Nên chọn chủ đầu tư có năng lực cho Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Cập nhật: 08/04/2020
Thưởng Tết cho cán bộ công chức theo Nghị định 73 thực hiện như thế nào?
Tiền thưởng Tết 2025 sẽ tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào?
VOV.VN - Việc chuyển đổi dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công ảnh hưởng thế nào đến chất lượng, tiến độ công trình?
Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Xuân Thuỷ - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, việc chọn hình thức đầu tư, chủ đầu tư thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT, miễn là phương án tối ưu nhất để sớm hoàn thành dự án.
Ông Lưu Xuân Thủy cho rằng: Điều quan trọng vẫn là phải chọn được phương án tối ưu nhất trong bối cảnh hiện tại để triển khai và đưa dự án về đích đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2022, nhằm đồng bộ toàn tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ.
Về phía doanh nghiệp, chúng tôi cũng đã có công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp triển khai dự án này, trong đó nêu rõ kế hoạch thực hiện để thông tuyến vào cuối năm 2021.
Đặc biệt theo phương án chúng tôi đề xuất, đoạn tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ đi qua tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp nên được kết nối vào dự án Trung Lương - Mỹ Thuận khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tỉnh Tiền Giang thì sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính, phát huy việc phối hợp điều hành tốt của tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư như trong thời gian qua. Phương án này đang được các tỉnh nơi có Dự án đi qua ủng hộ.
Dựa trên những tính toán và đề xuất khá cụ thể của chúng tôi sẽ tận dụng thiết bị sẵn có, sự phối hợp nhịp nhàng của địa phương và nhà đầu tư sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án gần một nửa thời gian để kịp hoàn thành trong năm 2022, rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn của toàn dự án trước đây từ 14 năm 8 tháng xuống còn 12 năm 6 tháng (rút ngắn được 2 năm 2 tháng) giảm gánh nặng cho người dân.
Thủ tướng kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hôm 8/3/2020. |
Trước đó, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về việc Bộ Giao thông Vận tải trao quyết định đầu tư cho CIPM Cửu Long thay thế cho Ban Quản lý dự án Thăng Long (MPU Thăng Long). Theo ông Lưu Xuân Thuỷ: Về bản chất của việc thay thế này vẫn là cách chuyển từ ban này sang một ban khác khác thuộc bộ. Việc quyết định hình thức đầu tư hay quyết định chuyển nhà đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ GTVT. Chúng tôi ủng hộ phương án chọn chủ đầu tư có kinh nghiệm.
"Các bình luận mở rộng phạm vi đầu tư Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận để kết nối đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ thời gian sẽ có câu trả lời. Chúng ta chỉ nên bình luận khi đã có sản phẩm, hãy suy nghĩ làm thế nào để sớm thông được toàn tuyến phục vụ người dân đồng bằng sông Cửu Long" - ông Thủy nói.
Đối với các dự án phía Nam, ông Lưu Xuân Thuỷ cho biết: Hiện tại, điều chúng tôi quan tâm hàng đầu là tình hình dịch Covid-19 đang hoành hành và chưa có dấu hiệu dừng lại ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của người dân và cán bộ công nhân viên đang trực tiếp lao động tại dự án.
Chúng tôi cũng rất lo lắng là hệ quả của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến nhân công, vật liệu…trong khi các tồn tại thủ tục chưa được giải quyết dứt điểm như vốn NSNN (còn 410 tỷ), việc cấp phép khai thác vật liệu chưa được các cơ quan chức năng hỗ trợ. Điều đó sẽ dễ làm chậm quá trình triển khai các dự án mà Chính phủ đã đưa ra thời hạn hoàn thành.
"Một điều nữa khiến chúng tôi rất quan tâm là phải tập trung triển khai tiếp dự án thực hiện đúng cam kết với Chính phủ, với người dân đồng bằng sông Cửu Long là sẽ thông tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021 tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đồng thời tính toán khả năng giải ngân vốn để đảm bảo yêu cầu của nhà cung ứng vật tư, các đầu mối cung cấp vật liệu tại địa phương như cát, đá… hiện đang có dấu hiệu đình trệ khi lợi dụng tình trạng khó khăn để ép giá, làm cẩu thả. Điều đó sẽ gây hậu quả xấu cho dự án về lâu dài" - ông Lưu Xuân Thủy bày tỏ lo lắng./.
Không ghép cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào một dự án khác
Trước đó,Bộ GTVT có văn bản gửi Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận phản hồi văn bản của công ty này gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp triển khai dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Bộ GTVT cho biết hiện dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang được Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì báo cáo Ban cán sự Chính phủ để chuyển đổi hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
Bộ GTVT cũng cho rằng việc ghép dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và giao doanh nghiệp dự án triển khai sẽ gặp một số khó khăn. Cụ thể, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và BOT Trung Lương - Mỹ Thuận là hai dự án khác nhau và được thực hiện bởi hai cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT).
Hơn nữa, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc phạm vi tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, không thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang, nên sẽ phát sinh những vấn đề pháp lý, khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, việc ghép dự án chưa có nhà đầu tư vào dự án đang triển khai thực hiện không phù hợp với quy định. Đồng thời, trong thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước cũng có ý kiến kết luận kiểm toán của nhiều dự án BOT, trong đó việc bổ sung dự án, bổ sung hạng mục ngoài phạm vi dự án BOT ký hợp đồng là chưa phù hợp.
Bộ GTVT ghi nhận những kiến nghị của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay,Bộ GTVTsẽ thực hiện dự án theo chỉ đạo và chủ trương chung của Chính phủ.
Từ khóa: cao tốc mỹ thuận-cần thơ, đầu tư PPP, đầu tư công, thủ tướng kiểm tra dự án cao tốc trung lương - mỹ thuận, Đèo Cả
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN