Nga công bố video tiêm kích Su-35S phóng tên lửa bắn hạ chiến đấu cơ Ukraine
Cập nhật: 03/11/2022
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tiêm kích Su-35S của Nga đã sử dụng tên lửa không đối không tầm xa bắn hạ một chiến đấu cơ của Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, Su-35S và Su-30SM của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) đang tuần tra trên không thì phát hiện một máy bay của Ukraine và đã phá hủy nó. Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn video về các cuộc xuất kích của Su-35S và Su-30SM vào ngày 1/11.
Video do phi công Ấn Độ đăng trên trang Twitter cho thấy Su-35S được trang bị nhiều tên lửa. Nguồn: Twitter
Alexander, phi công điều khiển tiêm kích Su-35S cho biết: “Theo chỉ thị của trung tâm chỉ huy, tôi cất cánh từ căn cứ tới khu vực thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình tuần tra trên không, tôi phát hiện một máy bay của đối phương trong khu vực giới tuyến. Tôi đã khóa mục tiêu và tấn công bằng tên lửa tầm xa”.
Phi công chiến đấu kỳ cựu Vijainder Thakur của Không quân Ấn Độ (IAF) cho rằng, tên lửa tầm xa mà Nga sử dụng nhiều khả năng là R-37M. Ông Thakur đã đăng tải video ghi lại một màn trình diễn của Su-35S và chỉ ra rằng tiêm kích này được trang bị "đầy đủ các loại tên lửa không đối không của Nga", trong đó, ngoài tên lửa rất lợi hại R-37M (còn được gọi là RVV-BD) trên giá treo dưới thân máy bay, còn có tên lửa R-77-1 và 2 tên lửa R-73. Ngoài ra, Su-35S cũng có thể mang theo tên lửa Kh-31P – tên lửa chống bức xạ được thiết kế để đối phó với radar phòng không của đối phương. Đây có lẽ là lần đầu tiên, chiến đấu cơ Su-35S được trang bị tên lửa R-37M trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, ông Vijainder Thakur lưu ý.
Theo chuyên gia này, Nga có thể tăng cường sử dụng tên lửa tầm xa R-37M ở những khu vực được bao phủ bởi hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không (AWACS), có các cơ sở lắp đặt hệ thống phòng không S-300. Tên lửa tầm xa cho phép chiến đấu cơ của Nga bắn hạ máy bay chiến đấu của Ukraine hoạt động trong không phận được bảo vệ nghiêm ngặt.
Su-35S và Su-30SM yểm trợ trên không cho các loại máy bay tấn công mặt đất bay tầm thấp như chiến đấu cơ Su-25 và trực thăng tấn công. Ngoài ra, tên lửa Kh-31P có thể phá hủy các radar phòng không của Ukraine được kích hoạt nhằm theo dõi các phương tiện của Nga.
Su-35S là máy bay tấn công đa nhiệm thuộc thế hệ 4++, tốc độ tối đa khoảng 2.500km/h và có thể mang theo 8 tấn vũ khí. Tiêm kích này bắt đầu kết hợp với tên lửa R-37M thực hiện các nhiệm vụ trên không vào năm 2020. Theo nhật báo Izvestia của Nga, Su-35S có thể mang theo tối đa 4 quả R-37M, trong đó 2 quả dưới cánh và 2 chiếc khác bên dưới thân máy bay.
Sức mạnh của tên lửa tầm xa R-37M
R-37M là tên lửa không đối không (AAM) tầm xa, được cho là sát thủ trên không nhờ khả năng tấn công mục tiêu ấn tượng. Tên lửa có tốc độ hơn 7.400 km/giờ, tầm bắn lên đến 398 km, xa hơn nhiều so với AIM-54 Phoenix của Hải quân Mỹ có tầm bắn chỉ 190km. R-37M dùng động cơ nhiên liệu rắn tăng cường, được trang bị radar chỉ thị mục tiêu Agat 9M1103M-350 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 70km và khóa mục tiêu ở cự ly 40km. Khi tới gần mục tiêu, R-37M sẽ bật radar dẫn đường và tăng tốc nhanh chóng lên vận tốc siêu vượt âm, khiến đối phương không kịp trở tay.
R-37M là sản phẩm của Cục thiết kế Vympel (nay thuộc Tổng công ty tên lửa chiến thuật - chiến dịch Nga KTRV) – cơ quan chịu trách nhiệm thiết kế và chế tạo các dòng tên lửa thuộc họ AAM của Nga. R-37M có nguồn gốc từ tên lửa R-37 AAM của Liên Xô - được chế tạo vào những năm 1980, dành cho tiêm kích MiG-31M Foxhound.
Giữa thập niên 2000, Nga bắt tay thực hiện dự án hiện đại hóa tên lửa R-37. Ban đầu, các nhà phát triển dự định sử dụng cho tiêm kích MiG-31, nhưng sau đó họ đã quyết định nâng cấp R-37M để nó có thể tương thích với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Su-30, Su-35 và thế hệ thứ năm Su-57 của Nga. So với các phiên bản trước, R-37M cập nhật nhiều tính năng và công nghệ mới, nổi bật là hệ thống dẫn đường, hoạt động ở 2 chế độ, chủ động và bán chủ động. Các chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa này có khả năng cải thiện đáng kể hiệu suất hoạt động của máy bay chiến đấu.
Tương tự như R-37, R-37M cũng có thể dùng để tiêu diệt các loại máy bay hoặc tên lửa lớn hơn. Nhiều chuyên gia phương Tây tin rằng tên lửa này được thiết kế để đánh bại máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AEW & C) cùng các tài sản có giá trị cao khác.
R-37M sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi kết hợp với tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga. Theo EurAsian Times, các hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không tại Ba Lan hay Romania dù hoạt động ở chế độ 24/7 sẽ vẫn khó phát hiện máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5./.
Từ khóa: xung đột nga ukraine, chiến sự nga ukraine, tiêm kích Su-35S, máy bay chiến đấu Su-35S, tên lửa tầm xa R-37M, Nga bắn hạ chiến đấu cơ Ukraine, máy bay chiến đấu Su-57, tên lửa không đối không tầm xa, nga tấn công ukraine, sức mạnh của tên lửa R-37M, Su-35S kết hợp tên lửa R-37M, vũ khí nga
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN