Nâng cao chất lượng đào tạo báo chí truyền thông trong tình hình mới

Cập nhật: 19/10/2023

VOV.VN - Làm việc với Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị nhà trường quyết tâm thực hiện cho được quan điểm Đại hội XIII đó là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo báo chí tuyên truyền.

Chiều nay (19/10), tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Báo cáo tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong cơ cấu đào tạo và nghiên cứu của nhà trường, báo chí - truyền thông là ngành đào tạo trọng điểm, là lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu, phục vụ cộng đồng rộng rãi. Đến nay, lĩnh vực báo chính truyền thông đã được đào tạo tại 3 hệ, gồm: Cử nhân, Thạc sỹ và Tiến sỹ. Trường đã đào tạo hơn 1 vạn cử nhân; gần 1.000 Thạc sỹ và Tiến sỹ vùng với nhiều khoá bồi dưỡng - tập huấn ngắn hạn cho đội ngũ nhà báo toàn quốc.

Nhiều ý kiến tại buổi làm việc kiến nghị tới Ban Tuyên giáo Trung ương về việc chỉ đạo đánh giá tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí truyền thông. Cần ban hành văn bản chỉ đạo định hướng chiến lược cho lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Cùng với đó, cần có chỉ đạo sát sao hơn về quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông, cũng như định hướng phát triển cho các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông công lập và ngoài công lập. Tạo cơ chế, chính sách để Hội đồng tư vấn chính sách của trường Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn được báo cáo trực tiếp, tham mưu giúp Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác xây dựng chính trị, tư tưởng, đạo đức; chủ trương quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí, truyền thông.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn nói chung và lĩnh vực báo chí truyền thông nói riêng, ở thời kỳ nào Đảng, Nhà nước cũng đều rất quan tâm, chú trọng.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, một trong những cơ quan điểm rất lớn của Đại hội lần thứ XIII, Hội nghị Trung ương 4, Hội nghị Trung ương 5 và các Kết luận phát biểu của Tổng Bí thư đều đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo báo chí. Trong đó có quan điểm rất rõ là: phải tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo, kể cả đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên làm công tác truyền thông thật tốt cả bản lĩnh đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu sứ mệnh của công tác báo chí và truyền thông trong tình hình mới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cần tiếp tục ý thức rõ về vai trò và trách nhiệm của mình để thực hiện sứ mệnh cao cả là một trong những cơ sở dẫn đầu về đào tạo lĩnh vực báo chí và truyền thông. Cần cụ thể về mục tiêu đào tạo, xây dựng khung chương trình, đào tạo đồng bộ, đẩy mạnh ứng dựng khoa học, công nghệ… nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác báo chí và truyền thông trong tình hình mới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị: "Chúng ta cần quyết tâm thực hiện cho được quan điểm Đại hội XIII đó là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo báo chí tuyên truyền. Nghị quyết của Trung ương ghi rất rõ, đề cao sứ mệnh cao cả của báo chí và truyền thông trong tình hình mới. Chúng ta muốn có sứ mệnh thì phải có nguồn lực, phải có cơ chế lãnh đạo, phải có điều kiện bảo đảm xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp và nhân văn, hiện đại trong thời kỳ mới".

Từ khóa: báo chí truyền thông, đào tạo báo chí truyền thông, trưởng ban tuyên giáo trung ương, đại học khoa học xã hội nhân văn, đại hội 13

Thể loại: Nội chính

Tác giả: nguyễn hằng/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập