Nga gọi Mỹ là “người đào mồ” chôn Hiệp ước INF
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng Mỹ đã khởi động và hoàn thành việc rút khỏi hiệp ước INF một cách đơn phương.
Trưa 5/8 (theo giờ Moscow), tại trụ sở của Bộ Ngoại giao Nga đã diễn ra cuộc họp báo do Thứ trưởng Sergei Ryabkov chủ trì, xoay quanh chủ đề chấm dứt Hiệp ước Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF) và nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: Sputnik |
Mở đầu cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định, trong những năm qua Moscow luôn tuân thủ các quy định của Hiệp ước này. Theo ông, mặc dù Mỹ luôn cáo buộc Nga vi phạm, nhưng không đưa ra được bằng chứng nào. Ngược lại, ông Ryabkov chỉ trích Mỹ trong suốt thời gian qua đã không ngừng vi phạm và đưa ra nhiều khiêu khích nhằm phá hủy hiệp ước này. Ông Ryabkov khẳng định, việc Mỹ tuyên bố chấm dứt hiệu lực của hiệp ước vào ngày 2/8 vừa qua là giáng một đòn mạnh vào hệ thống kiểm soát vũ khí đã được tạo ra từ hàng chục năm, đe dọa an ninh và ổn định toàn cầu.
"Washington là ‘người đào mồ’ chôn Hiệp ước Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF). Bởi vì họ đã khởi động và hoàn thành việc rút khỏi hiệp ước một cách đơn phương. Do đó cần khẳng định rằng, một số quan chức ở nước ngoài, cũng như một số phương tiện thông tin đại chúng đã nêu, rằng nước chúng tôi đã rút khỏi thỏa thuận và chia sẻ trách nhiệm với người Mỹ là hoàn toàn không đúng. Ngược lại, Nga đã luôn nỗ lực tối đa để cứu hiệp ước, đề xuất đối thoại mang tính xây dựng với Mỹ. Cho đến phút cuối Moscow vẫn ủng hộ duy trì hiệp ước”, ông Ryabkov nói.
Ông Ryabkov cũng cảnh báo rằng sau khi Hiệp ước chấm dứt, nguy cơ chạy đua vũ trang mới đã tăng đáng kể. Nhất là khi Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược START-3 sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.
Trong bài phát biểu cũng như trả lời các câu hỏi của các phóng viên, nhà ngoại giao Nga tiếp tục chỉ trích Mỹ đã vi phạm cũng như luôn có nhiều hành động khiêu khích để phá vỡ hiệp ước. Ông tuyên bố, việc Mỹ triển khai các bệ phóng tên lửa MK 41 có khả năng phóng các tên lửa hành trình tầm trung tại các căn cứ quân sự ở châu Âu là một sự vi phạm Hiệp ước nghiêm trọng. Và thay vì xem xét những lo ngại của mỗi bên theo những đề xuất mà Moscow đưa ra trên cơ sở tôn trọng lợi ích song phương, thì Mỹ đã đơn phương rút khỏi hiệp ước.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga Riavkov cũng bày tỏ lo ngại về việc Mỹ đã tuyên bố triển khai hệ thống tên lửa mới ở Châu Á. Nhà ngoại giao Nga nói: "Khi xuất hiện những đe dọa mới của Mỹ, chúng tôi dĩ nhiên sẽ phải có các biện pháp để đảm đảm bảo an ninh của mình.Như Tổng thống Putin đã tuyên bố ngày 2/2, Nga sẽ không bố trí các tên lửa mặt đất ở Châu Âu và các nước khác khi chưa xuất hiện các vũ khí loại này của Mỹ; kêu gọi Mỹ có trách nhiệm, theo gương Nga và không phát triển các tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Như trước, Nga luôn cởi mở và sẵn sàng đối thoại với Mỹ về chủ đề INF và các vấn đề khác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và vì ích song phương”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Ryabkov đồng thời tuyên bố, các bước đáp trả của Moscow chỉ được áp dụng để loại bỏ đe dọa đối với đất nước. Và Nga sẽ buộc phải xây dựng kho vũ khí tên lửa tầm trung và tầm ngắn nếu không có lệnh cấm triển khai vũ khí của các loại tương ứng. Trong trường hợp không có thỏa thuận và không có lệnh cấm lẫn nhau về việc triển khai Hiệp ước INF, cách duy nhất để bảo vệ an ninh của Nga khỏi các cuộc tấn công như vậy có thể là xây dựng năng lực trong lĩnh vực này để “làm rung chuyển đối thủ, buộc họ không đơn phương nhìn vào những gì đang diễn ra mà phải nhìn vào triển vọng và bối cảnh chung của toàn bộ bức tranh này.”
Nhà ngoại giao Nga cũng không quên khẳng định thêm rằng, tên lửa 9M729 mà Mỹ luôn cáo buộc Nga vi phạm, hoàn toàn nằm trong khuôn khổ quy định của INF. Việc Mỹ không muốn thực hiện các trách nhiệm chỉ là vì muốn được giải phóng khỏi hiệp ước này./.
Từ khóa: Hiệp ước INF, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov, quan hệ Nga Mỹ, Hiệp ước Các lực lượng tên lửa tầm trung,
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN