Nâng cao hiệu quả liên kết du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật: 6 ngày trước
Luật Nhà giáo khắc phục các bất cập trong ngành giáo dục hiện nay (22/11/2024)
Tinh gọn bộ máy và sự cấp thiết với sự phát triển của đất nước (25/11/2024)
VOV.VN - Dù sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long, các sản phẩm du lịch trong khu vực khá giống nhau như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, tát mương bắt cá... mà chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sở hữu những nét văn hóa bản địa phong phú, cùng hệ sinh thái đa dạng gồm hệ thống cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao. Du lịch sinh thái ĐBSCL gắn với cảnh quan sông nước; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám phá lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống; du lịch biển đảo chất lượng cao; du lịch MICE.
Thời gian qua, ý thức được tầm quan trọng trong liên kết không gian du lịch, 13 tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực kết nối để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch vùng. Đáng chú ý, sau khi triển khai thỏa thuận hợp tác du lịch giữa vùng với TP.HCM, nhiều dòng sản phẩm liên kết đã ra đời.
Bên cạnh liên kết vùng, một số địa phương ở vùng ĐBSCL cũng đã hình thành liên kết riêng. Cụ thể, Cần Thơ đã ký kết hợp tác liên kết với Hà Nội, Ninh Bình từ nhiều năm trước. Trong khi đó giữa Hà Nội, Ninh Bình và các tỉnh Tây Nguyên cũng có sự hợp tác cùng nhau phát triển du lịch. Do đó, việc mở rộng liên kết vùng đã hỗ trợ mối quan hệ hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch giữa các địa phương.
Tuy nhiên, tại hội nghị "Đánh giá sản phẩm du lịch hiện có và tiềm năng phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng" được tổ chức ngày 17/11 tại tỉnh Vĩnh Long, nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm du lịch trong khu vực ĐBSCL khá giống nhau như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, tát mương bắt cá.., mà chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương. Thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng những sản phẩm mới nhưng tồn tại không được lâu.
Bà Nguyễn Thị Quế Hân (Công ty du lịch Mekong Xanh, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: "Tại ĐBSCL, tạo ra một sản phẩm mới sao cho khách hàng chấp nhận sản phẩm đó cũng là khó. Chúng tôi cũng đã từng mở một sản phẩm mới khác so với thị trường, nhưng chi phí sẽ cao hơn nên du khách khó chấp nhận. Đây cũng là trăn trở chung của các doanh nghiệp lữ hành tại địa phương".
Thực tế, liên kết du lịch giữa các địa phương đã được kết nối, thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng hiệu quả vẫn là bài toán cần được tiếp tục bàn thảo. Nhiều liên kết thực sự không phát huy hiệu quả, chỉ nằm trên những bản ký kết. Nhiều địa phương nhìn nhận rằng, hoạt động liên kết vùng có hiệu quả thường chỉ dừng lại ở công tác quảng bá, xúc tiến, trong khi các vấn đề cốt lõi như xây dựng sản phẩm, cơ chế chính sách… vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
Mặc dù vậy liên kết vùng luôn là một trong những giải pháp được nhiều địa phương lựa chọn để thúc đẩy phát triển du lịch. Không chỉ đa dạng hóa hệ thống sản phẩm, liên kết vùng còn là tiền đề mở ra nhiều cơ hội kết nối thị trường, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng thông qua du lịch.
Tại hội nghị, ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá cao giải pháp liên kết vùng giữa các địa phương để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Nhiều địa phương tại ĐBSCL đã làm mới các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên công tác quảng bá điểm đến cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, phải xây dựng nội dung quảng bá hấp dẫn, có nội dung. Từ xây dựng nội dung rồi mới lựa chọn các kênh để quảng bá sản phẩm, trong đó có trên Internet và các nền tảng số.
Thực tế, sản phẩm du lịch ĐBSCL luôn có sức hút với du khách trong thời gian gần đây, nhất là các tour trải nghiệm vùng sông nước, miệt vườn và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, du lịch vùng ĐBSCL vẫn được xem là vùng trũng của cả nước, nên vẫn cần phải trau chuốt về chất lượng. Bên cạnh việc xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL, các địa phương cần thiết quan tâm hình thành không gian và chuỗi sản phẩm liên kết.
Từ khóa: du lịch, liên kết du lịch,du lịch Đồng bằng sông Cửu Long,du lịch miền tây,sản phẩm du lịch,phát triển du lịch
Thể loại: Xã hội
Tác giả: chanh tuy/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN