Nâng khống giá thiết bị y tế: Còn nhập nhèm, còn tiêu cực
Cập nhật: 15/04/2021
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Trong vụ án tại CDC Hà Nội cũng như vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại BV Bạch Mai, việc “thổi giá” rất dễ dàng thực hiện. Điều này chắc chắn có một phần nguyên nhân do những quy định về thẩm định giá còn nhiều bất cập.
Ngày 12/4, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, cơ quan công an đã làm việc với Bệnh viện Tim Hà Nội, yêu cầu cung cấp tài liệu để xác minh vụ việc liên quan các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, đề án xã hội hóa tại các bệnh viện công lập và nhiều vấn đề liên quan đến quy chế thu chi tài chính, thực hiện các đề án xã hội hoá, liên danh liên kết về trang thiết bị y tế tại bệnh viện này..... Đây cũng không phải lần đầu cơ quan công an làm việc với bệnh viện liên quan đến việc mua sắm các thiết bị y tế.
Việc nâng khống thiết bị y tế, không phải là cá biệt
Năm 2020, trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, nhiều cá nhân là lãnh đạo tại các bệnh viện đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, lợi dụng chính sách phòng, chống dịch của Chính phủ, móc ngoặc với doanh nghiệp nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống máy xét nghiệm Covid-19. Để chấn chỉnh tình trạng này và cảnh tỉnh nhiều người, ngày 11/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, lãnh 10 năm tù vì nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19 từ 2 tỷ lên đến 7 tỷ đồng. Cùng vấn đề, ngày 6/1/2020, công an Hà Tĩnh đã khởi tố, bắt hàng loạt giám đốc và kế toán bệnh viện tuyến huyện như Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân vì nâng khống giá thiết bị y tế.
Từ một đề án đặt mục tiêu vì người bệnh lên hàng đầu, có vị lãnh đạo bệnh viện lớn, là Anh hùng Lao động nhưng cũng không thắng nổi cám dỗ của đồng tiền, sẵn sàng lợi dụng chủ trương để "móc túi" người bệnh. Này 25/9/2020, dư luận bàng hoàng khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh (SN 1959), nguyên Giám đốc Bệnh viện về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng ngày, Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Hiền (SN 1960), nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và bà Trịnh Thị Thuận (SN 1974), Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán của bệnh viện về cùng tội danh trên.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng làm rõ hành vi của một số lãnh đạo, cán bộ BV Bạch Mai đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, vì động cơ cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và Bộ Y tế; chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Tháng 10/2020, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ của Chính phủ, Thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai không phải là vụ đầu tiên, chắc chắn không phải cuối cùng.
Cũng tại cuộc họp báo này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Chủ trương xã hội hoá về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là chủ trương đúng đắn, đã được thông qua trong Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị định 16, 42, 43 của Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành thông tư về vấn đề này. Vấn đề xã hội hoá này đã giúp cho cơ sở y tế trong điều kiện ngân sách có hạn có thể mở rộng được thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ cao cho người dân. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, thông qua xã hội hoá xảy ra tình trạng nâng giá thiết bị y tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách xã hội hóa y tế mà chúng ta đang áp dụng, đưa tư nhân vào các bệnh viện công như hiện nay đang biến các bệnh viện công thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ y tế, mập mờ công tư, sử dụng nguồn lực công cho lợi ích của một nhóm người. Do đó, khi cơ chế hoạt động không rõ ràng, mập mờ công tư, việc những người có quyền sử dụng nguồn lực công, mượn danh nghĩa xã hội hóa y tế để trục lợi là chuyện khó tránh khỏi.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính pháp, đoàn luật sư Hà Nội phân tích, hiện nay hệ thống pháp luật của nước ta quy định về trình tự, quy trình mua sắm trang thiết bị y tế mặc dù đã có nhưng chưa thật sự đồng bộ, chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ, thiếu các quy định về trách nhiệm, thẩm quyền, giám sát trong từng khâu mua sắm nên dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cán bộ, giữa các cơ quan cũng như tồn tại các hành vi cài cắm lợi ích, thiếu minh bạch trong việc mua sắm dẫn đến kẻ xấu lợi dụng kẽ hở trục lợi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có cơ chế để công khai giá các thiết bị y tế. Mặt khác, thiết bị y tế là mặt hàng có những thiết bị đặc chủng, không dễ dàng so sánh, tìm hiểu được giá cả. Do đó, việc thẩm định giá sản phẩm phải được kiểm soát chặt chẽ.
Luật sư Cường cho rằng, thực tế hiện nay từ khâu quản lý, cấp phép chứng chỉ cho các thẩm định viên còn khá lỏng lẻo, dễ dãi, bên cạnh đó đạo đức nghề nghiệp của nhiều người không cao; năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm yếu kém nên các thẩm định viên vẫn ký xác nhận những tài sản có giá trị lớn, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hoặc tiền túi người dân. Kể cả trong vụ án tại CDC Hà Nội cũng như vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại BV Bạch Mai thì có thể thấy việc “thổi giá” rất dễ dàng thực hiện. Điều này chắc chắn có một phần nguyên nhân do những quy định về thẩm định giá còn nhiều bất cập.
Hành vi đưa nhận hối lộ gia tăng
Luật sư Cường phân tích, việc xã hội hóa y tế là cần thiết nhưng mặt trái của nó sẽ xảy ra nhiều vấn đề lạm dụng liên quan đến đấu thầu, đầu tư, phân chia lợi nhuận, giá thành… nếu công tác quản lý của bệnh viện không tốt, việc báo cáo, công tác giám sát không được thực hiện nghiêm chỉnh và sát sao. Việc xã hội hóa y tế, thương mại hóa y tế mà lại không có sự giám sát từ phía cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ khiến cho nhiều đơn vị lợi dụng kẻ hỡ của pháp luật để tự ý thực hiện, trục lợi bệnh nhân. Ngoài việc các thiết bị y tế bị nâng khống giá thì cũng không tránh khỏi có thiết bị không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, có vấn đề khi vận hành, điều này hoàn toàn có thể gây đến những hậu quả cho bệnh nhận sử dụng, không lường trước được.
Bên cạnh những nguyên nhân đó, theo luật sư Cường, một nguyên nhân không thể không nhắc đến chính là đạo đức cán bộ y tế, có tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, hành vi đưa nhận hối lộ ngày càng gia tăng. Ngoài ra có thể do việc giám sát thực hiện không tuân thủ quy định hoặc do thiếu kiến thức, hiểu biết hạn chế của những bên tham gia đầu thấu, hoặc do người tham gia đấu thầu vì ham lợi ích vật chất mà bỏ qua mặt đạo đức, pháp luật. Tình trạng này cùng với những lỗ hổng trong quy định pháp luật, quy trình mua sắm dẫn đến hành vi mua sắm tất yếu có sai phạm. Thực tế các đối tượng vi phạm đều là các cán bộ có học hàm, học vị, có thâm niên công tác nhiều năm trong nghề do đó không thể nói là không biết quy định, mà đây phải xác định là lỗi cố ý, liên quan đến đạo đức con người, đạo đức nghề y.
Để hạn chế những sai phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế, luật sư Cường phân tích, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, rà soát lại quy định pháp luật về quy trình, trình tự mua sắm; quy trình về đấu thầu, chỉ định thầu mua sắm thiết bị y tế. Bên cạnh đó cần phải nghiên cứu cách thức quản lý, giám sát, phối hợp trong mua sắm, giám sát hoạt động thẩm định giá, đầu thầu thiết bị tại các chủ thể công để đảm bảo sự minh bạch tài chính và thu chi. Cơ quan chức năng cũng cần khẩn trương rà soát tất cả các hoạt động xã hội hóa y tế trên địa bàn cả nước, thanh tra hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế tại các bệnh viện, nhất là tại các bệnh viện lớn để xử lý nghiêm minh nếu phát hiện ra sai phạm.
Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh giải pháp để làm trong sạch ngành y tế phải xuất phát từ đạo đức, trình độ con người, chính là những người y, bác sĩ, cán bộ tại các cơ sở y tế. Chỉ khi nâng cao chất lượng cán bộ nhân viên y tế, bồi dưỡng, đào tạo những người thầy y đức, những lương y vừa có tài vừa có đức thì những sai phạm mới có thể chấm dứt. Nếu quy định dù có chặt chẽ mà đạo đức xuống cấp thì hành vi sai phạm vẫn cứ không tránh khỏi.
Thực tế các sai phạm đều xuất phát từ hoạt động mua sắm đầu tư công, gây thất thoát tài sản nhà nước hoặc trục lợi trên sức khỏe của người bệnh. Các thiết bị y tế là những tài sản có giá trị rất lớn, đây là nguồn vốn của doanh nghiệp, của nhà nước cần bảo vệ, quan trọng hơn những thiết bị này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người bệnh và của cộng đồng do đó nhà nước cần phải quan tâm đúng mức, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý triệt để các sai phạm trong ngành y tế, hạn chế tối đa hậu quả đáng tiếc xảy ra./.
Từ khóa: thiết bị y tế, nâng khống thiết bị y tế, Bệnh viện Tim Hà Nội
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN