Nga-Mỹ mở lại đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân: Không nhiều kỳ vọng
Cập nhật: 23/06/2020
Vũ khí giúp Ukraine hạ gục loạt xe bọc thép hạng nặng của Nga
Quân khu 9 chăm lo xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị
VOV.VN - Mỹ và Nga tiếp tục đàm phán tại Vienna, Áo về tương lai của Hiệp ước New START song giới quan sát không đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán này.
Dù là thỏa thuận kiểm soát vũ khí cuối cùng còn hiệu lực giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, song Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược Mới (New START) lại đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi Mỹ một mực coi sự tham gia của Trung Quốc như một điều kiện tiên quyết.
Ảnh minh họa: Reuters |
Các cuộc thảo luận diễn ra trong 2 ngày hôm qua và hôm nay, với sự tham dự của Đại sứ Marshall Billingslea, đại diện của Tổng thống Mỹ về vấn đề giải giáp vũ khí và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Tuy nhiên, giới quan sát không đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán này.
Chuyên gia Daryl Kimball, đứng đầu Hiệp hội kiểm soát vũ khí, một tổ chức độc lập của Mỹ nhận định, chính quyền Tổng thống Trump dường như không có ý định gia hạn New START và đang tìm cách biến sự không tham gia của Trung Quốc thành cái cớ hợp lý để rút khỏi hiệp ước. Mới đây nhất ngay trong ngày đàm phán đầu tiên, Đại sứ Marshall Billingslea đã đăng tải trên Twitter cá nhân hình ảnh cờ Trung Quốc và những chiếc ghế trống bên cạnh để nhấn mạnh sự vắng mặt của Bắc Kinh.
Theo quan chức Mỹ này, Trung Quốc vẫn luôn che giấu sức mạnh hạt nhân của mình đằng sau “những bức tường Vạn Lý Trường Thành”. Trung Quốc đã ngay lập tức có phản ứng mạnh mẽ khi cáo buộc Mỹ tự ý bố trí cờ Trung Quốc mà không có sự chấp thuận.
Theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Nga và Mỹ hiện sở hữu tới hơn 90% kho vũ hạt nhân trên thế giới, trong đó Mỹ là khoảng 5.800 đầu đạn hạt nhân và Nga là khoảng 6.375, so với 320 của Trung Quốc, 290 của Pháp và 215 của Anh.
Bắc Kinh tới nay dù từ chối tham gia các cuộc đàm phán về hạt nhân, song vẫn để ngỏ khả năng cho một khuôn khổ đa phương. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, để tạo điều kiện cho các khuôn khổ đàm phán đa phương, Mỹ trước tiên cần phải giảm mạnh các kho hạt nhân của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh: “Lập trường rõ ràng và nhất quán của Trung Quốc rằng, chúng tôi không có ý định tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên với Mỹ và Nga. Những quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất nên đặc biệt ưu tiên cho giải trừ hạt nhân. Trong tình hình hiện nay, Mỹ nên tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Nga nhằm gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, tiếp tục cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để tạo điều kiện cho các quốc gia khác có vũ khí hạt nhân tham gia đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương”.
Được ký năm 2010 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, điểm khiến New START được đánh giá là có tính thực tiễn hơn hẳn so với Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là cả Nga và Mỹ đều có thể xác minh được quá trình dỡ bỏ vũ khí diễn ra như thế nào. Nga nhiều lần hối thúc Mỹ chấp nhận gia hạn New START, đồng thời nhấn mạnh sự kết thúc của hiệp ước này cũng đồng nghĩa với sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi 3 thỏa thuận quốc tế về kiểm soát vũ khí. Theo chuyên gia Shannon Kile, Giám đốc Chương trình giải giáp vũ khí hạt nhân, nếu New START bị hủy bỏ, thì đây sẽ là lần đầu tiên hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới không có một bản hiệp ước nào ngăn cản phát triển các loại vũ khí hạt nhân kể từ năm 1972./.
Nga: Mỹ rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở là cú đánh với an ninh châu Âu
Từ khóa: vũ khí hạt nhân, hiệp ước New START, hiệp ước Nga Mỹ, Trung Quốc, đàm phán Nga Mỹ
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN