Năng lực phát triển vũ khí hạt nhân của Ukraine

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Truyền thông quốc tế vừa phản ánh báo cáo đặc biệt của CACDS (tổ chức có tầm ảnh hưởng tại Ukraine) trình bày phương án Ukraine phát triển vũ khí hạt nhân dạng thô để đối đầu quân sự với Nga trong tình huống Kiev bị Mỹ cắt viện trợ quân sự dưới thời Tổng thống Trump nhiệm kỳ 2.

Năng lực Ukraine về chế tạo bom A và kịch bản triển khai vũ khí hạt nhân

Thời báo Times vừa đăng bài nói về khả năng Ukraine phát triển vũ khí hạt nhân cấp thấp (giống quả bom nguyên tử, tức bom A, mà Mỹ từng thả xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945) nhằm ngăn chặn Nga trong tình huống Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tờ báo của Anh này ngày 14/11/2024 cho biết, Ukraine có thể phát triển bom hạt nhân như trên trong vòng vài tháng tới nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Trump ngưng viện trợ quân sự cho Kiev một khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025. Bài báo của Times dựa trên một bản báo cáo đặc biệt được xây dựng để trình lên Bộ Quốc phòng Ukraine.

Theo bản báo cáo nói trên, Ukraine sẽ nhanh chóng chế tạo được một loại vũ khí hạt nhân mức cơ bản từ chất phóng xạ plutonium bằng công nghệ tương tự như công nghệ dùng để chế tạo quả bom nguyên tử “Fat Man” mà quân đội Mỹ từng thả xuống thành phố Nagasaki vào năm 1945. Văn bản này có đoạn đánh giá như sau: “Tạo ra một quả bom nguyên tử đơn giản, như Mỹ từng thực hiện trong khuôn khổ Dự án Manhattan, sẽ không phải là nhiệm vụ khó khăn vào thời điểm 80 năm sau đó”.

Theo kịch bản này, do không còn thời gian để xây dựng và vận hành các cơ sở hạt nhân lớn đòi hỏi phải làm giàu urani, nước Ukraine thời chiến sẽ phải dựa vào plutoni gom góp từ những thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại các lò phản ứng hạt nhân của Ukraine.

Bom nguyên tử (bom A) tuy là dạng thấp của bom hạt nhân nhưng vẫn có sức hủy diệt đáng sợ, như nhân loại đã từng chứng kiến ở các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Do vậy, nếu được sử dụng một lần nữa nhằm chống lại Moscow, nó vẫn có tiềm năng gây ra hậu quả khó đong đếm cho Nga.

Bên chuẩn bị và công bố báo cáo đặc biệt trên là một tổ chức nghiên cứu và tư vấn độc lập có tầm ảnh hưởng lớn tại Ukraine - CACDS (viết tắt bằng tiếng Anh của cụm từ “Trung tâm Nghiên cứu lục quân, chuyển đổi và giải giáp”). Một trong những tác giả của báo cáo là Oleksii Yizhak - thành viên của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia của Ukraine.

CACDS đánh giá rằng nếu chính quyền tân Tổng thống Trump tương lai rút lại viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine thì nước này trong vòng vài tháng có thể phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó Nga.

Ukraine hiện nay có 9 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và một số lượng lớn chuyên gia hạt nhân.

Báo cáo của CACDS viết: “Ước tính trọng lượng của plutoni mà Ukraine có được là 7 tấn”. Báo cáo nhận định: Với lượng plutoni như vậy, đủ sức chế tạo kho vũ khí hạt nhân đáng kể, với hàng trăm đầu đạn hạt nhân có sức công phá ở cấp độ chiến thuật là vài kiloton.

Nhóm tác giả của báo cáo viết tiếp rằng một quả bom hạt nhân như thế dự kiến sẽ có sức công phá chỉ bằng 1/10 quả bom “Fat Man” của Mỹ nhưng vẫn đủ lực để phá hủy toàn bộ “một căn cứ không quân hoặc cơ sở hậu cần, quân sự và công nghiệp tập trung của Nga”.

Tổn thất to lớn về sinh mạng và kinh tế của xung đột Nga - Ukraine sau 1000 ngày

VOV.VN - Cuộc xung đột Nga - Ukraine khốc liệt đã bước vào ngày thứ 1.000 vào hôm 19/11/2024. Cuộc đối đầu quân sự lớn nhất châu Âu sau Thế chiến II này chứng kiến sự tổn thất hàng chục ngàn sinh mạng và sự tàn phá nhiều cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD, với những tổn thương khó đong đếm cho kinh tế, xã hội những nước tham chiến…

Phản ứng từ Ukraine và khả năng kịch bản CACDS được phê chuẩn

Dư luận bấy lâu nay đều nhận định rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột Nga - Ukraine sẽ gây ra thảm họa cho không chỉ hai nước này mà còn cả phần còn lại của thế giới.

Báo cáo của CACDS xuất hiện trong bối cảnh hồi tháng 5/2024, các cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump nhiệm kỳ đầu trình bày bản kết hoạch với nội dung nói rằng Mỹ chỉ nên tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chừng nào nước này bước vào đàm phán hòa bình với Nga.

Trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên Trump tuyên bố ông có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng “một ngày”.

Hiện chính quyền Ukraine chưa phê chuẩn bản báo cáo của CACDS. Tuy nhiên, báo cáo này vạch ra hoàn cảnh mà trong đó Ukraine có thể rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPI) khi mà việc phê chuẩn hiệp này dựa trên các bảo đảm an ninh của Bản ghi nhớ Budapest.

Dự kiến, báo cáo đặc biệt này sẽ được trình bày tại một hội thảo vào tuần này. Nhiều khả năng Bộ trưởng quốc phòng của Ukraine sẽ dự hội thảo đó.

Một số nguồn tin cũng cho biết, báo cáo của tổ chức CACDS đã được chia sẻ với Thứ trưởng quốc phòng của Ukraine.

Trước thông tin về báo cáo của CACDS, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ukraine, Heorhii Tykhyi, đã lên tiếng khẳng định hiện nay Ukraine chưa tính đến phát triển vũ khí hạt nhân làm biện pháp bảo đảm an ninh đất nước.

Người phát ngôn Tykhyi đăng trên mạng X (trước đây gọi là mạng Twitter) nội dung cho biết “Kiev làm việc chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA và hoàn toàn minh bạch trước sự giám sát của tổ chức này”. Đăng tải của nhân vật này bổ sung rằng điều này “loại trừ việc sử dụng vật liệu hạt nhân cho mục đích quân sự”.

Ông Tykhyi khẳng định: “Ukraine cam kết tuân thủ Hiệp ước quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân NPI… Chúng tôi không sở hữu, phát triển hoặc có ý định thâu nhận vũ khí hạt nhân”.

Hồi tháng 10, Bộ Ngoại giao Ukraine phủ nhận bài báo của hãng truyền thông Bild (Đức) dẫn lời một nguồn tin Ukraine giấu tin nói rằng Kiev đang tìm kiếm phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Ngày 17/10, Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu rằng ông đã thông báo với ứng viên tổng thống Mỹ Trump là Kiev hoặc phải gia nhập NATO hoặc phải theo đuổi con đường răn đe bằng vũ khí hạt nhân. Phát biểu này đã dẫn tới nhiều đồn đoán về phương án hạt nhân của Ukraine.

Tuy nhiên, sau đó Tổng thống Zelensky tuyên bố rằng nước ông không theo đuổi vũ khí hạt nhân và ông chỉ đang nhấn mạnh đến thất bại của Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 với nội dung Kiev từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình để nhận lấy bảo đảm an ninh từ bên ngoài.

Xem thêm:

>> Tin dữ với Ukraine ngay cả khi được Mỹ cho phép dùng ATACMS để tấn công Nga

>> Mỹ đang kéo phương Tây gần kịch bản đối đầu trực tiếp với Nga?

>> Nga quyết dập tắt lá bài mặc cả của Ukraine tại Kursk, không đóng băng xung đột

Từ khóa: vũ khí hạt nhân, ukraine, năng lực phát triển vũ khí hạt nhân, năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân, năng lực hạt nhân ukraine, tiềm năng vũ khí hạt nhân ukraine, chế tạo bom hạt nhân, chế tạo bom a, kịch bản phát triển vũ khí hạt nhân, khả năng triển khai vũ khí hạt nhân, chiến tranh hạt nhân, chiến tranh nga ukraine, xung đột ukraine nga, cắt giảm viện trợ vũ khí, mỹ ngưng viện trợ ukraine, đối phó nga, cacds

Thể loại: Pháp luật

Tác giả: trung hiếu/vov.vn tổng hợp

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập