Nền kinh tế toàn cầu suy sụp vì Covid-19, tổn thất cả nghìn tỷ USD

Cập nhật: 12/03/2020

VOV.VN - Các chuyên gia kinh tế của Liên Hiệp Quốc cảnh báo: Dịch Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu tổn thất đến 2.000 tỷ USD trong năm nay.

Nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2009 và có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu dịch Covid-19 kéo dài, không được kiểm soát.

nen kinh te toan cau suy sup vi covid-19 hinh 1
Nền kinh tế toàn cầu suy sụp vì dịch bệnh Covid-19. (Ảnh minh họa: CNN)

Các nền kinh tế lớn đều lao đao

Theo báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Covid-19 sẽ đẩy một số quốc gia vào tình trạng suy thoái kinh tế và khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đáng kể, có thể xuống dưới 2,5% - mức thường bị xem là ngưỡng suy thoái của kinh tế thế giới.

UNCTAD nhận định, những nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là những quốc gia phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu dầu thô và những mặt hàng khác, cũng như những nước có quan hệ thương mại mật thiết với Trung Quốc và những quốc gia bị Covid-19 tấn công đầu tiên.

Các chuyên gia kinh tế của Liên Hiệp Quốc cảnh báo, dịch Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu tổn thất đến 2.000 tỷ USD trong năm nay.

Tại Mỹ, nỗi lo về Covid-19 buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump và các nhà lập pháp nhóm họp ngày 10/3 để bàn về các biện pháp mạnh nhằm xoa dịu tác động của dịch bệnh đối với kinh tế đất nước.

Các biện pháp này có thể bao gồm cắt giảm thuế thu nhập, hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng cũng như những lao động hưởng lương theo giờ để bảo đảm họ không mất thu nhập vì dịch bệnh đang lây lan trên khắp cả nước. Cuộc họp diễn ra sau khi thị trường chứng khoán Mỹ chứng khiến phiên giao dịch 9/3 tồi tệ với các chỉ số S&P 500, Nasdaq Composite và Dow Jones lần lượt giảm 7,6%, 7,3% và 7,8%.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản hôm 10/3 công bố gói các biện pháp hỗ trợ thứ hai trị giá 4 tỷ USD để đối phó với tác động của dịch Covid-19.

Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết chính phủ ông sẽ sớm thông báo các biện pháp kích thích nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Ông Morrison cho rằng, tác động của Covid-19 có thể còn "lớn hơn" cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Bloomberg vừa đưa ra 4 kịch bản kinh tế đối với nền kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo kịch bản tệ nhất, nền kinh tế Mỹ, Nhật Bản và khu vực đồng euro đều rơi vào suy thoái, tăng trưởng GDP thế giới giảm về mức 0%, sản lượng toàn cầu tổn thất đến 2.700 tỷ USD.

Dịch Covid-19 đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu và có thể khiến nền kinh tế thế giới rơi vào bế tắc.Theo Bloomberg, dịch bệnh có thể khiến nền kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, các nền kinh tế lớn đều lao đao.

Các nhà kinh tế cho biết sự ngưng trệ của kinh tế Trung Quốc vì dịch Covid-19 sẽ đe dọa nền kinh tế ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và thậm chí cả Mỹ, tác động đến đời sống hàng tỷ người khắp thế giới, theo tờ The New York Times.

Khó tránh khỏi suy thoái

Trước tình hình dịch COVID-19 hiện nay, nhiều tổ chức uy tín trên thế giới, bao gồm Moody's và OECD đều đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2020. Một số nhà phân tích cảnh báo nền kinh tế toàn cầu khó tránh khỏi một cuộc suy thoái.

Trong báo cáo mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 2,4% trong năm 2020, giảm so với mức 2,9% trong tháng 11/2019. Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và kéo dài thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay có thể giảm phân nửa và chỉ đạt 1,5%.

OECD dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể phục hồi mức tăng trưởng 3,3% vào năm 2021, nếu dịch Covid-19 đạt đỉnh ở Trung Quốc trong quý 1/2020 và các ổ dịch tại những quốc gia khác được kiểm soát. Tuy nhiên, trong viễn cảnh tồi tệ nhất là dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh, nền kinh tế nhiều quốc gia sẽ rơi vào tình trạng suy thoái.

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IIF) cho rằng, tăng trưởng GDP toàn thế giới có thể chỉ đạt 1%, thấp hơn nhiều mức 2,6% trong năm ngoái, và là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hơn chục năm. Thậm chí, dự đoán này được đưa ra trước khi giá dầu thô lao dốc vào phiên giao dịch đầu tuần (9/3) khiến cho thị trường chứng khoán tràn sắc đỏ./.

Từ khóa: Dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu, tổn thất vì covid, virus corona, OECD

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập