Nạo vét sông Cổ Cò: Lo ngại ảnh hưởng nguồn cấp nước sinh hoạt Đà Nẵng

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Chiều nay (16/9) lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có buổi làm việc bàn giải pháp phối hợp triển khai Dự án nạo vét khơi thông sông Cổ Cò.

Các ý kiến đại diện cơ quan, ban, ngành của 2 địa phương lo ngại sau khi sông Cổ Cò khơi thông, tình trạng xâm nhập mặntrên sông Cầu Đỏ ở Đà Nẵng sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến nguồn cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng.

nao vet song co co: lo ngai anh huong nguon cap nuoc sinh hoat cua da nang hinh 1
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Dự án khơi thông sông Cổ Cò chảy qua địa phận 2 tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư khoảng 1.245 tỉ đồng, trong đó, Quảng Nam 1.000 tỷ đồng, Đà Nẵng 245 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, cơ quan ban ngành và lãnh đạo 2 địa phương khẳng định, đây là dự án đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế 2 địa phương. Tuy nhiên,trong quá trình triển khai, việc tháo dỡ 3 đập ngăn mặn Hà Mi, Đồng Nò, Bờ Quang tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam để thông sông Cổ Cò sẽ ảnh hưởng đến xâm nhập mặn sông Cầu Đỏ. Độ mặn sông Cầu Đỏ sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng.

nao vet song co co: lo ngai anh huong nguon cap nuoc sinh hoat cua da nang hinh 2
Buổi làm việc giữa 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng bàn giải pháp nạo vét sông Cổ Cò.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo 2 địa phương thống nhất đề nghị Ban quản lý dự án và đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu báo cáo tác động môi trường và đề xuất giải pháp chống nhiễm mặn sông Cầu Đỏ, ảnh hưởng cấp nước cho thanh phố Đà Nẵng và nguồn nước sản xuất nông nghiệp của thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay, sông Cầu Đỏ ở thành phố Đà Nẵng đang bị nhiễm mặn. Vì vậy, đề nghị Đà Nẵng phối hợp thực hiện giải pháp kết hợp chống nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ hiện tại và sau khi khơi thông sông Cổ Cò.

"Bây giờ, dù muốn không gì thì Nhà máy nước Cầu Đỏ cũng đang nhiễm mặn, chắc chắn độ mặn cũng sẽ tăng lên, cho nên chúng ta phải có giải pháp căn cơ, lâu dài đối với Nhà máy nước Cầu Đỏ. Đã giải quyết căn cơ nhiễm mặn Nhà máy nước Cầu Đỏ thì đồng thời giải quyết luôn vấn đề nhiễm mặn (nếu có) đối với việc ảnh hưởng từ nạo vét sông Cổ Cò. Độ mặn tăng lên từ 0,6 đến 1,5 phần nghìn thì cộng vào đó để giải quyết dứt điểm tình trạng mặn của Nhà máy nước Cầu Đỏ", ông Thanh nói.

nao vet song co co: lo ngai anh huong nguon cap nuoc sinh hoat cua da nang hinh 3
Một đoạn sông Cổ Cò nối giữa Quảng Nam và Đà Nẵng nằm trong dự án.

Ông Lê Trung Chính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Quảng Nam thực hiện dự án này. Đồng thời, đề nghị tỉnh Quảng Nam phối hợp trong giải pháp chống nhiễm mặn sông Cầu Đỏ, đảm bảo nguồn cấp nước cho thành phố Đà Nẵng về lâu dài. Trong quá trình thực hiện dự án nếu không mở các đập ngăn mặn trên sông Cổ Cò thì thuyền không thể qua lại, Dự án khơi thông sẽ không có ý nghĩa.

Ông Lê Trung Chính đề nghị:"Bên Bộ Tài nguyên Môi trường còn đang phân vân không muốn mở đập Hà Mi, còn 2 địa phương muốn mở đập. Mở để thuyền bè qua lại, chứ nếu đóng lại không có giải pháp thì dòng sông này không có ý nghĩa gì cả. Còn nếu mở luôn thì giải pháp nhiễm mặn như thế nào? Chúng ta cần có giải pháp tổng thể. Tôi đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu rất có trách nhiệm những kiến nghị hôm nay để có một báo cáo kết quả khoa học nhất. Từ đó tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thành ủy 2 địa phương để quyết định vấn đề này để mở đập ngăn mặn như thế nào cho có căn cứ khoa học"./.

Từ khóa: cấp nước sinh hoạt, nguồn nước sinh hoạt, dự án sông cổ cò, thành phố Đà Nẵng

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập