Nên hay không nên công khai giá tranh?
Cập nhật: 27/02/2020
VOV.VN - Có nên công khai giá tranh tại các triển lãm của các họa sĩ đương đại, các thương vụ mua bán tranh?
Trong những năm gần đây, thị trường mỹ thuật nước ta đang có những tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn chưa chuyên nghiệp, chưa minh bạch, thiếu lòng tin từ phía họa sĩ vào các chủ gallery, các nhà đấu giá. Riêng với công chúng, không ít người mặc dù thích xem tranh nhưng vẫn ngại ngần khi quyết định mua một tác phẩm hội họa cho riêng mình. Một phần, họ luôn nghĩ rằng mua tranh là một điều gì đó xa vời bởi giá tranh thường được mặc định là cao, không phù hợp. Có nên công khai giá tranh tại các triển lãm của các họa sĩ đương đại, các thương vụ mua bán tranh? Đây vẫn là câu chuyện khá nhạy cảm, không chỉ với các gallery, được ủy quyền của các họa sĩ trong việc mua bán tranh mà còn với chính các họa sĩ. Họ còn băn khoăn điều gì và công khai giá giá bán tranh có góp phần thúc đẩy thị trường mỹ thuật trong nước?
Khi thực hiện kì phóng sự này, chúng ta đã có cuộc khảo sát ý kiến của các họa sĩ, nhà sưu tập, nhà báo về việc nên hay không nên công khai giá tranh tại các cuộc triển lãm. Và đây là ý kiến của họ:
"Để lộ giá, người thì bảo "rẻ quá!", người thì bảo" đắt quá!". Thường thường đã có giá lên rồi thì tâm lý người mua bao giờ cũng nói là đắt. Đó là tâm lý!"
"Ví dụ như diễn viên điện ảnh, ca sĩ có những người thay mặt họ để kí hợp đồng, đưa ra giá cát-xê. Thế nhưng họa sĩ thì lúng túng! Nhiều họa sĩ cũng không biết lẽ ra giá tranh nên như thế nào?"
"Việc công khai giá tranh rất có lợi vì để cho những người sưu tập không phải băn khoăn, e dè. Khi biết giá họ có thể cân nhắc có nên sưu tập ngay hay không"...
Tranhgiả vẽ lại theo tranhcủa họa sỹ Thành Chương được triển lãm công khai. |
Tại nước ngoài, thông thường sẽ có những hình thức tham khảo cho các họa sĩ mới bán tranh hoặc gallery sẽ định giá dựa trên những thang bảng nhất định. Các họa sĩ đều có người đại diện để làm việc về giá cả, giao dịch mua bán.
Họa sĩ Đào Xuân Tùng, một trong những họa sĩ đã công khai giá tranh tại triển lãm cho rằng: giá cả cũng là 1 yếu tố tiểu sử tác phẩm hội họa. Người bán tranh nào cũng phải đóng thuế nếu muốn hướng đến thị trường mỹ thuật uy tín, rõ ràng. Vì vậy, anh ủng hộ việc công khai giá tranh, các thương vụ mua bán, tránh sự hiểu lầm giữa đơn vị tổ chức và họa sĩ, đồng thời tạo cơ hội cho người xem. "Ở đây công bố giá bán tranh một cách rõ ràng để cho thấy phía trung tâm và phía họa sĩ làm việc rất minh bạch, vừa dễ cho họa sĩ, vừa dễ cho nhà sưu tập và khách mua tranh. Nếu muốn hướng đến thị trường tranh uy tín thì phải làm như thế. Nếu không rõ ràng thì người ta mất niềm tin, cuối cùng lại khó hơn"-Họa sĩ Đào Xuân Tùng khẳng định.
Trên thực tế việc có nên công khai giá tranh hay không là điều gây tranh cãi. Xưa nay, những gì liên quan đến nghệ thuật thường rất khó định giá. Tại nước ngoài, người ta đã có những hình thức tham khảo để các họa sĩ mới bán tranh hoặc gallery có những định giá dựa trên những thang bảng nhất định. Tuy nhiên, dù có sự đo đếm như thế nào thì sự phức tạp và đặc thù trong nghệ thuật khiến cho việc định giá tranh là vô cùng khó. Thế nhưng, tại Trung tâm hỗ trợ, phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio), hầu hết các triển lãm diễn ra ở đây đều công khai giá tranh. Theo PGS TS Bùi Quang Thắng, Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm hỗ trợ, phát triển nghệ thuật đương đại: mục đích của việc công khai giá tranh không quan trọng là cao hay thấp mà để người mua có thể nhìn vào giá, xem có mua được hay không và họ sẽ không bị ngợp so với việc hỏi qua ban tổ chức. PGS TS Bùi Quang Thắng nhấn mạnh: "Việc định giá bức tranh không phải do họa sĩ muốn định là định được mà nó phải kết hợp cả 3 yếu tố: một là nghệ sĩ có yêu cầu, thứ hai là những người tổ chức định giá và thứ 3 là nó phù hợp với mặt bằng kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay. Vì tôi muốn bán tranh cho người Việt Nam để phát triển thị trường tranh Việt Nam".
Bức "Chiều thu bên ô Quan Chưởng” của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị sao chép rao bán công khai. |
Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, nếu như ở nước ngoài, các họa sĩ đều có người đại diện để làm việc về giá cả, giao dịch thì ở nước ta, niềm tin của họa sĩ dành cho các gallery chưa cao và việc đưa ra giá tranh vẫn chủ yếu là do họa sĩ mặc định."Khi người ta vẽ ra người ta cũng chưa khẳng định được giá tranh sẽ như thế nào. Đó cũng là một điều lúng túng. Người nghệ sĩ thực chất mà nói để đưa ra giá tranh, xem ra cũng khó khăn. Tại Việt Nam các nghệ sĩ tự vẽ, tự làm, tự đánh giá... Đôi khi người ta ngại là người ta rất chủ quan"- họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức nói.
Trong khi đó, một trong những hình thức cụ thể để hỗ trợ nghệ thuật đương đại là minh bạch thị trường, tạo ra mặt bằng bình đẳng, rõ ràng. Vì thế, ngay từ khi thành lập Trung tâm hỗ trợ, phát triển nghệ thuật đương đại (từ ngày 17/11/ 2017) thì Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc Gia Việt Nam đã chủ trương công khai giá tranh. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thì sự không chuyên nghiệp đã khiến cho giá tranh không những không tăng lên mà bị mất giá rất nhiều trong thời gian vừa qua. Vì vậy, việc niêm yết giá tranh có lẽ là khâu bắt đầu trong việc có một thị trường tranh mới trong nước. "Thị trường tranh của chúng ta chưa chuyên nghiệp, chưa minh bạch và dẫn đến thiếu lòng tin của tất cả các bên: từ họa sĩ, chủ gallery, khách mua tranh. Chúng tôi lựa chọn minh bạch các tác phẩm tranh. Thỏa thuận với các họa sĩ là thỏa thuận mà các bên đều cảm thấy mình có lợi ích trong đó. Trên cơ sở tạo được sự thỏa mãn, lòng tin, thiết lập được mặt bằng thị trường, từ đó có tác dụng điều chỉnh thị trường, phát triển thị trường, phát triển khán giả",PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.
Tranh Hà Hùng Dũng bị một spa ở Hà Nội sao chép, vẽ lên tường. |
PGS.TS Bùi Quang Thắng, Giám đốc nghệ thuật của Trung tâm hỗ trợ, phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio) cũng khẳng định thêm: Muốn phát triển thị trường nghệ thuật thì phải chú tâm đến việc hướng đến công chúng nước nhà. Hài hòa giữa nhu cầu của công chúng và nghệ sĩ thì nghệ thuật mới đi hết quãng đường của nó, chứ không phải trở về cất kho. Ông cũng chia sẻ thẳng thắn: công khai giá để họa sĩ tự kiềm chế mình lại để biết giá tranh thực của mình đến đâu. "Anh cứ nói anh bán được 3000 đô ở Galerry nhưng ra đây bày giá 3000 đô không ai hỏi. Như vậy anh phải biết đó là giá ảo hoặc với giá đó, chỉ duy nhất galerry bán được cho người nước ngoài. Nếu anh định bán cho khách Việt Nam thì anh phải bán theo giá Việt Nam"- PGS. TS Bùi Quang Thắng nói.
Trong những năm gần đây, thị trường mỹ thuật trong nước đang có một số tín hiệu khởi sắc và cần hơn nữa sự xích lại gần hơn từ phía công chúng và những người sáng tạo. Với những cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ đương đại, việc công khai giá tranh như thế nào để hài hòa, hợp lý, công chúng dễ tiếp cận là điều rất nên ủng hộ. Đó cũng là cách chúng ta hỗ trợ cho mỹ thuật nước nhà, đặc biệt với những nghệ sĩ trẻ có tiềm năng. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích sự sáng tạo công bằng cho các họa sĩ, việc xây dựng thị trường mỹ thuật minh bạch, uy tín cũng cần quan tâm đến việc đẩy lùi nạn tranh giả, tranh chép bằng sự răn đe của những quy định pháp luật.
Đó cũng là nội dung kỳ cuối trong loạt phóng sự “Thị trường mỹ thuật Việt: Con đường minh bạch đã lộ sáng?” mà chúng tôi sẽ giới thiệu tới quý vị và các bạn./.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Thị trường tranh giả đã tồn tại quá lâu
Vấn nạn tranh giả: Dễ cảm nhận, khó chứng minh
Từ khóa: Nên hay không nên công khai giá tranh, mua bán tranh, tranh giả
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN