Nếu không quản lý tốt sẽ có nhiều người trẻ vi phạm pháp luật
Cập nhật: 2 giờ trước
Biệt đội xe ôm Tho Mo chặn nhiều đường dây tội phạm ở vùng biên
Nóng 24h: Bắt nhóm đối tượng có súng, chặn xe thu tiền bảo kê ở Đồng Nai
VOV.VN - Theo Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh, thời gian tới, khi thế hệ trẻ thành niên đều có xu hướng chạy theo những hành vi tiêu cực, mà chúng ta không kịp kiểm soát thì 5-7 năm tới, chúng ta hoàn toàn phải chứng kiến rất nhiều người trẻ trong xã hội vi phạm pháp luật, hoặc gây ra những hành vi đáng lên án.
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ án thương tâm liên quan đến học sinh tham gia nhiều hội nhóm gây rối trật tự công cộng, vi phạm về quy định tham gia giao thông trên địa bàn cả nước khiến cộng đồng xót xa và có nhiều câu hỏi đặt ra trong việc quản lý con cái trong độ tuổi vị thành niên.
10 tháng năm 2024, Hà Nội phát hiện 116 vụ gây rối trật tự công cộng
Mới đây, ngày 2/12, chủ quán lẩu M.T trên đường Trần Phú, xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh phát hiện một nữ sinh 15 tuổi gục trước quán, trên người có nhiều vết thương. Nữ sinh này sau đó được xác định đang theo học tại một trường nghề trên địa bàn. Theo thông tin ban đầu từ ngành chức năng, trước đó đã có cuộc ẩu đả của các thanh thiếu niên tụ tập ở một địa điểm khác, sau đó cả nhóm di chuyển bằng xe máy đến trước quán lẩu M.T. Công an tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời vào cuộc và tạm giữ một số người để điều tra làm rõ. Trong số đó có 4 người dưới 18 tuổi; có 2 học sinh THPT.
Trước đó, ngày 15/11, Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố hai tài xế vì tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và Gây rối trật tự công cộng. 18 người về hành vi Gây rối trật tự công cộng. Cả 20 người bị tạm giam. Nhóm đối tượng này bị khởi tố, tạm giam vì liên quan đến việc đi xe máy với tốc độ cao tông trúng một cô gái dẫn đến tử vong. Các đối tượng đều sinh năm 2005-2008. Nhiều người trong số đó hiện đang là học sinh.
Thực trạng thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng cùng những vụ việc chấn động dư luận thời gian qua không chỉ là nỗi đau của gia đình có con em phạm tội, là chuyện riêng của các cơ quan thực thi pháp luật.
Số liệu thống kê cho thấy, chỉ riêng tại TP. Hà Nội trong 10 tháng năm 2024 phát hiện 116 vụ gây rối trật tự công cộng do các đối tượng là thanh thiếu niên tụ tập điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, lạng lạc, đánh võng, mang theo hung khí đuổi nhau.
Các đơn vị trong công an thành phố điều tra, xử lý 115/116 vụ, bắt 1614 đối tượng, đạt tỷ lệ khám phá hơn 99%.
Thượng tá Lý Hoài Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.Hà Nội cho biết, chủ yếu các em phạm tội đều trong độ tuổi tâm sinh lý chưa phát triển. Qua quá trình điều tra, công an nhận thấy các đối tượng vi phạm chủ yếu ở lứa tuổi từ 14-18, chiếm hơn 84%. Khi vượt qua lứa tuổi này, tâm sinh lý của các em trưởng thành hơn, hành vi đó nhờ vậy sẽ giảm dần.
“Sau khi bị bắt về cơ quan công an, các em thường khai báo ngay, không phải đấu tranh nhiều. Đa số các em cho rằng, khi phạm tội thường rơi vào tình trạng bị kích động, hai là bị cổ súy và bị các nhóm khác dụ dỗ. Thậm chí, là tâm lý đám đông, chỉ muốn chứng tỏ bản thân mình. Khi bị triệu tập lên cơ quan công an các em mới biết đấy là những hành vi phạm pháp luật” - Thượng tá Lý Hoài Nam cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên cũng cho rằng, lứa tuổi thanh thiếu niên đang hoàn thiện về mặt nhân cách. Đa phần các em đang muốn khẳng định mình là ai trong xã hội. Cộng thêm hạn chế trong nhận thức khiến cho các em có những hành vi không chuẩn mực.
“Đôi khi các em không hiểu rằng, hành vi của mình đang gây hại không chỉ cho chính bản thân mà còn cho xã hội. Chúng ta biết rằng, các em là nhóm rất dễ bắt chước, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ. Khi các em nhận thức chưa đúng đắn, việc các em đứng giữa lằn ranh đúng sai, tốt và xấu gần như các em không nhận định được” - Tiến sỹ Tuấn Anh nói.
Theo Tiến sỹ Tuấn Anh, khi các em có sự hạn chế trong nhận thức, hạn chế trong lối sống, trải nghiệm, chính vì vậy, sự phát triển của mạng internet với các thông tin mang tính chất tiêu cực, xấu đốc cũng ảnh hưởng đến tâm lý các em.
“Như chúng ta biết, tâm lý con người thường bị cuốn hút bởi những thứ gây tò mò, hấp dẫn nhiều hơn. Do vậy, không chỉ tham gia hội, nhóm, các em trong lứa tuổi này còn quay lên mạng xã hội để khoe chiến tích. Các em không nhận thức được, hành vi này không chỉ gây hệ lụy đối với các em mà còn gây ra hệ lụy cho toàn xã hội. Trước tiên, gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình. Nhiều gia đình mất con cái, chồng mất vợ, mất người thân. Đó là những hậu quả, mất mát không thể nào bù đắp được” - Tiến sỹ Tuấn Anh khẳng định.
Theo Tiến sỹ Tuấn Anh, thời gian tới, khi thế hệ trẻ thành niên có xu hướng chạy theo những hành vi tiêu cực, nếu chúng ta không kịp kiểm soát, thì 5-7 năm tới, chúng ta có thể phải chứng kiến rất nhiều người trẻ trong xã hội vi phạm pháp luật, hoặc gây ra những hành vi đáng lên án. Và nếu như xã hội có nhiều em đang trong lứa tuổi học sinh vi phạm như vậy, rõ ràng là mối đe dọa rất lớn cho tình trạng an ninh, an toàn, trật tự xã hội.
Thượng tá Lý Hoài Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.Hà Nội cũng khẳng định, nếu có nhiều người trẻ vi phạm pháp luật sẽ gây ra áp lực lớn cho hệ thống cơ quan thực thi hành pháp luật hay cơ quan xử lý hành vi này. Bởi, cần tăng cường thêm nguồn lực, cũng như cơ chế ngăn chặn và tuyên truyền, xử lý hành vi.
“Đối với các loại tội phạm khác, chúng tôi có thể dùng các biện pháp nghiệp vụ để trấn áp, răn đe mạnh mẽ. Nhưng đây là chủ thể đặc biệt, được dư luận quan tâm và độ tuổi chưa trưởng thành, nên quá trình điều tra, truy tố, xét xử lực lượng chức năng hết sức cân nhắc. Từ khó khăn đó, có những em biết mình trong độ tuổi được pháp luật bảo vệ nên dẫn đến hành vi coi thường. Nghĩ là bị xử lý nhẹ, nên chống đối, bỏ chạy, trêu tức lực lượng chức năng” - Thượng tá Nam nêu thực tế.
Theo Thượng tá Nam, ngoài quy định của pháp luật xử lý những hành vi này nhẹ vì trong độ tuổi thành niên. Thì các biện pháp liên quan đến giáo dục tại xã, phường, thị trấn; và các biện pháp trấn áp vẫn còn những điểm chưa vận dụng linh hoạt. Từ đó, dẫn đến nhiều cháu coi thường pháp luật. Thậm chí, có những cháu đang được áp dụng các biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú ở một vụ án khác, lại tiếp tục phạm tội.
Để giải quyết triệt để thực trạng trên, Thượng tá Nam cho hay, thời gian tới, Công an TP. Hà Nội đã xây dựng rất nhiều chuyên đề, lĩnh vực để phòng ngừa cũng như là đấu tranh, ngăn chặn. Đối với công tác phòng ngừa, thượng tá Nam thông tin, hiện công an Hà Nội giao cho công an quận, huyện, thị xã đến tận các nhà trường tuyên truyền về những hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với các biện pháp nghiệp vụ, qua công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, công an Hà Nội lên danh sách nhiều đối tượng có biểu hiện hư. Công an đã tiến hành gọi hỏi, răn đe, quản lý giáo dục theo Nghị định 120,...
Tuy nhiên, theo Thượng tá Nam, để góp phần thành công, cha mẹ là nhân tố tích cực nhất. Chỉ có họ mới có những phát hiện ban đầu về dấu hiệu, biểu hiện nhận biết con em mình đang có hành vi vi phạm.
Ví như, các cháu có thói quen thức đêm, ngủ ngày, lén lút sử dụng điện thoại tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội có tính chất bạo lực. Các cháu hay văng tục chửi bậy, có xu hướng bạo lực. Các cháu thường được bạn đón vào ban đêm, rồi lén lút tự hàn dao, kiếm mang về nhà và chất giấu ở vị trí kín đáo. Khi sử dụng xe máy các cháu tháo biển kiểm soát, đuôi xe mòn vẹt do bị bốc đầu. Cùng với đó, thường xuyên cãi lời cha mẹ, cô giáo; trốn học, bỏ học không xin phép.
“Các bậc phụ huynh cần quan tâm giám sát, quản lý chặt chẽ con em mình, phương tiện để cho các cháu không có điều kiện về phương tiện. Trong nhiều vụ án khi chúng tôi triệu tập phụ huynh lên, nhiều người ngỡ ngàng con em mình có hành vi vi phạm pháp luật. Lúc đó hành vi cấu thành rồi, không thể xử lý được. Do vậy, muốn con em mình ko vướng lao lý bậc phụ huynh cần chú ý biểu hiện con em” - Thượng tá Nam nói.
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Anh, rõ ràng khi hoàn thiện một con người thành một công dân tốt, thì không thể thiếu một thiết chế nào.
“Giáo dục con người là lĩnh vực toàn xã hội chung tay thực hiện. Chính vì thế, bên cạnh gia đình, để giáo dục, định hướng cho thanh thiếu niên có lối sống tích cực, các thầy cô cần tăng cường các hoạt động giám sát học sinh, phải có sự kết nối liên lạc thường xuyên với gia đình. Kịp thời thông báo với gia đình, nếu phát hiện biểu hiện vi phạm pháp luật, hoặc tham gia hành vi tiêu cực nào đó. Bên cạnh đó, vai trò rất quan trọng của cơ quan công an. Đây là cơ quan rất quan trọng đồng hành với nhà trường, đồng hành với tổ chức chính trị xã hội trong việc trấn áp các loại tội phạm trong thanh thiếu niên.” - Tiến sỹ Tuấn Anh nói.
Cùng với đó, theo Tiến sỹ Nam vì lứa tuổi của các em là lứa tuổi chưa trưởng thành đang sống chủ yếu với gia đình hoặc người giám hộ. Chính vì thế, theo ông Nam cũng cần có quy định chặt chẽ hơn về mặt pháp lý với cha mẹ hoặc người giám hộ.
Từ khóa: vi phạm, vi phạm pháp luật, người trẻ vi phạm pháp luật, luật pháp, gây rối trật tự công cộng
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: nguyễn hiền/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN