng thống Donald Trump phản bội người Kurd bằng cách ra lệnh rút các lực lượng Mỹ khỏi Syria, bỏ mặc YPG trước chiến dịch của Thổ Nhỹ Kỳ, thì vai trò này đã rơi vào tay Nga.

Giờ đây, Moscow sẽ có cớ triển khai thêm binh sỹ và thiết bị tới Syria như một phần của nhiệm vụ được mở rộng. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: với lực lượng ít ỏi của Nga trên thực địa, người Kurd ở Syria dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận để quân đội Syria được Nga hậu thuẫn tiến vào các khu vực mà họ kiểm soát.

Ai thắng ai thua trong sự sắp xếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ?

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể ủng hộ những bên đối lập nhau trong cuộc nội chiến Syria: Moscow hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Ankara hậu thuẫn các nhóm phiến quân muốn lật đổ chính quyền Assad. Tuy nhiên cả Tổng thống Putin và người đồng cấp Erdogan dường như lại muốn một kết cục không liên quan tới việc vẽ lại các đường biên giới quốc tế hay cổ xúy các phong trào ly khai – điều mà nhiều nước đang phải đối mặt.

Ông Putin nói rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý sẽ tôn trọng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Syria, điều mà ông nhắc đến như một thành công trong chính sách ngoại giao.

Một điểm cộng nữa cho Tổng thống Putin là Nga giờ đây đã đảm bảo rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải đàm phán trực tiếp với chính quyền Syria. Sự hỗ trợ của Nga đã làm đổi chiều cuộc chiến theo hướng có lợi cho chính quyền Assad.

Tuy nhiên, có một điểm chưa được giải quyết trong thỏa thuận là Thổ Nhĩ Kỳ và các bên ủy nhiệm sẽ làm thế nào với bất cứ nhóm vũ trang người Kurd còn lại trong vùng đệm mới. Bất cứ sự tàn sát nào nhằm trực tiếp vào người Kurd sẽ trở thành thất bại của Nga.

Dù vậy, người thua cuộc lớn nhất trong thỏa thuận này là Mỹ. Sự rút quân chóng vánh của Mỹ đã để người Kurd thành món quà cho Putin.

Mỹ “bẽ bàng” khi cánh phóng viên, đặc biệt là Nga liên tục khai thác hình ảnh về căn cứ quân sự mà Mỹ bỏ lại ở Syria giống như một cuộc tháo chạy. Thỏa thuận ngày 22/10 càng thêm vào sự bẽ bàng của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu còn tuyên bố rằng, đã đến lúc người Mỹ rời khỏi Syria.

Nga khẳng định ảnh hưởng ở Trung Đông

Chuyến thăm vội vàng của ông Erdogan tới Sochi ngày 22/10 dường như đã khẳng định tầm ảnh hưởng của Nga cũng như Tổng thống Putin ở Trung Đông. Có vẻ như ngày càng rõ ràng là Nga sẽ trở thành “người phán xử” cán cân quyền lực trong khu vực.

Khi Tổng thống Trump đặt câu hỏi về các liên minh của Mỹ và việc triển khai binh sỹ Mỹ khắp thế giới, thì Nga, cũng như Trung Quốc đã bắt đầu chuẩn bị, sẵn sàng lấp chỗ trống quyền lực mà nước Mỹ ngày càng theo chủ nghĩa biệt lập bỏ lại. Ở Syria, cả Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan đều nắm bắt cơ hội từ quyết định rút quân đột ngột của ông Trump.

Ông Erdogan từ rất lâu đã muốn đi đến một cuộc chiến chống lại lực lượng người Kurd dẫn đầu ở đông bắc Syria nhưng vẫn chưa dám thực hiện khi “người bảo trợ” của người Kurd là Mỹ vẫn đồn trú trong khu vực. Sau khi ông Trump đồng ý rút các lực lượng khỏi đây, ông Erdogan ngay lập tức tiến hành chiến dịch quân sự.

Cuộc gặp ở Sochi bắt đầu vài giờ trước khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd ở Syria do Mỹ bảo trợ hết hạn.

“Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ chơi với Mỹ để chống Nga và chơi với Nga để chống Mỹ”, Sinan Ulgen, Chủ tịch Trung tâm Chính sách ngoại giao và Kinh tế có trụ sở tại Istanbul nói. “Giờ bối cảnh không còn như vậy nữa và Nga đã định hình trở thành đối tác thực sự duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria”.

Cuộc gặp ở Sochi dường như là đỉnh điểm trong chiến lược nhiều năm qua của ông Putin theo đó lợi dụng sự chia rẽ của phương Tây để xây dựng mối quan hệ gần gũi hơi với Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO và là một đồng minh chủ chốt của Mỹ, và gia tăng ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông.

Khi mà Mỹ và các nước châu Âu lung lay về cách tiếp cận với Syria –cho tới sự thất vọng của Thổ Nhĩ Kỳ và các cường quốc Trung Đông khác, thì Nga chọn bảo vệ đồng minh của mình – chính quyền Assad.

Ông Putin, người đã tận dụng cơ hội để tạo sự chia rẽ trong các đồng minh phương Tây, đã hướng gần hơn tới Erdogan. Hai người đã gặp nhau 8 lần từ đầu năm tới nay, theo Yuro Ushakov, một cố vấn chính sách ngoại giao của Kremlin.

Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin còn “nuôi dưỡng” mối quan hệ với đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực là Israel.

Nga “không có khả năng về kinh tế hay quân sự như Mỹ, nhưng lại rất giỏi trong việc sử dụng sức mạnh của mình theo cách hạn chế nhưng lại cực kỳ hiệu quả”, Howard Eissenstat, một giáo sư về lịch sử Trung Đông tại Đại học St. Lawrence ở New York (Mỹ) nhận định./.

Từ khóa: thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Trung Đông, Tổng thống Nga Putin, người Kurd

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập