Nền nông nghiệp tử tế

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Tăng trưởng về năng suất và chất lượng là điều cần thiết, nhưng trong bối cảnh hiện nay, một nền nông nghiệp bền vững phải là nền nông nghiệp không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn phải đặt trách nhiệm với cộng đồng và môi trường lên hàng đầu.

 >>Tư duy mở lối (Bài 1)

>>Nguồn đột phá  (Bài 2)


Vậy làm thế nào để Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp tử tế – nơi mỗi sản phẩm không chỉ mang giá trị dinh dưỡng mà còn chứa đựng sự trân trọng đối với đất đai và con người?

Câu chuyện về cà phê “Cha và con” của anh Đoàn Anh Tuấn, sinh năm 1996 là khởi nguồn cho cách làm nông nghiệp tử tế ở thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai.

Thành công trong việc thuyết phục cha trồng cà phê theo hướng bền vững, nhưng sẽ chỉ như “muối bỏ bể” nếu xung quanh, cây trồng, không khí, và đất đai vẫn “tắm mình” trong thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học. Khi đó, anh Đoàn Anh Tuấn đã gặp được “người cùng chí hướng”, anh Nguyễn Tấn Công, chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang.

“Nhìn về viễn cảnh tương lai, chúng ta chẳng còn gì để lại cho con cháu của mình nếu chúng ta lạm dụng hoá chất làm cho môi trường bị ô nhiễm, và đặc biệt là biến đổi khí hậu. Thì ngay cả những người đi lao động cho tôi trên vườn, thấy rất là xót xa khi người ta phải ngửi hoặc là va chạm vào những hóa chất ấy mà tôi phải quay về, làm những cái câu chuyện phục vụ cho bản thân tôi, cho những người đồng hành cùng tôi và để lại gì đó cho thế hệ mai sau” - anh Nguyễn Tấn Công chia sẻ.

Nhờ những hạt nhân nòng cốt bền bỉ trên con đường chứng minh tính hiệu quả của nông nghiệp hữu cơ bằng giá bán sản phẩm, môi trường sinh thái, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng; số lượng thành viên của HTX Nam Yang đã tăng từ 15 lên 110. Hợp tác xã có 80 ha hồ tiêu và 120 ha cà phê canh tác theo hướng bền vững, trong đó gần 20 ha đạt chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, hành trình đến với nông nghiệp hữu cơ là câu chuyện về sự tử tế: “Anh đó là anh Sử trồng nhãn ở Hưng Yên đã nói với tôi thế này: Tại sao em làm hữu cơ, bởi vì trước đây em không làm hữu cơ, mỗi lần bán 1 lô sản phẩm, em ngủ không được. Em sợ là người ta ăn phải những quả nhãn của em người ta bị bệnh, bị nhiễm độc. Thành ra em quyết chí em làm hữu cơ thì 2 năm làm em mới được chứng nhận. Em rớt nước mắt vì quá trình đeo đuổi. Đó là câu chuyện anh bán một cái thái độ, một cái tâm huyết trách nhiệm với cộng đồng xã hội”.

Theo ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng ban Nghiên cứu Xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làm nông tử tế cần được đặt trong tổng thể chuyển đổi tư duy và phương thức kinh doanh nông nghiệp, xây dựng đạo đức kinh doanh phải là mệnh lệnh từ thị trường chứ không chỉ là kêu gọi lòng hảo tâm, hay thái độ làm ăn đàng hoàng.

“Chỉ khi người nông dân xác định rằng là đi theo hướng sản xuất thật, làm thật, kinh doanh thật và làm theo phát triển bền vững thì người ta sẽ có hướng đi lâu dài. Bên cạnh đó, có chính sách để đảm bảo là truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm, minh bạch hóa sản phẩm. Người tiêu dùng cũng sẽ sẵn sàng là chấp nhận giá cả thỏa đáng và sản phẩm đó sẽ được tiêu thụ một cách bền vững hơn” - ông Lưu Đức Khải nói.

Việc chuyển đổi sang kinh tế nông nghiệp và làm nông tử tế đòi hỏi phải nghiên cứu, kết nối thực tiễn. Trong đó, vấn đề cốt lõi là xây dựng các chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, mỗi mắt xích liên kết với nhau trong một mối quan hệ gắn bó công nghệ, thị trường, và lợi ích.

Rõ ràng, trong một nền nông nghiệp tử tế, người nông dân phải được ứng xử tử tế. Đó là việc phân phối hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Bởi trong thực tiễn sản xuất, họ vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi, đôi khi là cả sự bất công. Đơn cử, trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, khâu kinh doanh mang lại lợi nhuận trên 70%, trong khi đó, nông dân được hưởng lợi thường không quá 30%. Đối với chuỗi giá trị cà phê, nông dân chỉ được hưởng lợi khoảng 10% trong tổng giá trị gia tăng của sản phẩm.

Đây là chia sẻ của lãnh đạo ngành nông nghiệp tại các địa phương:

- “Có nhiều vùng người nông dân đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, trách nhiệm của hệ thống chính trị, trách nhiệm của các thế hệ cán bộ sau này”.

- “Mặc dù thực hiện các biện pháp sản xuất hiện đại, nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập nhưng so với các lĩnh vực khác thì thu nhập của nông dân còn khá khiêm tốn”.

- “Phân phối lại lợi nhuận sao cho hợp lý, và sao cho đạo lý, chia thêm một phần cho bà con nông dân, để giảm đi cái bất hợp lý hay thậm chí mình gọi là bất công đối với người nông dân hiện nay”.

Khi mỗi thành phần trong chuỗi giá trị đều ứng xử và được ứng xử tử tế, sản xuất có trách nhiệm sẽ trở thành một tiêu chuẩn đạo đức, một thiết chế xã hội, một “lệ làng” hiện đại của nền nông nghiệp. Cách làm này giúp xây từ gốc, để thay vì chỉ tuân thủ nguyên tắc, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tối ưu hóa thông qua phát triển tính đạo đức, mục tiêu minh bạch, năng lực vượt trội để mang lại kết quả bền vững.

TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách nông nghiệp của Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, điều quan trọng là khát vọng và sự chung sức, đồng lòng, với chiến lược cụ thể và hành động nhất quán.

“Đã đến lúc chúng ta phải liên kết lại với nhau trong kinh tế trang trại lớn, gắn với nhau trong hợp tác xã lớn, liên kết với doanh nghiệp lớn, thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Một cú đột phá như thế nó sẽ đẩy nền nông nghiệp của Việt Nam lên mức phát triển mới. Vấn đề chúng ta có dám làm thay đổi về thể chế kinh tế nữa hay không, có quyết tâm chính trị đủ mạnh để vượt qua tất cả những rào cản về tư duy, về tâm lý, về cách hành xử cũ của cả người dân lẫn của Nhà nước, chuyển sang một nền sản xuất lớn, toàn cầu hóa hay không?” - TS. Đặng Kim Sơn nói.

Trong những giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt của mỗi quốc gia, quá trình đổi mới tư duy dựa trên nền tảng nhận thức mới về thực tiễn phát triển là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của các quyết sách. Vì có đổi mới tư duy, mới tạo được bước phát triển đột phá về lý luận phát triển, làm cơ sở cho xây dựng đường lối, thể chế, cơ chế, chính sách phát triển.

Gieo niềm tin và sự tử tế vào ngành nông nghiệp là nền móng để phát triển cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam. Tiến đến nền nông nghiệp tử tế là hành trình dài, đòi hỏi cả một nền tảng văn hóa và sự chung sức đồng lòng từ mọi thành phần trong xã hội, và điều cần làm trước tiên là ươm mầm tư duy phát triển.

Bài viết cùng loại bài: "Nông nghiệp Việt Nam: Đột phá từ tư duy phát triển"

Bài 1: Tư duy mở lối

Bài 2: Nguồn đột phá

Bài 3: Nền nông nghiệp tử tế

Từ khóa: nông nghiệp, nông nghiệp, nông nghiệp tử tế, nền nông nghiệp, nông nghiệp xanh, sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: phương chi-trần long/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan

2 giờ trước |  VOVVN